Tiếng Mo - thuật ngữ chỉ hình thức âm nhạc trong Mo tang lễ

06-11-2023, 08:55

 ĐẶNG HOÀNH LOAN

TÓM TẮT: Trong bài viết, tác giả Đặng Hoành Loan đưa ra thuật ngữ Tiếng Mo để chỉ âm nhạc Mo và phân tích cấu trúc âm nhạc trong Mo tang lễ của người Mường ở Hòa Bình. Theo quan sát của tác giả, Tiếng Mo luôn có cấu trúc 2 khổ: xướng văn và đọc văn và phải có sự kết hợp của hai khổ mới tạo nên cấu trúc Tiếng Mo hoàn chỉnh. Để minh chứng cho luận điểm đưa ra, tác giả phân tích cấu trúc tiếng Mo Ha a za za, tiếng Mo Hâm Mo, Tiếng Mo Ò hoi ơ - là ba hình thức âm nhạc quán xuyến toàn bộ quá trình thực hiện các tiết lễ trong nghi thức lễ tang của thầy Mo người Mường ở Hòa Bình.
TỪ KHÓA: Tiếng Mo, dân tộc Mường, Mo tang lễ, Đặng Hoành Loan

Người Việt có rất nhiều từ dùng để chỉ các hình thức thanh nhạc cổ truyền như ca, hát, xướng, vịnh, ngâm, khấn, đọc. Mỗi hình thức có một mô hình tiết tấu, giai điệu khác nhau. Rồi dựa vào hình thức văn thơ, nội dung văn thơ mà người ta áp dụng các lối ca xướng đó để tạo ra các giai điệu, tiết tấu âm nhạc riêng cho mỗi hình thức. Người Mường cũng vậy, cũng có các từ để chỉ các hình thức ca hát như Thường, Đang, Sắc bùa, Mo. Thường thì gọi là hát Thường, Đang thì gọi là hát Đang, Sắc bùa thì gọi là hát Sắc bùa đều được, nhưng không ai gọi là hát Mo. Tại sao vậy? Nghĩa của từ Mo khác với Thường, Đang, Sắc bùa, nghĩa từ Mo rất rộng. Mo là danh từ chỉ nghề thầy cúng; Mo là danh từ chỉ cách thức tiến hành nghi lễ Mo; Mo là danh từ chỉ giọng đọc văn của các thầy Mo.
Vậy tên gọi hình thức âm nhạc trong Mo tang lễ của người Mường có danh từ riêng không?
Chúng tôi đã cố lục tìm từ này khi đọc một số cuốn sách viết về Mo Mường, nhưng chỉ khi đọc cuốn Mo Mường Hòa Bình1, chúng tôi mới bắt gặp được danh từ chỉ rõ tên gọi giọng Mo của thầy Mo. Từ ấy có trong tiết lễ ông Mo dẫn linh hồn người quá cố lên Mường Trời hầu kiện. Lời Mo có đoạn: “Nắng đã mềm, trời đã râm mát / Gió đưa sóng sánh tiếng Thường, tiếng Mo”2. Tiếng Mo, chính là thuật ngữ dùng chỉ hình thức thanh nhạc và hình thức âm nhạc trong Mo tang lễ. Chỉ có Tiếng Mo, tức giọng Mo của thầy Mo mới có khả năng dẫn linh hồn người quá cố đi ngắm nhìn quê hương, thăm viếng Mường Ma, thăm thú Mường Trời. Và cũng chỉ có Tiếng Mo mới làm cho linh hồn người quá cố bị cuốn hút mà bước chân theo ông Mo.
Từ đây chúng tôi sẽ dùng thuật ngữ Tiếng Mo để chỉ hình thức âm nhạc Mo. Và dùng thuật ngữ Tiếng Mo để phân tích cấu trúc âm nhạc trong Mo tang lễ của người Mường Hòa Bình.
