Quá trình hoạt động
Quá trình hoạt động khoa học của Viện Âm nhạc từ khi hình thành (1950) đến nay (2020)
Viện Âm nhạc có 70 năm lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển. Mặc dù trải qua nhiều lần thay đổi về cơ cấu tổ chức với nhiều tên gọi khác nhau song trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, các thế hệ cán bộ Viện Âm nhạc đã không ngừng nỗ lực góp sức vì sự nghiệp bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Để phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng thời kỳ, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, truyền bá, giáo dục nền âm nhạc dân gian và truyền thống Việt Nam có mang nhưng đặc thù riêng. Vì Vậy, dưới đây chúng tôi cũng xin trình bày tóm tắt các hoạt động theo từng giai đoạn lịch sử của Viện Âm nhạc
* HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA BAN ÂM NHẠC (1950-1956)
Năm 1950, theo Sắc lệnh 172 SL (17-11-1950) của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Vụ Văn học Nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục được thành lập, trong đó có Ban Âm nhạc. Ban Âm nhạc hoạt động ở Việt Bắc (Tuyên Quang).
Đảm nhiệm chức năng vừa sưu tầm nghiên cứu âm nhạc vừa đào tạo trong tình hình hoạt động ở chiến khu đầy khó khăn gian khổ, Ban Âm nhạc với biên chế ít ỏi đã có một bước khởi đầu đáng kể: tổ chức sưu tầm, ghi âm các làn điệu cổ, các vở Chèo cổ do các nghệ nhân Dịu Hương và Tống Văn Ngũ (Năm Ngũ) trình diễn; tổ chức cơ sở đào tạo chính quy đầu tiên (cấp Nhà nước do Bộ Giáo dục làm chủ quản) về âm nhạc. Những học viên đầu tiên của lớp học này về sau đều trở thành những cán bộ sưu tầm nghiên cứu âm nhạc của Ban Nghiên cứu Âm nhạc, như: Tô Ngọc Thanh, Tân Huyền, Nguyễn Đăng Hòe. Người có công lớn trong giai đoạn khởi đầu này là cố nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Tô Vũ cùng sự hỗ trợ của cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu.
Trong ba năm, ban đã hoàn thành các công trình nghiên cứu:
- Sưu tập ghi âm Chèo cổ (khoảng 100 làn điệu) của Tô Vũ - Xuân Tiên - Xuân Lôi.
- Đại cương về âm nhạc Chèo cổ của Tô Vũ .
- Cải tiến sáo trúc của Tô Vũ - Xuân Thu - Xuân Lôi (đã được in năm 1956).
- Thanh và Âm - Giả thiết về sự hình thành thang 5 âm trong âm nhạc truyền thống của Tô Vũ.
* HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA BAN NGHIÊN CỨU NHẠC VŨ (1956 -1957)
Ngày 20-9-1955 Bộ Văn hóa thành lập. Đầu năm 1956, Ban Nghiên cứu Nhạc Vũ ra đời.
Với chức năng chính là sưu tầm, nghiên cứu di sản âm nhạc và múa dân gian dân tộc, Ban Nghiên cứu Nhạc Vũ đã tổ chức sưu tầm âm nhạc và múa dân gian ở các vùng khác nhau: Quan họ (Bắc Ninh), hát Xoan (Phú Thọ), hát Ghẹo (Phú Thọ) và hát Dậm (Hà Nam) của người Việt, các điệu múa của một số dân tộc thiểu số ở vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc.
Mở đầu cho đợt sưu tầm là cuộc điền dã hát Quan họ vào tháng 6-1956. Thành phần của đoàn gồm 30 người được tập hợp từ nhiều đơn vị nghệ thuật khác nhau: Lưu Hữu Phước, Lê Yên, Nguyễn Đăng Hòe, Tân Huyền, Hồ Hiền An (Ban Nghiên cứu Nhạc Vũ), Trần Kiết Tường, Nguyễn Văn Thuần (Đoàn Văn công Trung ương), Thành Nội (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam) và Vũ Tuấn Đức (Trường Âm nhạc Việt Nam)... Đoàn sưu tầm được chia về 18 thôn Quan họ và sống "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân. Mỗi nhạc sĩ được cử phụ trách một vài thôn, hàng ngày đi vào từng ngõ xóm để trực tiếp gặp gỡ với dân. Thời kỳ này chưa có máy ghi âm và máy ảnh nên khi tìm hiểu vốn âm nhạc dân gian chỉ có thể nghe nghệ nhân hát rồi cố gắng ghi nhớ giai điệu của bài hát, sau đó ký âm lại bằng nốt nhạc. Mỗi làn điệu dân ca thường có nhiều lời ca nên việc ghi chép được hết lời của các làn điệu cũng là một khối lượng văn bản đáng kể mà các nhạc sĩ đã đóng góp cho kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Trong một tháng điền dã đoàn đã tổ chức ba lần sơ kết và đều mời nghệ nhân đến biểu diễn và trao đổi ý kiến. Kết quả sưu tầm trên 300 bài bản Quan họ là một minh chứng cho sự phong phú của lối hát dân gian người Việt. Những bài bản này phần lớn là làn điệu cổ. Ngoài ra cũng có một số làn điệu mới do các nghệ nhân ở Thị Cầu, Trúc Khê, Bò Sơn, thị xã Bắc Ninh sáng tác.
Tiếp đến, hát Dậm cũng được sưu tầm tại Quyển Sơn, tỉnh Hà Nam (Tân Huyền và Sơn Tùng thực hiện). Ban Nghiên cứu Nhạc Vũ lúc này đã được trang bị một máy Révox, loại máy ghi âm cổ chạy bằng dây kim loại.
Tư liệu có được từ các chuyến điền dã hát Quan họ, hát Xoan, hát Ghẹo và hát Dậm đều được in ronéo (1958-1959). Ngoài ra, Ban còn in tập dân ca Nam Bộ để phổ biến trong ngành.
Sau hòa bình năm 1954, Nhà nước chú ý nhiều đến việc trao đổi và hợp tác văn hóa với nước ngoài, nhất là với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Ban đã phối hợp với ông An Ba, chuyên gia Trung Quốc, tuyển chọn tập Dân ca Việt Nam và dịch lời sang tiếng Trung Quốc. Cuốn sách được ấn hành ở Nhà xuất bản Bắc Kinh. Ban còn biên soạn cuốn Cách học đàn tam do Hoàng Kiều dịch từ tiếng Trung Quốc.
Nét nổi bật của Ban Nghiên cứu Nhạc Vũ là đã tổ chức được nhiều cuộc sưu tầm âm nhạc dân gian, đặc biệt là cuộc sưu tầm hát Quan họ phối hợp với nhiều cơ quan. Cuộc sưu tầm mở đầu cho thời kỳ tiền thân này của Viện Âm nhạc đã thực sự là một cuộc tổng điều tra, kiểm kê vốn dân ca Quan họ có qui mô lớn. Có thể coi đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên mở màn cho công tác sưu tầm điền dã âm nhạc dân gian của Viện Âm nhạc sau này.
* HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA BAN NGHIÊN CỨU ÂM NHẠC (1957-1967)
Giai đoạn này, Ban Nghiên cứu Âm nhạc có ba lần thay đổi về tổ chức:
- Thời kỳ 1 (1957-1962): Năm 1957, sau khi thành lập Vụ Nghệ thuật, Ban Nghiên cứu Âm nhạc ra đời hình thành trên cơ sở của Ban Nghiên cứu Nhạc Vũ.
Trụ sở: 23 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
- Thời kỳ 2 (1962-1964): Ngày 25-4-1962, quyết định của Bộ Văn hóa số 206-BVH/ QĐ tách Vụ Nghệ thuật thành Vụ Sân khấu và Vụ Âm nhạc và Múa. Ban Nghiên cứu Âm nhạc nằm trong Vụ Âm nhạc và Múa.
Trụ sở: 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
- Thời kỳ 3 (1964-1967): Theo quyết định của Bộ Văn hóa số 568 VH/QĐ ngày 15-9-1964, Ban Nghiên cứu Âm nhạc nằm trong Vụ Âm nhạc và Múa chuyển về Trường Âm nhạc Việt Nam.
Trụ sở: 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Trọng tâm công tác của Ban Nghiên cứu Âm nhạc là sưu tầm. Mỗi năm sưu tầm 9 tháng, 3 tháng còn lại dành cho công việc hậu kỳ băng và ký âm những bài bản vừa thu thanh. Trang thiết bị phục vụ cho công tác sưu tầm đã được bổ sung thêm hai máy Smazad của Đức, hai máy Qualiton của Hungary, một máy Thượng Hải của Trung Quốc, một máy Revox (cũ). Năm 1960 Ban được trang bị thêm hai máy Mez-28 (tốc độ 78) của Liên Xô (cũ). Địa bàn sưu tầm trong thời gian này cũng được mở rộng hơn. Để phù hợp với đặc điểm riêng của mỗi vùng địa lý, Ban đã phân cán bộ chuyên trách theo từng vùng: miền núi phía Bắc, trung du, đồng bằng. Nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh đến vùng núi Tây Bắc với các dân tộc Thái, Khơ Mú. Nhạc sĩ Vĩnh Long sưu tầm vốn âm nhạc dân gian của các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Bắc. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đi sâu vào dân tộc Giáy tại Lào Cai, dân tộc H'mông ở Hà Giang. Nhạc sĩ Hồng Thao với dân tộc Xá, Hoa. Mường Tè, Lai Châu thuộc các nhóm Huy Trân, Hồ Thoa, Nguyễn Liệu, Ngô Đông Hải. Các nhạc sĩ Nguyễn Viêm, Lê Quang Nghệ, Nguyễn Ngọc Oánh chuyên trách vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ với âm nhạc dân gian dân tộc Việt. Nhạc sĩ Trần Kiết Tường được giao dân ca Nam Bộ. Nhạc sĩ Vân Đông với dân ca vùng Liên khu V. Nhạc sĩ Lê Toàn Hùng phụ trách các dân tộc vùng Tây Nguyên, Chăm, Khơ me Nam Bộ.
Ban cũng tổ chức thu thanh một số nghệ nhân nổi tiếng hát Ca trù, Chầu văn và Xẩm. Nhạc sĩ Phạm Sửu trực tiếp sưu tầm hát Ca trù với các nghệ nhân Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Đinh Khắc Ban ở Hà Nội, nhạc sĩ Ngọc Oánh thu thanh các nghệ nhân hát Ca trù Quách Thị Mai, Quách Thị Cuộng ở Sơn Tây. Đây là đợt sưu tầm tương đối có hệ thống về bài bản của thể loại hát này.
