Để câu hát cửa đình Móng Cái mãi ngân vang
Hát, múa cửa đình là loại hình diễn xướng dân gian lâu đời ở Móng Cái, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, với sự nỗ lực của thành phố, hát, múa cửa đình đã được bảo tồn và gìn giữ, tuy nhiên công tác phát huy còn ở mức độ chưa cao.
Biểu diễn hát, múa cửa đình tại đình Vạn Ninh.
Hát, múa cửa đình Móng Cái từng được vang lên ở nhiều sân đình lớn trên địa bàn, là sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân, tuy nhiên hiện nay chủ yếu diễn ra ở đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh) và đình Bầu (xã Quảng Nghĩa) và dịp biểu diễn chính trong năm là ngày khai hội đình. Các làn điệu hát, múa cửa đình từng được biết đến ở các xã Hải Xuân, Hải Tiến, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực... hiện nay không còn.
Mặc dù ở TP Móng Cái hiện có 2 CLB hát, múa cửa đình ở Vạn Ninh và Quảng Nghĩa, nhưng chỉ CLB Vạn Ninh là hoạt động thường xuyên. Năm 2019, hát, múa cửa đình cũng được TP Móng Cái đưa vào biểu diễn ở một số lễ hội khác như đền Xã Tắc, đình Trà Cổ, tuy nhiên mới chỉ mang tính thử nghiệm.
Có thể thấy Vạn Ninh chính là vùng đất đậm đặc nét văn hóa diễn xướng dân gian của hát, múa cửa đình. Nơi đây tập trung các nghệ nhân hát, múa cửa đình của TP Móng Cái, thường xuyên tập luyện, truyền dạy cho các thế hệ kế cận. Tuy vậy, cũng giống như bao CLB khác, tất cả các hoạt động này đều do người dân tự bỏ kinh phí triển khai, ít có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Một buổi sinh hoạt của các thành viên CLB Hát, múa cửa đình xã Vạn Ninh.
Nghệ nhân Hoàng Thị Thảo (xã Vạn Ninh), đã trên 70 tuổi, vì đam mê hát, múa cửa đình mà luôn canh cánh nỗi lo trong lòng về sự mai một nét văn hóa này. Không quản vất vả, bà là người tiên phong và tích cực trong công tác tuyển chọn, truyền dạy kỹ năng hát, múa cửa đình cho thế hệ sau. Các thành viên do bà phụ trách đều luyện tập thường xuyên để giữ lửa đam mê.
Tại Vạn Ninh, số nghệ nhân thấm được cái hồn của hát, múa cửa đình, nhất là các điệu múa, hát cổ giống như bà Thảo không nhiều. Không có nghệ nhân nào biết làm các nhạc cụ đi kèm (đàn đáy, trống con, phách) để phục vụ biểu diễn và cũng ít người biết sử dụng các loại nhạc cụ này.
Mặc dù tại Vạn Ninh và Quảng Nghĩa thường xuyên biểu diễn hát, múa cửa đình, trở thành sinh hoạt văn hóa rất được người dân nơi đây chào đón, nhưng lại không thu hút được du khách thập phương, nhất là khách du lịch. Nguyên nhân một phần bởi Vạn Ninh và Quảng Nghĩa xa trung tâm thành phố, cũng chưa được công nhận là điểm du lịch và kết nối với các tour, tuyến du lịch của thành phố, nên ít du khách lui tới, phần khác do đặc thù loại hình hát, múa cửa đình khá kén người nghe, người nào hiểu thì thấy rất hay, ngược lại sẽ không cảm nhận được, nên rất khó phổ biến.
Một buổi luyện hát, múa ở xã Quảng Nghĩa.
Được biết, để khắc phục tình trạng này, TP Móng Cái đã có kế hoạch tăng cường công tác quảng bá loại hình hát, múa cửa đình; tiến hành sân khấu hóa để tăng tính hấp dẫn; nhân rộng hát, múa cửa đình trong những lễ hội, ngôi đình nổi tiếng khác, nhất là các đình đã được công nhận là điểm du lịch hoặc nằm trong tour, tuyến du lịch của thành phố…
Hát, múa cửa đình Móng Cái là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, không những cần được bảo tồn, gìn giữ mà còn phải phát huy, nhân rộng. TP Móng Cái cần sớm và tích cực triển khai các kế hoạch quảng bá, phát huy di sản văn hóa này.
Việt Hoa
Theo baoquangninh.com.vn