Mo tang lễ của người Mường Hòa Bình, là nghi lễ trình diễn sử thi của người Mường trước khi đưa linh hồn người quá cố về sống nơi mộ địa. Không có tiết lễ nào trong Mo tang lễ không có chuyện, từ chuyện sinh ra đất, sinh ra nước, sinh ra cây cỏ và muôn loài động vật, đến chuyện sinh ra người, sinh ra xã hội Mường, sinh ra đồ dùng vật dụng, sinh ra các tập tục, đến chuyện ở xã hội Mường Ma, chuyện đi du ngoạn vui chơi của các vị thần đến chuyện ở xã hội Mường Trời và chuyện xã hội Mường Người, v.v và v.v. Chỉ riêng trong cuốn Mo Mường Hòa Bình chúng tôi đã thống kê được 19 chuyện chính và 93 chuyện nhánh được kể trong Mo tang lễ. Toàn bộ nội dung các câu chuyện được kể trong Mo tang lễ đã kết thành bộ Sử thi. Bộ sử thi ấy có nội dung phản ánh đầy đặn nhất mọi mặt đời sống xã hội của người Mường ở thời kì tiền nhà nước.
Ví dụ chuyện Cun Lang Tá Cần ra đời3:
.Ngày mưa phùn, gió bấc
Mưa rơi, sương muối giá lạnh
Cun lang Tá Cần không sinh ra
Ngày sáng trời trên cao gió mát vời vợi
Cun lang Tá Cần sinh ra
Sinh ra từ núi vàng Hang ma trứng Điếng
Cun lang Tá Cần ra chân, ra tay, ra mày, ra mặt
Đẻ ra Cun lang Tá Cần có râu cằm và có râu trê
Râu bằng, râu đẹp, râu kép râu đơn, râu tràn mép miệng
Vênh vểnh bộ râu ba chòm….
Để kể hết được hàng trăm câu chuyện trong quá trình thực hiện lễ tang, thầy Mo đã phải cất lên Tiếng Mo trong thời gian 12 ngày đêm. Mười hai ngày đêm là một thách thức rất lớn không chỉ với sức khỏe mà còn với thời gian để chuyển tải hết hàng trăm câu chuyện ấy. Vậy hình thức âm nhạc nào có thể thỏa mãn được thời gian kể chuyện? Ngâm vịnh hay ca hát, đọc văn hay xướng tế? Các thầy Mo đã chọn hình thức Đọc văn Mo làm nền tảng nghệ thuật chuyển tải hàng trăm câu chuyện Mo trong suốt 12 ngày đêm của lễ tang. Hình thức Đọc văn Mo ấy được gọi là Tiếng Mo. Vậy cấu trúc âm nhạc của Tiếng Mo trong tang lễ được cấu thành như thế nào?
Theo quan sát của chúng tôi, Tiếng Mo luôn có cấu trúc 2 khổ4:
- Khổ đầu giàu nhạc tính, có tính chất ca xướng (cantabile). Thời lượng ca xướng của khổ đầu rất ngắn, không chứa nội dung văn học, chỉ là các hư tự. Nó chỉ có tính chất dạo đầu để bắt vào khổ thứ hai. Khổ đầu chia làm ba lối xướng là lối xướng ngắn, lối xướng dài và lối xướng có chồng âm tự nhiên.
- Khổ hai nghèo nhạc tính hơn, gần gũi với lối đọc chúc văn có diễn cảm (recitation) nhưng lại chiếm một thời lượng áp đảo, bởi nó là khổ chứa đựng nội dung các câu chuyện Mo kể. Khổ hai có nhiều lối đọc, nhưng tựu trung lại có hai lối chính là lối đọc nhanh và lối đọc chậm. Lối đọc nhanh gần gũi với giọng nói. Lối đọc chậm cũng gần với giọng nói, nhưng có cao độ âm nhạc tương đối rõ hơn và uyển chuyển hơn.
Phải có hai khổ là khổ Xướng văn và khổ Đọc văn kết hợp với nhau mới tạo nên cấu trúc Tiếng Mo hoàn chỉnh.
Phân tích cấu trúc từng Tiếng Mo:

1. Tiếng Mo Ha a za za
Tiếng Mo Ha a za za thường được dùng vào những lúc thỉnh mời các vị chư thần, các thân thư về hỗ trợ, giúp đỡ thầy Mo trong quá trình tiến hành tang lễ.
Lời văn của khổ Đọc văn Tiếng mo Ha a za za có đoạn:
Con chắp tay lạy các ông thầy của con5
Lạy các ông thầy nhất, thầy nhì, thầy non
Các ông thầy của con dạy qua dạy lại
Các ông thầy già thiên thư dạy âm, dạy điệu, dạy khôn dạy khéo
Dạy ngọt, dạy mềm, vui êm tiếng mo
Lạy cho đến Đức Ông Thánh Cả, ba Ông Thánh Hiền,
ông Tề Thiên Đại Thánh
Ở trên Nạ, Nường, bàn cao, trên Rénh6
Tiếng Mo Ha a za za có cấu trúc hai khổ là khổ Xướng văn và khổ Đọc văn. Khổ Xướng văn của Tiếng Mo Ha a za za có cấu trúc 3 âm Rế - Đô - Là. Các âm tiến hành từ cao xuống thấp tạo ra đường tuyến giai điệu ba âm đơn giản, không luyến láy, không rung giọng. Tuy nhiên, bằng lối diễn xướng rất đặc trưng thầy Mo đã tạo ra được khổ Xướng văn Ha a za za nghe rất thần bí, cung kính, như hạ mình xuống trước các vị thánh thần, các thiên thư, tổ sư, tổ nghề Mo.
Ví dụ: Âm nhạc khổ Xướng văn của Tiếng Mo Ha a za za.

Dứt khổ Xướng văn Ha a za za, thầy Mo bắt ngay vào khổ Đọc văn Ha a za za. Thầy đọc rất nhanh, mỗi từ tương đương 1 phách, giống như thầy chùa người Việt tụng kinh. Lối đọc này tạo ra tiết tấu căng thẳng phù hợp với lời cầu khẩn rất thần bí. Đọc tốc độ nhanh hơn nhịp tim trên mỗi từ, dường như thầy Mo không muốn cho người đến dự lễ tang nghe thấy nội dung lời thỉnh mời thần thánh và các thiên thư có tính huyền bí của thầy.
Khổ Đọc văn của Tiếng Mo Ha a za za là nền tảng, là căn cứ có tính căn nguyên để các thầy Mo phát triển thành rất nhiều các dị bản khổ Đọc văn Tiếng Mo khác nhau phù hợp với nội dung, tình huống, tính chất của mỗi câu chuyện được thầy Mo kể trong quá trình thực hiện lễ tang. Nói một cách khác, Tiếng Mo của khổ Đọc văn Ha a za za là motif chủ đạo để cấu thành toàn bộ các hình thức Tiếng Mo khác nhau trong âm nhạc thanh nhạc Mo Mường.
Về cao độ âm nhạc của khổ Đọc văn Ha a za za, nghe kĩ cũng có thể nhận ra sự lẩn khuất của các bậc âm lên xuống của giọng đọc, nhưng thật khó ghi ra được cao độ âm nhạc trên 5 dòng kẻ theo kí âm phương Tây. Do vậy, chúng tôi đặt các từ của khổ Đọc văn vào cùng một cao độ của âm khởi đầu khổ Đọc văn như để khẳng định tính chất đều đều của tiết tấu, cao độ âm nhạc Đọc văn của Tiếng Mo trong khổ nhạc này.
Ví dụ: Âm nhạc khổ Đọc văn của Tiếng Mo Ha a za za
Chú ý: Khuôn nhịp của các ví dụ về khổ Đọc văn trong toàn bài viết này chỉ là gạch nhịp ước lệ. Thực ra thầy Mo đọc mỗi từ tương đương một phách nhưng nhịp độ mỗi phách không đều nhau như máy đánh nhịp (métronome), mà nó rất lơi lỏng.