Với thể loại hát Chầu văn và hát Xẩm, Ban cũng thu thanh được tiếng hát của các nghệ nhân Nguyễn Văn Sinh ở ngõ Hàng Da (Hà Nội) và Nguyễn Văn Nguyên ở ngõ Thông Phong (Hà Nội). Ngoài ra, Ban cũng thu thanh dàn nhạc cổ quận Đống Đa (Hà Nội) với các nghệ nhân danh tiếng - các cụ Hai Khiết, Ba Lễ, Vũ Tuấn Đức..., cung cấp cho kho tư liệu nhiều bản hòa tấu cổ kinh điển, như: các bài bản của dàn Bát âm, Lưu thủy, 10 bản liên hoàn, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ.
Về nhạc đàn dân tộc, nhạc sĩ Lê Huy và Đoàn Phú Cường được giao phụ trách sưu tầm nhạc khí người Việt và kết hợp với nhiều cán bộ sưu tầm khác mang về các nhạc khí của nhiều dân tộc thiểu số ở miền Bắc, phục chế một số nhạc khí các dân tộc vùng Tây Nguyên. Ban còn phối hợp với Ban Nghiên cứu Sân khấu thu thanh phần âm nhạc trong các loại hình ca kịch truyền thống Tuồng, Chèo, Cải lương với các nghệ nhân nổi tiếng như: bà Cả Tam, bà Dịu Hương, bà Minh Lý, bà Lệ Thi, ông Tống Văn Ngũ, ông Nguyễn Nho Túy. Kết quả thu thanh được 314 bài bản cổ trên máy Mez-28. Công việc hậu kỳ băng lúc này có phẩn đóng góp không nhỏ của các cán bộ tư liệu, phụ trách máy: Trương Trọng Mạnh, Đoàn Thúy Hồng, Lê Thị Hoàn.
Năm 1962, Vụ Âm nhạc và Múa ngay sau khi thành lập đã tổ chức Hội diễn Ca múa nhạc nghiệp dư, tiếp theo là Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp và Hội diễn Ca nhạc dân tộc toàn miền Bắc tại Bắc Ninh (1962). Hầu hết các tiết mục và nghệ nhân được cán bộ của Ban khai thác và bồi dưỡng sau các chuyến điền dã, sưu tầm đều giành được huy chương vàng như: ông Lý Văn Phức, Ban Bưu, Vũ Đức Sắc (đàn nhị), Nhữ Đình Viện (đàn nguyệt), Trần Văn Duyến (kèn bóp), Lương Đức Phùng - dân tộc Thái (thổi khèn), Hoàng Hưng - dân tộc Tày (đàn tính), bà Quỳnh Nha - dân tộc Tày (hát Sli, Lượn). Năm 1963, Vụ Âm nhạc và Múa tổ chức hai hội thảo chuyên đề lớn về Nhạc khí dân tộc truyền thống và công tác cải tiến và Đơn ca, đều có phẩn đóng góp tích cực của Ban Nghiên cứu Âm nhạc.
Sau "Sự kiện vịnh Bắc Bộ” ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ tiến hành ném bom đánh phá miền Bắc. Để bảo vệ kho băng, các cán bộ Ban phải sao băng sang loại máy Mez- 28 trong nhiều đêm, làm túi nilông và thùng sắt để gửi bản gốc lên khu an toàn (ATK) của Trung ương cất giấu. Nhạc sĩ Vĩnh Long phụ trách việc chuyển toàn bộ tư liệu, nhạc khí đi sơ tán tại Xuân Phú - Yên Dũng - Hà Bắc. Cùng với công tác bảo quản gìn giữ tư liệu, Ban còn cung cấp tư liệu cho nhóm nghiên cứu Lịch sử âm nhạc 1930-1945 và tham gia giảng dạy trong Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi Mỹ ngừng bắn phá miền Bắc, Ban lại lo chuyển toàn bộ tư liệu từ Hà Bắc về 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Ban Nghiên cứu Âm nhạc (1957-1967) đã mở rộng địa bàn sưu tầm. Hàng nghìn bài dân ca, dân nhạc cùng nhiều nhạc khí dân tộc và các tư liệu bài bản khác đã được đưa về kho băng và phòng tư liệu để lưu giữ và giới thiệu, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu sau này. Những kết quả thu được trong quá trình điền dã sưu tầm còn làm cơ sở cho nhiều công trình nghiên cứu như:
- Điệu thức Việt Nam của Văn Cao.
- Dân ca Việt Nam của Phạm Phúc Minh.
- Hò lao động của Nguyễn Xuân Khoát và Lê Toàn Hùng.
- Điệu thức Nam Bộ của Ngô Đông Hải.
- Vấn đề điệu thức trong âm nhạc dân tộc Tày của Vĩnh Long.
- Dàn cồng Mường của Lê Toàn Hùng.
- Âm nhạc là vũ khí đấu tranh của Lưu Hữu Phước.
- Quan họ Bắc Ninh của Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Phú, Tú Ngọc và Nguyễn Viêm.
Từ công tác sưu tầm, chất liệu dân ca đã được phát huy trong sáng tác của các cán bộ trong Ban với hàng loạt giải thưởng qua một số đợt vận động sáng tác của Hội Nhạc sĩ, Vụ Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam... Đó là các ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ - Giải nhì, 1960), Bên bờ Kiến Giang (Lê Quang Nghệ - Giải nhất cuộc thi "Cờ Ba Nhất - Sóng Duyên Hải - Gió Đại Phong”), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trẩn Kiết Tường - Giải ba, 1960).
Công tác phổ biến tuyên truyền âm nhạc cũng có hiệu quả. Hàng năm (19601967), Ban phối hợp với Nhà xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc cho ra mắt 12 tập dân ca phổ biến và một số tập dân ca chuyên đề tiếng dân tộc ít người. Cũng từ những công việc sưu tầm, Ban đã cho ra mắt tập dân ca Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cờ Việt Minh bao gồm một số bài ca của các chiến sĩ cách mạng sáng tác trong nhà tù đế quốc.
Buổi sinh hoạt của Ban Nghiên cứu Âm nhạc năm 1963
* HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA VIỆN ÂM NHẠC (1967-1971)
Ngày 4 -10 -1967, quyết định số 82-VH/QĐ của Bộ Văn hóa do Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ký thành lập Viện Âm nhạc nằm trong khối Âm nhạc và Múa thuộc Bộ Văn hóa.
Nếu các tên gọi trước đây được coi là tiền thân của Viện Âm nhạc, thì từ đây đã có một Viện Âm nhạc độc lập, có chức năng và nhiệm vụ công tác lớn hơn, bao gồm cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản lẫn nghiên cứu ứng dụng, công tác sưu tầm âm nhạc trên địa bàn cả nước và xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Công tác sưu tầm đáng chú ý là đợt thu thanh dân ca Nghệ Tĩnh của Đào Việt Hưng. Tại Hà Nội, nhóm sưu tầm của Ngọc Oánh và Huy Trân trực tiếp thu thanh hòa tấu nhạc Tài tử - Cải lương với nghệ nhân Ba Bằng bằng cách thu riêng từng nhạc khí rồi lồng ghép để tiện cho việc ghi ra bản phổ. Công tác nghiên cứu trọng tâm là đề tài Lịch sử âm nhạc Việt Nam. Cùng với nhóm biên soạn gồm các nhạc sĩ Ngô Sĩ Hiển, Tú Ngọc và Lê Toàn Hùng, đề tài này yêu cầu nhiều cán bộ hỗ trợ về mặt tư liệu. Ngoài hàng nghìn bài bản được phòng tư liệu cung cấp thì hàng chục cuốn băng thu các cuộc tọa đàm về lịch sử âm nhạc trước đây đã được cán bộ phòng tư liệu bóc tách, ghi chép ra giấy để phục vụ cho nhóm công trình. Sau gần hai năm, công trình đã hoàn thành với tiêu đề Lịch sử âm nhạc Việt Nam 1930-1945. Một số công trình khác cũng được hình thành, như Dân ca Thái của Tô Ngọc Thanh, Dân ca Trung Bộ của Tô Vũ, Phạm Sửu, Ngô Sĩ Hiển và các thành viên khác.
Viện Âm nhạc trở thành một cơ quan chuyên môn không chỉ thực hiện việc sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian mà còn là địa chỉ tin cậy để lưu trữ, bảo quản những giá trị nghệ thuật này. Về công tác tư liệu, Viện đã phân loại hệ thống băng theo từng dân tộc, từng thể loại nhạc hát, nhạc đàn trong dân ca nhạc cổ. Phòng Tư liệu và phòng Máy đã in, sang băng hệ thống tư liệu với các phiên bản về thể loại âm nhạc trong kịch chủng truyền thống.
Nhằm đáp ứng yêu cầu truyền bá âm nhạc dân gian dân tộc, Viện và nhà xuất bản Ngoại văn phối hợp xuất bản Tuyển tập Dân ca Việt Nam (trên 100 bài) do nhạc sĩ Vĩnh Long phụ trách biên tập. Công tác ghi âm xuất bản (in ronéo) theo hợp đồng với nhà xuất bản cũng được tiến hành như: Dân ca Việt Nam, Hát ru, dân ca đồng bằng Bắc Bộ.
* HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA BAN NGHIÊN CỨU ÂM NHẠC (1971-1976)
Ngày 1- 4 -1971 Bộ thành lập Viện Nghệ thuật do thứ trưởng Hà Xuân Trường làm Viện trưởng. Viện Âm nhạc chuyển thành Ban Nghiên cứu Âm nhạc nằm trong Viện Nghệ thuật.
Năm 1975 thống nhất đất nước, Bộ Văn hóa đã thành lập hai đoàn sưu tầm khai thác âm nhạc dân gian đi vào phía Nam. Đoàn đi sưu tầm dân ca Chăm do nhóm Thụy Loan, Trần Quang Huy và Tuấn Giang thực hiện tại Ninh Thuận, Bình Thuận. Đoàn đi sưu tầm dân ca vùng đồng bằng sông Cửu Long do nhóm Hoành Loan và Tam Long tiến hành. Tập Dân ca Chăm do Ngọc Oánh ghi âm đã được nhà xuất bản Văn hóa ấn hành, giới thiệu phổ biến rộng rãi. Báo cáo khoa học về âm nhạc dân gian vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng được đăng trên Thông báo khoa học của Viện Nghệ thuật (1977).
Trong thời gian 1971-1976, Ban Nghiên cứu Âm nhạc đã hoàn thành một số công trình khá quy mô:
- Nhạc khí với tính dân tộc và tính hiện đại của Tô Vũ
- Chuyên khảo Âm nhạc Thái Tây Bắc của Tô Ngọc Thanh
- Dân ca Việt Nam của Tú Ngọc
- Kinh nghiệm phổ thơ trong âm nhạc truyền thống của Tô Vũ
- Sự tròn vành rõ chữ của tiếng hát dân tộc của Vĩnh Long
- Âm nhạc Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 của Tô Vũ, Nguyễn Chí Vũ, Thụy Loan.