2. Tiếng Mo Hâm Mo

Tiếng Mo Hâm Mo cũng có hai khổ là khổ Xướng văn và khổ Đọc văn. Khổ Xướng văn của Tiếng Mo Hâm Mo có tính đa dụng, thường dùng vào lúc kể các câu chuyện, khi thỉnh thân thư, lúc mời thánh thần. Hâm Mo là lối xướng đặc trưng của Tiếng Mo. Khởi đầu ông Mo ngậm miệng xướng từ hưm vang trên khoang mũi nghe rất huyền bí, rồi đột nhiên đưa âm xuống khoang họng tạo ra âm mo vang to rất đối lập với từ hưm, rồi ông ém giọng nhỏ dần dần (diminuendo) để chuyển tiếp vào giọng xướng chậm rãi, nhịp điệu lơi lỏng. Nhiều người liên tưởng Tiếng Mo Hâm Mo vang mạnh như tiếng mãnh thú. Đây là lối thanh nhạc rất kì diệu trong nghệ thuật Xướng văn của Mo Mường.
Ví dụ: Đoạn Xướng văn Đẻ trống đồng.
Ông Mo Mường buông tóc lõa xõa
Lạy hầu thưa người dạ dạ
- Cái đó
Thấy thâm thâm nhưng không gọi là bồ
Văn vằn vè vè không phải là sọt
Mang hình thù chiếc giỏ thưa nhưng không phai giỏ đan thưa
Không phải là bó lúa
Cũng chẳng phải là bó mạ
Cái đó là khau7 lạc mình đồng
Là khau lạc đồng vàng8
So với khổ nhạc Xướng văn Tiếng Mo Ha a za za, khổ nhạc Xướng văn Tiếng Mo Hâm Mo có cao độ và tiết tấu phong phú hơn đôi chút. Toàn bộ đường tuyến giai điệu được xây dựng trên 4 âm Rế - Đô - Si giáng - Fà kéo dài hết 12 khuôn nhạc nhịp 4/4 với tốc độ chậm vừa Andante. Tuy nhiên, giai điệu ấy vẫn không uyển chuyển như giai điệu của các hình thức âm nhạc dân gian Mường như hát Thường, hát Đang mà nó vẫn nặng về phong cách đọc văn hơn là phong cách ca hát.
Ví dụ: Khổ Xướng văn của Tiếng Mo Hâm Mo

Xét về cấu trúc, khổ Xướng văn của Tiếng Mo Hâm Mo có cấu trúc hai khổ nhỏ bất tương xứng. Khổ nhỏ đầu gồm 4 nhịp 4/4 với trật tự âm thanh tiến hành từ cao xuống thấp theo trật tự Rế - Đô - Si giáng -Fà. Sang khổ nhỏ thứ hai thời lượng gấp đôi khổ nhỏ đầu (gồm 8 nhịp 4/4). Giai điệu khổ nhỏ thứ hai vẫn tiến hành theo trật tự âm thanh của khổ nhỏ đầu, tức tiến hành theo lối chuỗi âm đi xuống. Giai điệu gần với lối Đọc văn hơn là lối Xướng văn ở khổ nhỏ đầu. Cách cấu trúc này đã tạo cho khổ nhỏ thứ hai của giọng Xướng văn Hâm Mo có chức năng như một cầu nối, nối từ khổ Xướng văn Hâm Mo sang khổ Đọc văn Hâm Mo. Nhờ vậy, khi thầy Mo bắt vào khổ Đọc văn Hâm Mo mặc dù tốc độ đột ngột thay đổi, nhưng âm nhạc không bị đứt gãy. Đọc dứt khổ Xướng văn Hâm Mo, thầy Mo chuyển sang khổ Đọc văn Hâm Mo.

Về cấu trúc âm nhạc khổ Đọc văn Hâm Mo vẫn giữ tương đối nguyên vẹn cách tiến hành tuyến điệu của khổ Xướng văn Hâm Mo. Đó là lối tiến hành tuyến điệu đi từ cao xuống thấp. Điều khác biệt duy nhất giữa hai khổ Xướng văn và Đọc văn trong Tiếng Mo Hâm Mo là tốc độ đọc văn. Nếu tốc độ Xướng văn Hâm Mo một nốt đen bằng 60 phách phút thì tốc độ Đọc văn Hâm mo có tốc độ một nốt đen bằng 120 phách phút.
Ví dụ: Khổ Đọc văn của Tiếng Mo Hâm Mo.

3. Tiếng Mo Ò hoi ơ
Tiếng Mo Ò hoi ơ, là Tiếng Mo cất lên trong tiết lễ Nhương ăn cho linh hồn người quá cố trong lễ tang của người Mường. Đây là tiết lễ quan trọng, diễn ra nhiều lần trong suốt quá trình thầy Mo thực hiện nghi lễ tang ma. Nhương ăn, tức mời linh hồn người quá cố ăn bữa cơm cuối cùng lúc còn ở Mường Người chưa về sống ở Mường Ma. Bữa cơm ấy là bữa cơm ân tình, bữa cơm báo hiếu, bữa cơm chia tay của con cháu, của bầu bạn gần xa, của láng giềng gần gũi. Những người thực hiện nghi thức này là các thầy Mo, và các nàng dâu. Khi tiến hành tiết lễ, ít nhất phải có 3 thầy Mo và tối đa là có 5 thầy Mo cùng cất Tiếng Mo. Khi Tiếng Mo của các thầy Mo cất lên, các nàng dâu trong trang phục lộng lẫy như những nàng tiên, tay cầm quạt lá cọ hay quạt tàu cau đưa nhẹ lên xuống từng chặp, từng chặp nhẹ nhàng như muốn thể hiện sự hầu hạ, chăm sóc bữa ăn tận tình của con cháu đối với linh hồn người quá cố.
Tiếng Mo Đọc văn Nhương ăn có câu:
…Khang Ông9 ở trên sập
Ăn vào món mướt mẻ10
Ăn vào miếng dẻ sườn
Ăn vào canh nộm, canh xéo
Ăn vào miếng chả, ăn vào miếng dồi
Ăn vào món óc
Ăn miếng đầu lưỡi, đuôi, tai, chân giò11...
Lời mời mọc của ông Mo rất chân thật, mộc mạc giống như mời cơm trong bữa cơm thịnh soạn của gia đình người trần gian đang tiếp khách.
Cấu trúc âm nhạc của Tiếng Mo Ò hoi ơ cũng chia làm hai khổ. Khổ đầu là khổ Xướng văn Ò hoi ơ, khổ sau là khổ Đọc văn Ò hoi ơ. Khổ Xướng văn Ò hoi ơ do các thầy Mo đồng xướng. Đồng xướng là điểm rất khác biệt giữa Tiếng Mo Ò hoi ơ với Tiếng Mo Ha a za za và Hâm Mo là những Tiếng Mo lĩnh xướng. Đồng xướng trong Tiếng Mo Ò hoi ơ đã tạo ra lối đồng xướng hai bè tự nhiên hiếm hoi trong âm nhạc hát dân ca người Mường. Giai điệu nhạc tuy ngắn nhưng tuyến điệu lượn sóng nhẹ nhàng. Quãng 3 thứ Son-Si giáng trong đường tuyến giai điệu đã tạo được cảm giác thiết tha, lưu luyến. Đây là Tiếng Mo có nhạc tính cao nhất trong các Tiếng Mo trong lễ tang của người Mường Hòa Bình.
Ví dụ: Khổ Xướng văn Ò hoi ơ