Ngoài ra còn rất nhiều bài khảo cứu về hát Quan họ, âm nhạc ca kịch truyền thống của các tác giả: Tô Vũ, Lê Yên, Tô Ngọc Thanh, Tú Ngọc, Thanh Hà, Thụy Loan, Đặng Nguyễn, Trịnh Lại, được đăng tải trên các Tạp chí Nghệ thuật, Văn hóa nghệ thuật, Tập san Âm nhạc và Múa hoặc phát biểu dưới dạng tham luận trong các hội nghị chuyên đề, nói chuyện trên làn sóng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
Ngoài ra, Viện còn tổ chức báo cáo công trình Cải tiến nhạc khí dân tộc của Xuân Khải (đàn nguyệt), Phan Chí Thanh (đàn bầu).
* HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU ÂM NHẠC VIỆT NAM (1976-1985)
Sau năm 1975, để ổn định tình hình quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật khi đất nước thống nhất, Bộ Văn hóa đã cử Thứ trưởng Hà Xuân Trường dẫn đầu phái đoàn của Bộ vào miền Nam nhận bàn giao các cơ sở văn hóa. Giáo sư Lưu Hữu Phước lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đề xuất chuyển tổ chức âm nhạc giải phóng thành Viện Nghiên cứu Âm nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 25-8-1976, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu ký Quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam. Lúc đó, Ban Nghiên cứu Âm nhạc ở miền Bắc vẫn còn nằm trong Viện Nghệ thuật. Năm 1977, Bộ quyết định tách các Ban của Viện Nghệ thuật thành các Viện chuyên ngành và Ban Nghiên cứu Âm nhạc sát nhập với Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam. Như vậy Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam có hai cơ sở, tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trụ sở: 2 Trần Quý Khoách, TP Hồ Chí Minh.
Trụ sở: 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
* Công tác sưu tầm:
Sau khi đất nước thống nhất, chấp hành Chỉ thị của Bộ Văn hóa số 19 -VH/ST, hướng sưu tầm của Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam chủ yếu nhằm vào vùng mới giải phóng. Viện đã phân công từng nhóm cán bộ chuyên trách theo vùng. Các dân tộc Bahnar, Jơ rai, Ê đê, M'nông do nhóm Kpa Y Lăng thực hiện. Các dân tộc Mạ, Cơ ho, Chu ru, S'tiêng vùng miền núi Đông Nam Bộ do nhóm Lê Thiện, Kiều Tấn, Trần Quang Huy tiến hành. Kế hoạch sưu tầm có hệ thống dân ca, dân nhạc vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng được thực hiện từng bước với nhóm Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa. Công việc sưu tầm trước đây của một số nhạc sĩ trong vùng giải phóng cũ được tiếp tục, như: dân ca Khơ me Nam Bộ của Quách Vũ và dân ca Raglai của Phong Kỳ. Âm nhạc truyền thống chuyên nghiệp của người Việt như Ca nhạc Huế, nhạc Lễ, nhạc Tài tử - Cải lương, Hát bội được giao cho nhóm Mười Đờn, Hồ Thoa. Một số nghệ nhân tên tuổi đã được Viện Nghiên cứu Âm nhạc thu thanh vào băng từ, ở miền Trung có các nghệ nhân: Vĩnh Phan (đàn tỳ bà), Bửu Lộc (đàn tranh), Nguyễn Kế (đàn kìm).; ở miền Nam có các nghệ nhân: Tư Đồ (Hát bội - được giải của UNESCO cuộc thi băng từ châu Á), Thành Tôn (Hát bội), Năm Bá (đàn bầu), Văn Vĩ (đàn ghi ta lõm phím), Sáu Tửng (đàn kìm), Hai Biểu (đàn tranh). Tổng số bài bản trong các đợt sưu tầm âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số ở miền Nam lên đến hơn 1.000 bài bản, chưa tính đến trên 300 bài bản âm nhạc truyền thống chuyên nghiệp của người Việt do những danh ca, danh cầm nổi tiếng khắp miền Trung và Nam Việt Nam trình diễn.
Đặc biệt trong công tác sưu tầm ở phía Nam là sự phát hiện và thu thập đàn đá Khánh Sơn vào đầu năm 1979. Đây là công trình phối hợp giữa Viện và Ty Văn hóa Thông tin Phú Khánh với cán bộ chủ chốt Kpa Y Lăng của Viện và Kaxôliêng của Phú Khánh. Sau khi phát hiện thu thập đàn đá Khánh Sơn, Viện đã tổ chức báo cáo về kết quả nghiên cứu đàn đá và biểu diễn tại Nha Trang tỉnh Phú Khánh và hội trường Ba Đình, Hà Nội. Việc thể nghiệm sáng tác cho đàn đá Khánh Sơn có sự tham gia hỗ trợ của các nhạc sĩ: Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Tô Hải, Lư Nhất Vũ, Ngô Đông Hải, Trần Quang Huy, Hoàng Hiệp, Kpa Y Lăng.
Năm 1979, Viện kết hợp cùng Ty Văn hóa Vĩnh Phú thực hiện công trình nghiên cứu khoa học Trống đồng Thanh Sơn tại Việt Trì. Công trình gồm hai phần: sưu tầm và thể nghiệm đưa lên san khấu. Phần sưu tầm có sự tham gia của nhạc sĩ Trịnh Lại và Đinh Xuân Ninh. Thể nghiệm sáng tác cho trống đồng Thanh Sơn được các nhạc sĩ Văn Chung, Nguyễn Đình Tấn, Lê Yên, Xuân Giao hỗ trợ cùng sự dàn dựng, chỉ huy của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan và biên đạo múa Lê Ngọc Canh.
Ngày 21 - 5 - 1981, Bộ Văn hóa ra Chỉ thị số 66-TT/CT thành lập Ban vận động sưu tầm, khai thác, phát huy vốn âm nhạc truyền thống (viết tắt là SKPVAT) với thành viên là cán bộ các cơ quan văn hóa của Trung ương do Viện trưởng Lưu Hữu Phước làm Trưởng ban. Ban có nhiệm vụ giúp Bộ chỉ đạo toàn ngành công tác sưu tầm khai thác di sản âm nhạc dân tộc, vận động hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương làm tốt công việc sưu tầm, khai thác, tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động trong phạm vi cả nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ Bộ giao, Viện Nghiên cứu Âm nhạc đã biên soạn tài liệu cho lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sưu tầm và cộng tác viên sưu tầm trên diện rộng. Ngoài tập tài liệu nghiệp vụ về Công tác sưu tầm văn hóa dân gian (in ronéo năm 1979) của Vĩnh Long và Tô Ngọc Thanh còn có Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng trong công tác sưu tầm vốn ca nhạc dân tộc cổ truyền của Nguyễn Ngọc Oánh, Kế hoạch điều tra cơ bản và khai thác, phát triển vốn ca nhạc dân gian Việt Nam 1981-1990 của Vĩnh Long, Âm nhạc cổ truyền Việt Nam và các phương pháp ứng dụng trong sáng tác của Đặng Hoành Loan. Tại một số tỉnh miền Bắc và Tây Nam Bộ, Viện đã mở một số lớp với các giảng viên: Tô Vũ, Đặng Hoành Loan, Đinh Xuân Ninh, Lê Thanh Bảo, Ngọc Oánh, Tô Ngọc Thanh, Vĩnh Long. Ngày 28 -12 -1982 tại Vĩnh Phú tổ chức đợt sơ kết cuộc vận động SKPVAT có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ và giáo sư Trần Văn Khê tham dự với tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế. Huy chương vàng được trao cho các nghệ nhân xuất sắc: Hà Thị Cầu (hát Xẩm), Thạch Tiềm - dân tộc Chăm Thuận Hải (trống ghì nằng), Thanh Tâm (ca Huế).
* Công tác nghiên cứu:
Năm 1977, Viện cho ra tờ Đặc san Nghiên cứu Âm nhạc (lưu hành nội bộ) đăng tải những công trình của cán bộ trong Viện, thông tin về hoạt động âm nhạc của Viện cũng như hoạt động âm nhạc trong nước và nước ngoài.
Ngày 11-10 -1980, Viện trưởng Lưu Hữu Phước chủ trì cuộc họp bàn về đề cương Lịch sử âm nhạc Việt Nam với sự tham gia của các nhạc sĩ Tô Vũ, Doãn Mẫn, Nguyễn Viêm, Ngọc Oánh.
Ngày 24 -12 -1980 Viện tổ chức cuộc tọa đàm ghi âm nhằm thống nhất lối ký âm phù hợp với đặc điểm âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nhiều đại biểu các ngành có liên quan đã tham dự.
Công việc thu thập tài liệu làm hồi ký của các nghệ nhân Tống Văn Ngũ, Vũ Tuấn Đức được nhạc sĩ Đặng Hoành Loan và Đinh Xuân Ninh thực hiện.
* Các công trình nghiên cứu:
- Thử dẫn giải về một lý thuyết điệu thức của người Việt qua bài bản Tài tử - Cải lương của Thụy Loan
- Nhạc khí dân tộc của Lê Huy - Huy Trân
- Nhạc sĩ Sáu Lầu và quá trình hình thành bài Dạ cổ hoài lang của Trương Bỉnh Tòng
- Về vấn đề âm nhạc trong Hát bội của Út Du
- Sự kế thừa và phát huy vốn âm nhạc dân gian Nam Bộ trong sáng tác ca khúc mới của Lư Nhất Vũ
- Ký âm pháp Việt Nam của Nguyễn Hữu Ba
- Những nhạc cụ phổ biến của các dân tộc Tây Nguyên của Kpa Y Lăng
Ngoài ra còn có một số báo cáo chuyên đề về đàn đá Khánh Sơn trong bản Thông báo khoa học của giáo sư Lưu Hữu Phước:
- Phát hiện sưu tầm (Nguyễn Chính)
- Địa chất học (Lương Thanh Châu và Lương Thanh Hiệt)
- Âm nhạc học (Tô Vũ, Ngô Đông Hải và Trần Quang Huy)
- Khảo cổ học (Lê Xuân Diệm)
- Điện thanh học (Vĩnh Lai)
Trong thời gian 1976 -1980, cùng với công tác sưu tầm, nghiên cứu, ở cả hai miền Bắc và Nam, Viện đã tổ chức được nhiều liên hoan, nhạc hội như Nhạc hội Tài tử - Cải lương tại thành phố Hồ Chí Minh (1976), Nhạc hội Tây Nguyên tại Gia Lai - Kon Tum, Nhạc hội Ca nhạc Huế tại Huế (1978), Nhạc hội đàn bầu tại Hà Nội (1978), Hội nghị thống nhất bài bản Tài tử - Cải lương (1978), Hội diễn ca Bóng rỗi tỉnh Hậu Giang, Liên hoan hát dân ca tỉnh Bến Tre (1979), Liên hoan Nhạc Lễ Nam Bộ tại Cần Thơ. Qua những liên hoan, nhạc hội này, Viện đã nắm bắt được phần nào số nghệ nhân đàn hay hát giỏi ở các thể loại âm nhạc của từng địa phương để thu thanh đưa vào lưu trữ.