Tiếng Mo Ò hoi ơ cất lên giống như tiếng con cháu, tiếng họ hàng, làng bản cùng cất lời mời dịu dàng, thành kính, mong linh hồn người quá cố dùng bữa cơm cuối cùng ngon miệng; uống chén rượu cuối cùng để mãi mãi nhớ đến họ, phù hộ cho họ những người còn sống ở Mường Người được ấm no, hạnh phúc.
Dứt khổ Xướng văn Ò hoi ơ, thầy Mo tiếp vào khổ Đọc văn Ò hoi ơ. Như một luật, khổ Đọc văn là khổ chính trong mỗi trường đoạn Mo. Khổ Đọc văn chứa đựng đầy đủ nội dung câu chuyện kể. Ví dụ Mo kể chuyện xử tội ăn trộm trên Mường Trời chẳng hạn. Tiếng Mo Đọc văn Ò hoi ơ cất lên:
…Bỗng dưng mải ăn, mải ở
Thấy động đậy ngoài cửa
Thấy đốt một nghìn ngọn đuốc
Bắt được một người ăn trộm đem lột da
Nếu là ăn trộm gà thì bắt tội khó
Nếu ăn trộm chó thì bắt tội chìm, tội nặng
Tội đeo gông vào cổ
Tội làm cho khó ở
Đóng vào gông tràng ba năm rồi làm trò lê đi lê lại
Đói không ai nghĩ đến
Khách trên trời xuống phạt
Ở trong gông lụi cụi
Thối những cứt là cứt12”…
Với lối văn vần nhiều chất bạch thoại như thế này thì rõ ràng lối Đọc văn là một sáng tạo hình thức và cách thể hiện hình thức âm nhạc một cách khôn khéo nhất để thỏa mãn tính dung dị và tính thời gian của câu chuyện kể trong lễ tang Mo của người Mường.
Ví dụ: Khổ Đọc văn Ò hoi ơ.

Cấu trúc khổ Đọc văn Ò hoi ơ, cũng giống với cấu trúc của hai khổ Đọc văn Ha a za za và Hâm Mo. Đó là mỗi từ trong khổ Đọc văn Ò hoi ơ tương đương với một phách, đọc ở tốc độ nhanh, không có luyến láy. Tuy nhiên, khổ Đọc văn Ò hoi ơ giai điệu đọc đã có phần uyển chuyển hơn, nhiều cao độ hơn, thong thả hơn. Nghe giọng Đọc văn Ò hoi ơ đã thấy xuất hiện tuyến điệu có đường nét các âm trầm bổng tương đối rõ nét. Tuyến điệu đó chứa bốn âm cao độ từ cao xuống thấp là các âm Fá – Mi – Rê – Đô - Sòn. Dẫu là vậy, khổ Đọc văn Ò hoi ơ vẫn không tạo ra được giai điệu giàu tính ca hát. Nó vẫn phải tuân thủ lối Đọc văn để ưu tiên thời gian trình diễn cho những câu chuyện kể tiếp theo. Đó là luật bất thành văn của nghệ thuật âm nhạc Mo Mường. Chắc chắn vì lí do đó, mà các thầy Mo không gọi các hình thức âm nhạc Mo là Hát Mo, Ca Mo hay Xướng Mo mà chỉ gọi là Tiếng Mo.