Viện cũng tổ chức một số hội nghị khoa học như: Hội nghị về công tác sưu tầm ở các tỉnh phía Bắc (1980), Hội nghị cải tiến nhạc khí dân tộc được tổ chức tại Hà Nội. Nhiều công trình sau đó đã được áp dụng trong đời sống xã hội như công trình cải tiến nhạc cụ của các tác giả: Tạ Thâm (tính tẩu, dàn chiêng.), Đức Nhuận, Phan Chí Thanh (đàn bầu), Lương Kim Vĩnh (sáo Mông), Đỗ Lộc, Bá Phổ (đàn t'rưng)...
* Một số hoạt động khác:
Năm 1978, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện đã mở lớp Đại học thể nghiệm Nhạc cụ dân tộc. Lớp học có 12 sinh viên là cán bộ cử đi học của các Nhà hát, đoàn nghệ thuật và sinh viên của Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Về các môn lý thuyết đại cương, sinh viên được học với giảng viên là các giáo sư như: Trần Văn Khê, Tô Vũ, Nguyễn Thụy Loan (lý thuyết), Lê Thương (lịch sử), Ca Lê Thuần (mỹ học), Hoàng Đạm (phối khí). Về nhạc cụ, sinh viên được học trực tiếp một thầy một trò với các nghệ nhân nổi tiếng đàn nhạc Tài tử - Cải lương, nhạc Huế và nhạc Chèo theo lối ghi chép bằng chữ nhạc hò xừ xang. Chương trình học kéo dài 5 năm nhưng mới đến năm thứ ba, giáo trình đào tạo này đã được áp dụng để mở hệ Đại học Âm nhạc dân tộc tại Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1983 kết thúc khóa học, mỗi sinh viên đều có khả năng sử dụng thành thạo ba loại nhạc cụ dân tộc, sáng tác một tác phẩm khí nhạc cho nhạc cụ dân tộc và bảo vệ luận văn. Sau thành công của lớp Đại học thể nghiệm Nhạc cụ dân tộc, năm 1985, Viện kết hợp với trường Nghệ thuật Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở lớp Đại học Thanh nhạc dân tộc.
Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Bộ Văn hóa, Viện được phép tham gia triển lãm trưng bày để giới thiệu thành tựu của ngành âm nhạc, trong đó có sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, đào tạo.
Năm 1981, Trung tâm biên soạn sách giáo khoa Bộ Giáo dục phối hợp với Viện tuyển chọn dân ca các dân tộc đưa vào giáo trình giảng dạy cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 6.
Năm 1982, Viện trưởng Lưu Hữu Phước được mời giảng ở trường Cao học Khoa học xã hội Paris và tại trường Đại học Sorbonne Paris VII với cấp bậc Giám đốc nghiên cứu, giáo sư thỉnh giảng ở EHESS (école des Hautes études en sciences sociales de France). Chuyến đi giảng bài của Viện trưởng ngoài ý nghĩa tuyên truyền vốn ca nhạc truyền thống còn tạo được mối giao lưu âm nhạc Việt - Pháp và với tổ chức UNESCO. Nhân dịp này cuốn Dân ca Quan họ Bắc Ninh của Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Phú, Tú Ngọc, Nguyễn Viêm được tái bản tại Pháp. Sau chuyến đi Pháp, giáo sư Lưu Hữu Phước được mời tham luận tại Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Đức về ba vấn đề lớn có liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam. Năm 1986, giáo sư Lưu Hữu Phước được phong tặng danh hiệu Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức và Nhà nước ta tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Viện đã làm hồ sơ đưa Hát bội với tiếng hát của nghệ nhân Năm Đồ đi dự Diễn đàn Âm nhạc châu Á tại Baghda (Iraq) và hát Ca trù với tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ dự Diễn đàn Âm nhạc Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Kết quả cả hai thể loại âm nhạc với hai giọng ca xuất sắc đều đoạt giải thưởng quốc tế.
Lãnh đạo Viện gồm Viện trưởng Lưu Hữu Phước và Phó viện trưởng Tô Vũ dẫn đoàn Nghệ thuật Việt Nam với sự tham gia của sinh viên lớp Đại học thể nghiệm Nhạc cụ dân tộc tham dự Liên hoan Nghệ thuật Đông dương được tổ chức lần thứ nhất tại Phnôm Pênh - Campuchia (1982) và lần thứ hai tại Phú Khánh - Việt Nam (1985).
Có thể nói, thời kỳ 1976-1985, tình hình đất nước chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, mọi hoạt động của Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam thời kỳ này đã diễn ra sôi động, phát triển toàn diện với một chất lượng mới trên phạm vi cả nước.
* HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA VIỆN ÂM NHẠC VÀ MÚA (1985-1995)
Ngày 25/12/1985, Bộ Văn hóa ra Quyết định số 192-VH/QĐ thành lập Viện Âm nhạc và Múa trên cơ sở của Viện Nghiên cứu Âm nhạc ghép thêm bộ phận múa. Đến năm 1988, theo quyết định số 1031-VH/QĐ ngày 8-10-1988 của Bộ Văn hóa, các Viện chuyên ngành tập hợp lại trong Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam do tiến sĩ Lê Anh Trà làm Viện trưởng, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh làm Phó viện trưởng. Lúc này bộ phận múa lại tách khỏi Viện Âm nhạc và Múa. Đến năm 1990 Viện Âm nhạc chỉ còn cơ sở ngoài Hà Nội, Phân viện thành phố Hồ Chí Minh được sát nhập vào Viện Văn hóa Nghệ thuật.
Trụ sở: 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
* Công tác sưu tầm:
Tập trung vào một số lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng hoặc phồn thực. Nhóm sưu tầm của nhạc sĩ Mông Lợi Chung đã tiến hành thu thanh về Then Cáo lão. Nhiều cuộc điền dã dưới sự hướng dẫn của GS Tô Ngọc Thanh có quay phim các lễ hội Xuống đồng, hội Xên lẩu nó, Lễ Ma khô ở Tây Bắc, Việt Bắc. Công tác SKPVAT tiếp tục tiến hành trên cả hai miền Bắc - Nam. Những đợt điền dã thời kỳ này có giá trị về chuyên môn với cách nhìn văn hóa dân gian là một tổng thể. Hơn nữa, các trang thiết bị đã dần hiện đại nên tư liệu thu về đạt được chất lượng tốt hơn.
* Công tác nghiên cứu:
Nhạc sĩ Tú Ngọc được mời cộng tác làm thư ký khoa học cho công trình biên soạn Lịch sử âm nhạc Việt Nam. Ngoài hai tập hồi ký của nghệ nhân Tống Văn Ngũ và Vũ Tuấn Đức, tập Nhạc khí Xê Đrá của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cũng được hoàn thành.
Theo hợp đồng ký kết với UNESCO, Viện đã triển khai công trình Ba Vũ (múa hát cung đình Huế). Nhạc sĩ Ngọc Oánh được phân công làm thư ký khoa học. Giai đoạn đầu là điền dã sưu tầm tư liệu, tổ chức tọa đàm với các nghệ nhân và mở lớp học truyền nghề Ba Vũ ở Huế. Sau đó Ngọc Oánh và TS Lâm Tô Lộc biên soạn cuốn sách về lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật Ba Vũ, được dịch ra tiếng Pháp để gửi tới UNESCO. Giai đoạn cuối là quay phim, chụp ảnh, thu thanh các tiết mục trong nghệ thuật múa hát cung đình Huế. Công trình được UNESCO nghiệm thu vào cuối năm 1986.
Một hợp đồng khác cũng được triển khai với ACCT (Agence de Cooperation Cul- turelle et Technique - Hiệp hội hợp tác văn hóa và kỹ thuật) về nhạc khí dân tộc do nhạc sĩ Lê Huy chủ trì. Theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Liên Xô (cũ), đoàn triển lãm do Ngọc Oánh và Mông Lợi Chung đã sang tổ chức triển lãm Nhạc khí dân tộc Việt Nam tại Matxcơva. Trong quá trình trưng bày có tổ chức hội thảo với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu.
Năm 1986 là năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Trong đời sống xã hội cũng có nhiều biến động phức tạp. Trước tình hình đó, Viện đã phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức nhiều cuộc bàn thảo dưới sự chủ trì của Bộ đưa ra các thông báo và quy định về biểu diễn và xuất bản âm nhạc. Các nhạc sĩ Nguyễn Viêm, Nguyễn Lộc, Ngọc Oánh được phân công viết các tiểu luận về âm nhạc lãng mạn trước Cách mạng. Các bài viết này đều được đăng tải trong Tập san Âm nhạc, báo Văn hóa thể thao, báo Hà Nội mới.
* Một số hoạt động khác:
Liên hoan đàn hát dân ca đồng bằng sông Cửu Long tổ chức năm 1988.
Liên hoan Hát ru lần thứ nhất ở miền Nam và lần thứ hai tổ chức tại miền Trung. Nhiều bản tham luận đã được tập trung trong cuốn sách Kỷ yếu Hội thảo Hát ru toàn quốc (Viện Âm nhạc và Múa, 1992).
Sau việc mở lớp bồi dưỡng cộng tác viên sưu tầm tại Ninh Bình là công tác "Tổng điều tra sưu tầm vốn ca nhạc dân gian trong toàn quốc”. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã soạn thảo một chương trình kế hoạch hoạt động theo phương châm Trung ương và địa phương cùng kết hợp. Viện dựa vào các Sở Văn hóa trong cả nước để tiến hành điều tra, nắm vốn, nắm địa bàn sưu tầm, từ đó có kế hoạch khai thác vốn âm nhạc dân gian qui mô hơn.
Để giới thiệu thành tựu của Viện với các nước châu Á, Viện trưởng đã giao Nguyễn Ngọc Oánh làm các thủ tục đề cử xét thưởng Giải FUKUOKA của Nhật Bản.
Về đối ngoại, Viện đã tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu nước ngoài tìm hiểu âm nhạc cổ truyền Việt Nam như: tiến sĩ Jason Gibbs người Mỹ với công trình "Lịch sử phát triển âm nhạc Việt Nam”, một Việt kiều Pháp về Việt Nam thực hiện công trình "Âm nhạc Việt Nam”...
Ngày 19 -1-1993, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 25-TTg về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật. Có thể nói đây là lần đầu tiên có một văn bản pháp qui nêu rõ những chính sách cụ thể có liên quan đến công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật truyền thống. Quyết định này được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc "Tổng điều tra vốn nghệ thuật dân gian trong toàn quốc”.
* HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA VIỆN ÂM NHẠC (1995-2005)
Căn cứ Quyết định số 123-TTG ngày 1-3-1995 của Thủ tướng chính phủ về tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin, các Viện chuyên ngành sẽ sáp nhập vào các trường nhằm mục đích gắn công tác nghiên cứu với đào tạo. Viện Âm nhạc nằm trong Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã sát nhập vào Nhạc viện Hà Nội.
Trụ sở: 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
* Công tác sưu tầm:
Phát triển mạnh từ năm 1998, nhờ sự giúp đỡ và đầu tư chiều sâu của Bộ Văn hóa Thông tin với nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, cùng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ tuổi năng động, được đào tạo chính quy. Ngoài khối băng tư liệu âm thanh mà nhiều thế hệ cán bộ sưu tầm đã gây dựng được từ hơn ba mươi năm qua, Viện đã tiến hành hàng loạt cuộc điền dã sưu tầm tại nhiều địa bàn trong cả nước, từ vùng núi cao phía Bắc đến dải đất miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam, bổ sung thêm hàng ngàn giờ băng âm thanh và hình ảnh cho kho tư liệu.
Trong chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn 2001-2005, mục đích của nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đã được xác định: Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương trong cả nước, sưu tầm toàn diện di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc có số dân ít, các di sản có nguy cơ mai một cao, nghiên cứu phục dựng một số loại hình nghệ thuật, sinh hoạt tiêu biểu ở các vùng văn hóa. Viện Ầm nhạc đã đảm nhiệm xuất sắc hàng loạt dự án phi vật thể với chất lượng chuyên môn cao. Nhiều dự án phải tìm đến những vùng sâu, vùng xa nơi có số dân còn quá ít, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn, nguy hiểm.
Đặc biệt những dự án phi vật thể đi sâu sưu tầm về chân dung nghệ nhân, sưu tầm khai thác và tôn vinh tài năng của những nghệ nhân dân gian tài giỏi đã đánh dấu một hướng sưu tầm mới, bởi họ là sự đúc kết của tri thức văn hóa dân gian, của sự khéo léo cũng như năng khiếu về âm nhạc. Thông qua họ ta có thể hiểu được sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng, đồng thời thu về những tư liệu âm nhạc dân gian truyền thống có giá trị nghệ thuật đưa vào kho lưu trữ Quốc gia để bảo tồn, nghiên cứu cũng như giới thiệu rộng rãi trong công chúng.
* Các cuộc điền dã sưu tâm đã thực hiện:
- Nhạc khí dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 1997 (thực hiện: nhóm Nguyễn Ngọc Oánh)
- Ca nhạc Huế năm 1997 (thực hiện: nhóm Đặng Hoành Loan)
- Hiện vật về nhạc cụ Tây Nguyên năm 1997 (thực hiện: Tạ Quang Động)
- Dân ca các dân tộc Thái, Mường, Dao, Khơ mú, Mông, Tày tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quốc ở Ninh Bình năm 1997 (thực hiện: nhóm Phạm Minh Hương)
- Âm nhạc lễ hội đền Mưng tại Thanh Hóa năm 1997 (thực hiện: nhóm Hồ Hồng Dung)
- Mo Mường tỉnh Hòa Bình năm 1997 (thực hiện: nhóm Phạm Minh Hương)
- Cuộc thi Dân ca, dân nhạc ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu tổ chức tại tỉnh Sơn La năm 1997 (thực hiện: nhóm Nguyễn Thị Bính)
- Âm nhạc dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Dao tỉnh Lạng Sơn năm 1997-1998 (thực hiện: nhóm Đặng Hoành Loan kết hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Lạng Sơn)
- Lễ hội Trò Trám tại tỉnh Phú Thọ năm 1998 (thực hiện: nhóm Hồ Thị Hồng Dung)
- Âm nhạc trong lễ hội Chá Chiêng và âm nhạc dân gian của người Thái Mai Châu, tỉnh Hòa Bình năm 1998 (thực hiện: nhóm Nguyễn Thị Bính)
- Âm nhạc dân gian các dân tộc huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình năm 1998 (thực hiện: nhóm Hoàng Anh Thái)
- Âm nhạc dân gian các dân tộc miền Trung và Tây Nguyên tại Liên hoan "Tiếng hát miền Trung và Tây Nguyên” tại Huế năm 1998 (thực hiện: nhóm Đặng Hoành Loan)
- Các tiết mục độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại cuộc thi "Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ nhất” tại Hà Nội năm 1998 (thực hiện: nhóm Hoàng Anh Thái)
- Ca trù Cổ Đạm - Nghi Xuân, Hà Tĩnh năm 1998 (thực hiện: nhóm Chính Huấn)
- Âm nhạc dân gian các dân tộc Cờ tu, Pa kô, Tà ôi tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 1998 (thực hiện: nhóm Đặng Hoành Loan)
- Âm nhạc dân gian các dân tộc Jơ rai, Bahnar tỉnh Gia Lai; Mnông, Ê đê Kpa tỉnh Đăklăk; Chăm, Raglai tỉnh Ninh Thuận; Khơ me tỉnh Sóc Trăng, nhạc sân khấu Tuồng dân tộc Kinh tỉnh Bình Định năm 1998 (thực hiện: nhóm Đặng Hoành Loan)
- Dự án "Khôi phục, bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật tiểu vùng sông Mã tại tỉnh Thanh Hóa” năm 1999 (thực hiện: nhóm Đặng Hoành Loan)
- Chèo làng Khuốc tỉnh Thái Bình năm 1999 (thực hiện: nhóm Đặng Hoành Loan)
- Nhạc dân gian tiêu biểu của các dân tộc Mèo đen, Mèo nhẹh, Phù lá, Dao đỏ, Dao trắng, Cao lan, Tày, Thái đen tại Yên Bái năm 1999 (thực hiện: nhóm Phạm Minh Hương)
- Âm nhạc dân gian các huyện ven biển (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ) tỉnh Quảng Ngãi năm 1999 (thực hiện: nhóm Nguyễn Thị Bính)
- Âm nhạc trong Lễ mở kho lúa tại huyện Sa Thày, tỉnh Kon Tum năm 1999 (thực hiện: nhóm Nông Thị Nhình)
- Âm nhạc và lễ hội dân tộc Thái ở làng Tráng, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước và làng Bớt, xã Lâm Khê, huyện Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa năm 2000 (thực hiện: nhóm Tạ Quang Động)
- Âm nhạc và lễ hội Lồng tồng tại xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn năm 2000 (thực hiện: nhóm Nông Thị Nhình)
- Âm nhạc dân gian của các dân tộc tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng và Ninh Thuận năm 2001 (thực hiện: nhóm Tạ Quang Động, Nông Thị Nhình, Lê Văn Toàn)
- Âm nhạc dân gian người Nguồn và sưu tầm Hò khoan Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình năm 2002 (thực hiện: nhóm Nông Thị Nhình)
- Hát Then tại "Liên hoan hát Then và đàn tính toàn quốc lần thứ nhất” tổ chức tại Thái Nguyên năm 2005 (thực hiện: nhóm Nông Thị Nhình)
- Hát Ca trù người Việt trong khuôn khổ dự án lập hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO xét duyệt công nhận Kiệt tác di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại năm 2005 (thực hiện: nhóm Đặng Hoành Loan)
* Các dự án phi vật thể (2001-2005):
- Điền dã sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Ca dong, Cor, H'rê tỉnh Quảng Ngãi năm 2001 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Điền dã sưu tầm âm nhạc tế lễ đình chùa Thanh Hóa năm 2001 (Chủ nhiệm: Tạ Quang Động)
- Điền dã sưu tầm, phục hồi kịch hát dân gian Dá hai - dân tộc Nùng tỉnh Cao Bằng năm 2001 (Chủ nhiệm: Nông Thị Nhình)
- Điền dã sưu tầm Nghệ thuật hát rối đầu gỗ chùa Bi năm 2002 (Chủ nhiệm: Tạ Quang Động)
- Điền dã sưu tầm, phục hồi, bảo tồn trò Tiên Cuội, Múa đèn, Thiếp - Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hóa năm 2002 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Điền dã sưu tầm, phục hồi, bảo tồn các hình thức sinh hoạt nghệ thuật trong lễ hội Khai xuân cầu đinh, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2002 (Chủ nhiệm: Đặng Hoành Loan)
- Điền dã sưu tầm, bảo tồn âm nhạc và múa dân gian dân tộc Lô Lô huyện Đồng Văn và Mèo Vạc tỉnh Hà Giang năm 2003 (Chủ nhiệm: Nông Thị Nhình)
- Điền dã sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật âm nhạc dân gian của 3 nghệ sĩ Ymip Auyn, Ymêl và Nguyễn Kiểm năm 2003 (Chủ nhiệm: Đặng Hoành Loan)
- Điền dã sưu tầm, khôi phục và bảo tồn nghệ thuật Hạn Khuống của người Thái đen ở Thuận Châu tỉnh Sơn La năm 2003 (Chủ nhiệm: Tạ Quang Động)
- Điền dã sưu tầm, bảo tồn âm nhạc dân gian người Mông của gia đình nghệ nhân Giàng Seo Gà ở Sa Pa tỉnh Lào Cai năm 2004 (Chủ nhiệm: Nông Thị Nhình)
- Điền dã sưu tầm, bảo tồn âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn dân gian dân tộc Ê đê M'thur tỉnh Phú Yên năm 2004 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Điền dã sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật âm nhạc dân gian dân tộc Xinh Mun và dân tộc Khơ mú tỉnh Sơn La năm 2004 (Chủ nhiệm: Tạ Quang Động)
- Điền dã sưu tầm nghệ thuật và múa dân gian dân tộc Dao tỉnh Hà Giang năm 2004 (Chủ nhiệm: Nguyễn Thủy Tiên)
- Điền dã sưu tầm, bảo tồn âm nhạc và múa dân gian các dân tộc Tày, Dao và Cao Lan tỉnh Tuyên Quang năm 2004 (Chủ nhiệm: Đặng Hoành Loan)
- Điền dã sưu tầm, bảo tồn âm nhạc dân gian dân tộc Giáy, La Chí huyện Xín Mần, huyện Hoàng Su Phì và huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang năm 2005 (Chủ nhiệm: Văn Đình Tiến Dũng)
- Điền dã sưu tầm, bảo tồn âm nhạc dân gian dân tộc Cống, Si La huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu năm 2005 (Chủ nhiệm: Nguyễn Hiền Đức)
- Điền dã sưu tầm, bảo tồn âm nhạc dân gian dân tộc Tu Dí huyện Mường Khương, dân tộc Hà Nhì huyện Bát Sát tỉnh Lào Cai năm 2005 (Chủ nhiệm: Tạ Quang Động).
* Công tác nghiên cứu:
Viện Âm nhạc đã tập hợp lực lượng cộng tác viên nghiên cứu âm nhạc của cả nước thực hiện được nhiều công trình nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực âm nhạc học, dân tộc nhạc học, xã hội nhạc học, âm thanh học, âm nhạc trên những hệ thống công nghệ tin học hiện đại cấp cơ sở, cấp Bộ và trọng điểm cấp Bộ.
* Công trình cấp cơ sở:
- Âm nhạc cổ truyền Quảng Trị của Nguyễn Xinh, Đặng Hoành Loan (1996).
- Khảo sát trò Xuân Phả của Hoàng Anh Nhân, Phạm Minh Khang, Hoàng Hải (1997).
- Tìm hiểu điệu thức dân ca người Việt Bắc Trung Bộ của Đào Việt Hưng (1997)
- Âm nhạc dân gian xứ Lạng của Đặng Hoành Loan, Nông Thị Nhình, Hoàng Ngọc Tranh, Trường Thanh, Mã Thế Vinh, Hoàng Khoan, Thủy Tiên (1998)
- Vai trò âm nhạc trong lễ hội Chăm của Hải Liên (1999)
- Âm nhạc Raglai vùng cực Nam Trung Bộ của Hải Liên (2000)
- Những gương mặt âm nhạc thế kỷ của Nguyễn Thụy Kha (2000)
- Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền của Văn Cẩn (2001)
- Những nét chung và riêng trong âm nhạc Then Tày - Nùng của Nông Thị Nhình (2003)
-Cuộc đời và sự nghiệp giao hưởng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam của Nguyễn Thị Minh Châu (2005)
* Công trình cấp Bộ:
- Âm nhạc mới Việt Nam - tiến trình và thành tựu của Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên (2000)
- Chữ nhạc cổ truyền Việt Nam của Hoàng Kiều, Bình Định (2002)
- Tập hợp, đánh giá tài liệu nghiên cứu - lý luận - phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX của Vũ Nhật Thăng, Dương Viết Á, Dương Bích Hà, Bùi Trọng Hiền, Nguyễn Thị Minh Châu (2002)
- Vai trò của âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong xã hội đương đại của Nguyễn Phúc Linh, Hoàng Anh Thái, Nguyễn Thủy Tiên, Hồ Thị Hồng Dung, Phạm Minh Hương (2003)
- Khảo sát thực trạng văn hóa nghệ thuật tiểu vùng Sông Mã của Đặng Hoành Loan, Tạ Quang Động (2003)
- Âm nhạc Việt Nam, Tác giả - tác phẩm của Trọng Bằng, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Phạm Tú Hương, Lê Văn Toàn, Nguyễn Thị Minh Châu (2004)
* Công trình trọng điểm cấp Bộ:
- Nhận diện âm thanh âm nhạc truyền thống Việt Nam của Trần Thu Hà và nhiều tác giả khác (1999)
- Cấu trúc bài bản một số thể loại dân ca vùng châu thổ sông Hồng của Lê Văn Toàn và nhiều tác giả khác .
* Công tác xuất bản:
* Thông báo khoa học (tiếng Việt và tiếng Anh):
Năm 1999, Viện Âm nhạc chính thức ra mắt tờ Thông báo khoa học với tần suất hai số/năm. Từ năm 2003 tăng lên mỗi năm ba số, mỗi số 150 trang và tính đến 2005 đã xuất bản được 16 số. Nội dung Thông báo khoa học là những tin tức hoạt động của Viện và tin âm nhạc trong nước; các báo cáo khoa học của các dự án, các cuộc sưu tầm điền dã của Viện; các công trình nghiên cứu khoa học, các bài viết nghiên cứu, các tham luận tại những hội thảo khoa học trong nước và quốc tế về âm nhạc.
Thông báo khoa học đã có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài nước, được giới chuyên môn và nhiều độc giả đánh giá cao.
* Các sản phẩm sách:
Viện đã đầu tư xuất bản nhiều sản phẩm sách từ các công trình nghiên cứu, các tác phẩm sáng tác của nhiều tác giả. Các sản phẩm này hiện được lưu trữ và phục vụ độc giả tại thư viện Viện Âm nhạc.
* Các sản phẩm băng đĩa:
Viện Âm nhạc đã có sự kết hợp giữa khoa học xã hội và khoa học công nghệ trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Trước hết là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong công tác bảo tồn âm nhạc, một chức năng quan trọng của Viện. Nhờ phương tiện máy móc công nghệ hiện đại, Viện đã tiến hành in đĩa CD ROM các tư liệu lưu trữ để có thể bảo quản được lâu dài hơn cũng như để thuận tiện cho việc tra cứu. Đặc biệt công tác phổ biến, truyền bá, đào tạo âm nhạc Việt Nam cũng được thực hiện một cách có hiệu quả với hàng loạt sản phẩm CD, VCD, DVD, băng video nhiều chương trình ca múa nhạc dân gian truyền thống các dân tộc Việt Nam
Trong giai đoạn đất nước ta đang trên đà đổi mới, với cơn sốt của cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân đã cho ra nhiều loại sản phẩm băng, đĩa nhạc với nhiều loại hình khác nhau. Nhưng để có một sản phẩm vừa ý, đạt chất lượng âm thanh tốt đối với người yêu thích nền âm nhạc dân gian thì đó là một việc hết sức khó khăn. Bên cạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu những nét văn hóa dân gian của dân tộc, Viện Âm nhạc đã cho ra đời một số lượng lớn băng, đĩa nhạc dân gian thu thanh được từ các cuộc điền dã do các nghệ nhân biểu diễn. Tuy chưa nhiều nhưng đã để lại không ít ấn tượng cho những người đã từng được đôi lần thưởng thức. Đặc biệt đối với những người Việt Nam hiện đang sống và làm việc xa tổ quốc thì những câu hát, điệu đàn truyền thống có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Những sản phẩm này cùng với nội dung các chương trình nghiên cứu đang được đăng tải trên trang Website của Viện đều hướng tới mục đích giới thiệu rộng rãi các kết quả nghiên cứu và truyền bá nền âm nhạc Việt Nam ở trong và ngoài nước.
CÁC SẢN PHẨM CD, VCD VÀ BĂNG VIDEO
Sản phẩm CD:
- Về với Huế
- Âm nhạc dân gian Việt Nam I
- Những bài ca chuyên nghiệp cổ truyền Việt Nam I
- Những bài ca chuyên nghiệp cổ truyền Việt Nam II
- Âm nhạc dân gian Việt Nam II
- Thuyền Quan họ
- Trăng Quan họ
- TìnhQuan họ
- Làng Quan họ
- Dân ca miền núi và cao nguyên I
- Hát Xẩm Hà Thị Cẩu
- Chương trình Cồng chiêng Việt Nam I
- Hò sông Mã
- Dân ca Gia rai
- Dân ca Êđê
- Dân ca Bahnar
- Độc tấu nhị líu - NSƯT Minh Nhương
- Dân ca Thái Tây Bắc
- Dân ca Bài chòi Khánh Hòa I
- Dân ca Bài chòi Khánh Hòa II
- Âm nhạc sân khấu Việt Nam I
- Dân ca Chăm
- Hát ru dân tộc thiểu số
- Dân ca Thái và Mường
- Hát ru
- Ả đào Quách Thị Hồ
- Tỳ bà hành Quách thị Hồ
- Dân ca miền duyên hải Quảng Ngãi
- Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc ít người
- Nghệ sĩ ưu tú Kim Sinh
- Rơ Chăm Tih
- Âm nhạc tế lễ đình chùa Thanh Hóa
- Ca trù Lỗ Khê - nghệ sĩ Phạm Thị Mùi
- Âm nhạc dân gian miền núi Quảng Ngãi
- Âm nhạc dân gian dân tộc Mông
Sản phẩm VCD:
- Độc tấu Hòa tấu nhạc cụ dân gian I
- Độc tấu Hòa tấu nhạc cụ dân gian II
- Độc tấu Hòa tấu nhạc cụ dân gian III
- Dòng sông - con đò và những miền quê
- Độc tấu nhị líu - NSƯT Minh Nhương
- Tuyển chọn ca múa nhạc dân gian Việt Nam
- Dân ca duyên hải Quảng Ngãi
- Hò đò đưa trên sông Mã
- Kin Chiêng Boóc mạy
- Rơ Chăm Tih
- Tuyển chọn dân ca dân nhạc ít người
Sản phẩm VCD:
- Độc tấu Hòa tấu nhạc cụ dân gian Việt Nam I
- Độc tấu Hòa tấu nhạc cụ dân gian Việt Nam II
- Độc tấu Hòa tấu nhạc cụ dân gian Việt Nam III
- Dòng sông - con đò và những miền quê
- Những làn điệu dân ca Việt Nam
* Công tác trưng bày, biểu diễn:
Phòng Trưng bày Nhạc cụ truyền thống Việt Nam được khai trương năm 1999, hiện đang lưu giữ 130 nhạc cụ, trong đó bao gồm đủ bốn họ: màng rung, tự thân vang, hơi, dây với nhiều chi nhánh khác nhau. Mỗi nhạc cụ đều được giới thiệu chi tiết bằng văn bản mô tả khoa học, bằng âm thanh và hình ảnh, trong đó có một số hiện vật nhạc cụ cổ như: đàn đá, trống đồng, các bộ cồng chiêng, trống da voi... Tại đây, khách tham quan có thể thưởng thức những bài' bản còn nguyên dạng và phong cách biểu diễn truyền thống do chính các nghệ sĩ của Viện trình diễn. Không chỉ phục vụ nhiều lượt khách ở trong và ngoài nước đến tham quan, các nghệ sĩ của Phòng Trưng bày Nhạc cụ truyền thống Việt Nam còn mang các nhạc cụ độc đáo này đi giới thiệu, giao lưu tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Tay Ban Nha, Ý.
* Các chương trình hợp tác quốc tế:
- Năm 1995 -1997: Viện thực hiện dự án "Khôi phục ba vùng Chèo Thái Bình” do Toyota Foundation tài trợ.
- Năm 1998: Viện thực hiện dự án xin tài trợ từ quỹ ODA của Nhật Bản
- Năm 1998: Viện tham gia cuộc họp mặt các nhà sáng tác và nghiên cứu do ASEAN COCI tổ chức với tên gọi Composer Forum.
- Năm 1998: Viện tham gia dự án nghiên cứu khoa học "Sonic Orders in ASEAN” (Trật tự âm thanh các nước ASEAN) với 300 trang báo cáo khoa học đã được Ban chủ nhiệm đánh giá rất cao.
- Năm 1999: Viện cử cán bộ tham gia lớp tập huấn "Phương pháp sử dụng thiết bị ghi âm nhạc dân gian tại điền dã” do Viện cùng với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Viện Smithsonian của Mỹ tổ chức tại Việt Nam.