Ba hình thức âm nhạc Tiếng Mo Ha a za za, Hâm Mo và Ò hoi ơ là ba hình thức âm nhạc quán xuyến toàn bộ quá trình thực hiện các tiết lễ trong nghi thức lễ tang của thầy Mo người Mường Hòa Bình. Mỗi hình thức âm nhạc Tiếng Mo khi làm Mo, thầy Mo lại sáng tạo ra những biến điệu rất tinh tế từ nhịp độ, tiết tấu, ngữ điệu đến tốc độ nhanh chậm, thời lượng xướng, đọc dài ngắn khác nhau làm cho phù hợp với nội dung Tiếng Mo để chuyển tải những câu chuyện kể, những lúc thỉnh cầu thần thánh, thiên thư trong Mo tang lễ.
Để trình diễn ba hình thức âm nhạc Tiếng Mo Ha a za za, Hâm mo và Ò hoi ơ, các thầy Mo Mường không dùng tới nhạc cụ định âm đệm cho Tiếng Mo. Họ chỉ dùng chuông lắc, gióng lên đôi ba tiếng đều đặn trước khi bắt vào một Tiếng Mo nào đó. Nguyên nhân chủ yếu, do các thầy Mo lấy khổ Đọc văn làm nòng cốt âm nhạc trong lễ tang. Mà tính căn nguyên của Tiếng Mo Đọc văn là giai điệu gần với giọng bạch thoại, không có đường tuyến tiết tấu và giai điệu uyển chuyển, không có điệu tính rõ rệt thì không cần dùng nhạc cụ đệm là điều đương nhiên. Giống như thầy chùa tụng kinh không dùng nhạc cụ định âm đệm cho giọng tụng, chỉ dùng tiếng mõ gõ theo từng tiếng văn tụng mà thôi.
Tiếng Mo trong Mo tang lễ Mường Hòa Bình, là hình thức âm nhạc độc đáo, đã cung cấp cho nghi lễ Mo một sáng tạo âm nhạc đúng, đủ để chuyển tải tới những người dự lễ tang một cách đầy đủ nhất toàn bộ các câu chuyện kể, những lời thỉnh nguyện trong bộ Sử thi Mo Mường Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chí Thanh (2001), Nghệ thuật múa Mường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội
2. Lê Ngọc Canh (2002), Đại cương nghệ thuật múa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội
3. Lâm Tô Lộc (2013), Múa các dân tộc Việt Nam, Nxb Thời đại
4. Phan Đăng Nhật (chủ biên)(2013), Sử thi Mường (Quyển I), Nxb Khoa học xã hội
5. Trương Sĩ Hùng (2014), Sử thi thần thoại Mường, Nxb Văn hóa Thông tin
6. Bùi Kim Phúc (2014), Nghi lễ Mo trong đời sống tinh thần của người Mường, Nxb Khoa học xã hội
7. Bùi Huy Vọng (2014), Tục cúng sao giải hạn của người Mường ở Hòa Bình, Hội VNDG Việt Nam, Nxb Thời đại
8. Bùi Huy Vọng (2015), Văn hóa dân gian Mường – một góc nhìn, Nxb. Khoa học xã hội
9. Bùi Văn Nợi (2016), Mo mát nhà, Nxb Văn hóa dân tộc
10. Kiều Trung Sơn (2016), Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường, Nxb Thế giới

Chú thích:

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình: Mo Mường Hòa Bình. Sở VHTTDL Hòa Bình, Hòa Bình, tháng 12 năm 2019
2. Trích trong Mo Mường Hòa Bình. Sách đã dẫn.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình: Sách đã dẫn, tr. 871
4. Khổ: là cách tính thời gian vang lên của một cấu trúc âm nhạc có độ dài ngắn rất khác nhau. Thuật ngữ “khổ” được cổ nhân sử dụng trong nghệ thuật Ca trù.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình: Sách đã dẫn, tr. 1090.
6.Cỗ ngự của linh hồn Thánh sư của thầy Mo
7. Khau: trống đồng
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình: Sách đã dẫn, tr.974.
9. Khang Ông: là danh từ chỉ người quá cố.
10. Mướt mẻ: một loại món ăn gồm lá đu đủ và óc lợn trộn cùng với nhau
11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình: Sách đã dẫn, tr.1133.
12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình: Sách đã dẫn, tr.1335

Thêm một trao đổi