- Năm 2003: Viện Âm nhạc tham dự hội thảo quốc tế Phát huy vai trò của hình ảnh trong hoạt động so sánh và giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt - Nhật do Trường Đại học Tổng hợp Osaka chủ trì. Phó viện trưởng Đặng Hoành Loan đã giới thiệu "Đôi nét về Ngân hàng dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam”.
- Năm 2003: Viện tham gia hội thảo Phim dân tộc học lần thứ I, tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do Quỹ Ford tài trợ. Viện Âm nhạc giới thiệu phim Âm nhạc dân gian xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa - một thể nghiệm làm phim âm nhạc không lời bình và chỉ sử dụng lời kể của các chủ thể văn hóa.
- Năm 2003: Vụ đào tạo thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin và Viện Âm nhạc phối hợp tổ chức hội thảo khoa học Phát triển âm nhạc truyền thống - ý nghĩa văn hóa và thành tựu tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo hướng tới công tác phát triển vốn âm nhạc truyền thống với hiệu quả xã hội cao hơn, và việc bảo tồn, đào tạo vốn âm nhạc cổ truyền chuẩn xác và toàn diện hơn.
- Năm 2004: Viện Âm nhạc tổ chức hội thảo quốc tế Âm nhạc dân tộc cổ truyền trong bối cảnh toàn cầu hóa tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu đến từ các nước ASEAN: Campuchia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippin, Xinhgapo, Thái Lan, Việt Nam và ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Các tham luận nói về hiện trạng của một số loại hình nghệ thuật dân tộc cổ truyền trong đời sống hiện nay, về những ảnh hưởng của quan hệ kinh tế cũng như việc ứng dụng những kỹ thuật khoa học công nghệ hiện đại vào truyền bá âm nhạc truyền thống, về giáo dục nhạc cổ, đồng thời mở ra nhiều góc nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn về số phận của âm nhạc dân tộc cổ truyền trong bối cảnh hội nhập.
- Năm 2005: Viện Âm nhạc tham dự Hội thảo Phim dân tộc học /nhân học lần thứ II, do Quỹ Ford Việt Nam tài trợ, tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với bộ phim Nghệ nhân Giàng Seo Gà - dân tộc Hmông - Sa Pa - Lào Cai.
- Năm 2001 và 2004: cử cán bộ tham gia lớp tập huấn thuộc dự án nghiên cứu và quay phim tư liệu Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam (RVMW) do Viện Nghệ thuật - Đại học Nghệ thuật Osaka đồng phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức, Trung tâm Châu Á của Quỹ Nhật Bản tài trợ.
- Năm 2002: Viện Âm nhạc chính thức được Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) công nhận như một quốc gia thành viên.
- Năm 2004: Viện tham dự Hội thảo lần thứ 37 của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) tổ chức tại Phúc Châu - Phúc Kiến, Trung Quốc với các tham luận: Nhạc cụ truyền thống cho trẻ em Việt Nam (TS Lê Toàn), Nhạc cụ trong lễ tín ngưỡng Shaman của một số dân tộc ở Việt Nam (Hồ Hồng Dung), Nhạc cụ truyền thống Việt Nam trong cuộc sống đương đại (Nguyễn Thủy Tiên).
- Năm 2005: Viện tham dự Hội thảo lần thứ 38 của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) tổ chức tại thành phố Sheffield (Anh Quốc) với các tham luận: Hò sông Mã và sự phục sinh (Nguyễn Thị Minh Châu) và Nghệ thuật diễn xướng trò Thiếp và Múa đèn (TS Lê Văn Toàn).
- Năm 2005: Viện tham gia dự án "Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững 2005-2009” do quỹ SIDA (Thụy Điển) tài trợ.
- Viện Âm nhạc cũng đã có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện các hồ sơ quốc gia trình UNESCO xét công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
* Các hội thảo khoa học Viện tổ chức và tham dự:
- Năm 1997: Hội thảo "Tính chiến đấu và tính nghệ thuật trong ca khúc cách mạng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước": nhấn mạnh tính chính luận và tính anh hùng trong ca khúc của Lưu Hữu Phước.
- Năm 1998: Hội thảo "Nhìn lại quá trình đào tạo, bảo tồn và phát triển nền âm nhạc truyền thống Việt Nam": khẳng định và đánh giá cao quá trình đào tạo âm nhạc của khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện Hà Nội, đặc biệt nhấn mạnh những thành quả to lớn mà Viện Âm nhạc đã đạt được trong công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống trong đời sống xã hội.
- Năm 2002: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp cùng Viện Âm nhạc tổ chức Hội thảo quốc tế Âm nhạc cung đinh Huế tại Duyệt Thị Đường, Đại Nội, Huế với sự tham dự của các nhà khoa học Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hội thảo tập trung vào các vấn đề: giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật của âm nhạc cung đình, mối quan hệ giữa âm nhạc cung đình Việt Nam với các nước Đông Á, để tìm kiếm giải pháp bảo tồn và gìn giữ âm nhạc cung đình trong thời gian tới.
- Năm 2002: Viện Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng tổ chức hội thảo Ca khúc với công cuộc đổi mới tại hai trung tâm ca nhạc lớn nhất đất nước: Hà Nội (12/4/2002) và thành phố Hồ Chí Minh (26/4/2002). Trọng tâm Hội thảo là Sáng tác - những thành tựu và tồn tại. Ngoài ra còn nhiều vấn đề tác động trực tiếp đến chất lượng ca khúc cũng được đề cập, như: thị hiếu công chúng (đặc biệt đối tượng trẻ) và tác động của báo chí, "đầu ra” của tác phẩm, tác động của các hãng băng đĩa và các cơ quan quản lý văn hóa, chất lượng chương trình ca nhạc và vai trò của ca sĩ, người tổ chức biểu diễn, phát thanh, truyền hình...
* HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA VIỆN ÂM NHẠC (2005-2010)
Căn cứ Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhạc viện Hà Nội chính thức đổi tên thành Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Viện Âm nhạc là đơn vị trực thuộc nằm trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trụ sở: Khu CC2, Khu đô thị mới Mỹ Đình, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội
* Công tác sưu tầm:
* Các dự án phi vật thể (2005-2010):
- Khảo sát, sưu tầm, phục hồi Chèo chải hê làng Lũng Giang, xã Vân Tương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh năm 2005 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Điền dã, sưu tầm Chèo bơi cạn, trò Lữ Quan, trò Trống - Mõ của người Việt ở tỉnh Thanh Hóa năm 2007 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn dân gian trong Tết cúng bản của dân tộc Hà nhì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên năm 2007 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Khảo sát, sưu tầm, phục hồi trò Thủy, trò Thủy phường, trò Ngô ở Đông Anh, Thanh Hóa năm 2009 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
* Dự án “Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững 2005-2009" do quỹ SIDA (Thụy Điển) tài trợ
Trong 5 năm hoạt động tích cực, được sự hỗ trợ về kinh phí của quỹ SIDA (Thụy Điển), với sự cộng tác giúp đỡ của các chuyên gia Thụy Điển, sự hợp tác của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nghệ nhân, Viện Âm nhạc đã tiến hành khảo sát, sưu tầm, thu thanh, quay hình và mở lớp truyền dạy vốn âm nhạc và múa dân gian của 29 dân tộc trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố. Đây là cơ hội quý báu để Viện Âm nhạc làm giàu thêm kho băng tư liệu với khối lượng sưu tầm được gồm: 75 băng DAT thu tiết mục, 123 băng Cassette thu các cuộc phỏng vấn nghệ nhân, 306 băng Betacam 30' ghi hình các tiết mục, 422 bài dân ca, 380 bài dân nhạc, 1793 ảnh chụp.
* Các chuyến điền dã, sưu tầm của Viện trong khuôn khổ dự án:
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Dao, Hmông, Lô lô, Sán chỉ, Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng năm 2006 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Tày, Nùng, Sán chay tỉnh Lạng Sơn năm 2006 (Chủ nhiệm: Nông Thị Nhình)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Thái, Dao, Mường tỉnh Hòa Bình năm 2006 (Chủ nhiệm: Nguyễn Hiền Đức)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Sán dìu, Dao quẩn chẹt, Cao lan tỉnh Vĩnh Phúc năm 2006 (Chủ nhiệm: Hoàng Anh Thái)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Hmông, Dao đỏ, Giáy tỉnh Lào Cai năm 2006 (Chủ nhiệm: Tạ Quang Động)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Khơ me, Hoa tỉnh Sóc Trăng năm 2007 (Chủ nhiệm: Tạ Quang Động)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Khơ me, Chăm tỉnh An Giang năm 2007 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Khơ me, Hoa tỉnh Sóc Trăng năm 2007 (Chủ nhiệm: Tạ Quang Động)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Khơ me, Chăm tỉnh An Giang năm 2007 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Giẻ-Triêng, Brâu, Xơ đăng tỉnh Kon Tum năm 2007 (Chủ nhiệm: Tạ Quang Động)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Mạ, Mnông, Êđê Kpăh tỉnh Đăk Nông năm 2007 (Chủ nhiệm: Nguyễn Hiền Đức)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân tộc Việt, Bru-Vân Kiều, Chứt (nhánh Rục) tỉnh Quảng Bình năm 2008 (Chủ nhiệm: Nguyễn Hiền Đức)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Thái, Hmông, Khơ mú, Lào tỉnh Điện Biên năm 2008 (Chủ nhiệm: Nguyễn Hiền Đức)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Cơ tu, Tà ôi, Pa kô tỉnh Thừa Thiên-Huế năm 2008 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Mường, Dao quần chẹt, Thổ tỉnh Thanh Hóa năm 2008 (Chủ nhiệm: Nguyễn Bình Định)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân tộc Chăm, Ba na, Việt tỉnh Phú Yên năm 2008 (Chủ nhiệm: Đặng Bá Oánh)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Thái, Hmông, Khơ mú tỉnh Nghệ An năm 2009 (Chủ nhiệm: Lê Văn Toàn)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân tộc Việt, Khơ me tỉnh Cà Mau năm 2009 (Chủ nhiệm: Nguyễn Hiền Đức)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Kháng, La ha, Thái tỉnh Sơn La năm 2009 (Chủ nhiệm: Nguyễn Bình Định)
- Điền dã, sưu tầm âm nhạc và múa dân gian dân tộc Hmông, Giáy, Dao tỉnh Hà Giang năm 2009 (Chủ nhiệm: Nguyễn Thủy Tiên)
* Công tác nghiên cứu:
Viện Âm nhạc tiếp tục hợp tác với nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc trong và ngoài nước tiến hành các công trình khoa học cấp cơ sở, trọng điểm cấp Bộ. Mục đích của các công trình ngoài việc đặt trọng tâm vào nghiên cứu khoa học còn hướng tới phục vụ xã hội, phục vụ đời sống cộng đồng.
* Các công trình cấp cơ sở:
- Giao hưởng một đời người của Nguyễn Thị Minh Châu (2007)
- Hà Nội trong hành trình 70 năm của Nguyễn Thị Minh Châu (2009)
* Công trình trọng điểm cấp Bộ:
- Cấu trúc bài bản một số thể loại dân ca người Việt vùng châu thổ sông Hồng do Lê Văn Toàn làm chủ nhiệm đề tài cùng nhiều tác giả (2009)
- Âm nhạc dân tộc học và vấn đề nghiên cứu đào tạo ở Việt Nam do Lê Văn Toàn làm chủ nhiệm đề tài cùng nhiều tác giả (2009)
- Xây dựng Hồ sơ quốc gia các di sản văn hóa phi vật thể để trình UNESCO
* Hồ sơ quốc gia Hát Ca trù:
Năm 2008, Viện Âm nhạc chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ quốc gia Hát Ca trù đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Công việc xây dựng Hồ sơ đã được Viện Âm nhạc chuẩn bị từ năm 2005. Viện Âm nhạc đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu tại 15 tỉnh thành có sinh hoạt Ca trù. Viện cũng đã tổ chức nhiều cuộc Tọa đàm về Ca trù với các tỉnh thành có di sản Hát Ca trù như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (từ 8/2005 - 3/2006); Hội thảo quốc tế Hát Ca trù người Việt (6/2006); Hội thảo Múa trong Ca trù (4/2008); Hội nghị Kiểm kê di sản văn hóa Ca trù (5/2008). Một số Liên hoan Ca trù cũng được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho cộng đồng tự giới thiệu và quảng bá văn hóa Ca trù như: Liên hoan Ca trù toàn quốc (2005), Đêm Ca trù toàn quốc (2006), Thi hát Ca trù toàn quốc và Đêm tôn vinh Ca trù (2007).
Sau thời gian dài làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tháng 3 năm 2009, Bộ Hồ sơ quốc gia Hát Ca trù bao gồm các tài liệu chính thức và phụ trợ theo yêu cầu của UNESCO đã được Viện Âm nhạc hoàn thiện, trình Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký phê duyệt và gửi tới UNESCO.
Ngày 01/10/2009, sau quá trình thẩm định khắt khe, di sản Hát Ca trù đã vinh dự được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
* Hồ sơ quốc gia Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam:
Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức giao cho Viện Âm nhạc phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ xây dựng Hồ sơ quốc gia Hát Xoan Phú Thọ đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật cần được bảo vệ khẩn cấp.
Cùng sự phối hợp chặt chẽ với ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, cán bộ Viện đã thực hiện các công việc: sưu tầm, điền dã, phỏng vấn nghệ nhân; sưu tầm, thống kê các đầu tư liệu, sách báo liên quan tới Hát Xoan; kiểm kê Hát Xoan (nghệ nhân, bài bản, múa, môi trường trình diễn.); phục dựng Hát Xoan thờ; tổ chức Đêm tôn vinh Hát Xoan Phú Thọ; các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế về Hát Xoan Phú Thọ.
Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào 11/2011.
* Công tác xuất bản:
* Thông báo khoa học (tiếng Việt và tiếng Anh):
Cuốn Thông báo khoa học của Viện tiếp tục là diễn đàn khoa học của các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Tin hoạt động âm nhạc của Viện, trong nước và quốc tế; những bản báo cáo sưu tầm điền dã của Viện, các công trình khoa học, các bài viết nghiên cứu, tham luận hội thảo, những trang tư liệu Hán-Nôm liên quan tới âm nhạc vẫn là nội dung chính của cuốn Thông báo khoa học. Năm 2010, Thông báo khoa học tròn 11 tuổi, với 31 số ra đời, Thông báo khoa học luôn nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của độc giả trong và ngoài nước.
* Các sản phẩm sách:
Trong 5 năm, Viện Âm nhạc vẫn luôn quan tâm đến việc xuất bản các ấn phẩm sách nhằm mục đích xã hội hóa các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học với tổng số 14 đầu sách:
- Đặng Hoành Loan (chủ biên): Đặc khảo Ca trù Việt Nam (tiếng Việt-tiếng Anh). Viện Âm nhạc, 2006.
- Bùi Đức Hạnh: 150 làn điệu Chèo cổ. Viện Âm nhạc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006.
- Nguyễn Thị Nhung: Phân tích tác phẩm âm nhạc, tập II. Viện Âm nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2006.
- Nguyễn Thị Nhung: Âm nhạc Việt Nam tác giả-tác phẩm, tập I. Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2006.
- Lê Văn Toàn: Âm nhạc Việt Nam tác giả-tác phẩm, tập II. Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2006.
- Nguyễn Thị Minh Châu: Âm nhạc Việt Nam tác giả-tác phẩm, tập III. Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2006.
- Phạm Tú Hương: Âm nhạc Việt Nam tác giả-tác phẩm, tập IV. Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2007.
- Vũ Tự Lân: Âm nhạc Việt Nam tác giả-tác phẩm, tập V. Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2009.
- Những tác phẩm giao hưởng Việt Nam từ tập I tới tập VI. Viện Âm nhạc, Nxb Văn hóa dân tộc, 2005-2009.
- Nguyễn Thị Minh Châu: Giao hưởng một đời người. Viện Âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2007.
- Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Hát Ca trù người Việt, (tiếng Việt-tiếng Anh). Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2008.
- Nguyễn Thị Minh Châu: Nhà phê bình âm nhạc Anh là ai? Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2008.
- Dương Viết Á: Mấy vấn đề văn hóa âm nhạc Việt Nam. Viện Âm nhạc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009.
- Nguyễn Thị Minh Châu: Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội. Viện Âm nhạc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009.
* Các sản phẩm băng đĩa:
Sản xuất các sản phẩm công nghệ cũng là một phần công việc không thể thiếu của Viện Âm nhạc hướng tới mục tiêu truyền bá nền âm nhạc dân tộc. Từ năm 2005 - 2010, Viện đã ra mắt được 20 đĩa CD và 18 đĩa DVD:
Các sản phẩm CD:
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, 2006
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Cao Bằng, 2006
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, 2006
- Âm nhạc dân tộc Hoa tỉnh Sóc Trăng, 2006
- Âm nhạc dân gian dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, 2007
- Âm nhạc dân gian dân tộc Khmer tỉnh An Giang, 2007
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Kon Tum, 2007
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Đăk Nông, 2007
- Âm nhạc các dân tộc tỉnh Quảng Bình, 2008
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên, 2008
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, 2008
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, 2008
- Âm nhạc các dân tộc tỉnh Phú Yên, 2008
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Nghệ An, 2009
- Âm nhạc Tài tử tỉnh Cà Mau, 2009
- Âm nhạc dân gian dân tộc Khơ me tỉnh Cà Mau, 2009
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Sơn La, 2009
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Hà Giang, 2009
-Âm nhạc làng bản Việt Nam (Vol 1, Vol 2), 2009
Các sản phẩm VCD, DVD:
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Lào Cai, 2006
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Hòa Bình, 2006
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Cao Bằng, 2006
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, 2006
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, 2006
- Âm nhạc và múa các dân tộc tỉnh Sóc Trăng, 2007
- Âm nhạc và múa dân gian dân tộc Khmer tỉnh An Giang, 2007
- Âm nhạc và múa dân gian các dân tộc tỉnh Kon Tum, 2007
- Âm nhạc dân gian các dân tộc tỉnh Đăk Nông, 2007
- Âm nhạc và múa các dân tộc tỉnh Quảng Bình, 2008
- Âm nhạc và múa dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên, 2008
- Âm nhạc và múa dân gian các dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, 2008
- Âm nhạc và múa dân gian các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, 2008
- Âm nhạc và múa các dân tộc tỉnh Phú Yên, 2008
- Âm nhạc và múa dân gian các dân tộc tỉnh Nghệ An, 2009
- Âm nhạc và múa các dân tộc tỉnh Cà Mau, 2009
- Âm nhạc và múa dân gian các dân tộc tỉnh Sơn La, 2009
- Âm nhạc và múa dân gian các dân tộc tỉnh Hà Giang, 2009
* Các chương trình hợp tác quốc tế:
- Năm 2005-2009: Viện Âm nhạc tham gia dự án "Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do quỹ SIDA (Thụy Điển) tài trợ với các hoạt động như khảo sát, điền dã, truyền dạy âm nhạc dân gian tại cộng đồng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn ở các tỉnh thành... Tháng 11/2009, Viện Âm nhạc đã tổ chức chương trình "Giao lưu âm nhạc truyền thống Việt Nam-Thụy Điển” tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Bảo tàng Dân tộc học kết thúc thành công dự án "Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững 2005-2009”. Chương trình có sự tham gia của 70 nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam thuộc các dân tộc đến từ 13 tỉnh thành cùng các nghệ sĩ Thụy Điển.
- Viện Âm nhạc hợp tác cùng các tổ chức văn hóa của Vương quốc Na Uy thực hiện một số hoạt động như: Chương trình biểu diễn Tài năng trẻ âm nhạc truyền thống Na Uy, Việt Nam, Ấn Độ (2005); Hội thảo quốc tế Bàn về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc (2007). Chương trình Sự chuyển đổi của Na Uy cũng đã tài trợ một phần kinh phí cho Viện Âm nhạc tổ chức hai Hội nghị chuyên đề của hai nhóm nghiên cứu ICTM tại Việt Nam (2010).
- Năm 2007: Viện Âm nhạc biểu diễn giao lưu cùng Đoàn nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc thuộc Hiệp hội Âm nhạc châu Á do giáo sư Chun In Pyong làm trưởng đoàn tại trụ sở Viện.
- Năm 2007: Viện Âm nhạc tham dự Hội nghị lần thứ 39 của Hội đồng âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) diễn ra tại Vienna (thủ đô nước Áo) với các tham luận: Âm nhạc Phật giáo ở Bắc Ninh (TS Lê Văn Toàn), Hát Trống quân ở Việt Nam xưa và nay (ThS. Phạm Minh Hương).
- Năm 2008: Viện Âm nhạc biểu diễn giao lưu cùng đoàn nghệ sĩ Nhật Bản Hagi- nobu tại trụ sở Viện nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
- Năm 2008: Viện Âm nhạc tham dự Hội thảo "Làn sóng Hàn quốc và âm nhạc châu Á” do Hội đồng âm nhạc châu Á của Hàn Quốc tổ chức tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, Hà Nội với các tham luận: Hệ thống ký âm trong âm nhạc cung đình Việt Nam (Ths Nguyễn Bình Định), Về một số nhạc khí phương Bắc du nhập Việt Nam (Ths Nguyễn Thủy Tiên).
- Năm 2009: Viện Âm nhạc tham dự Hội nghị lần thứ 40 của Hội đồng âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) diễn ra tại Durban (Cộng hòa Nam Phi) với các tham luận: Sự chuyển biến và hiện đại hóa một số làn điệu Quan họ trong các chương trình ca nhạc hiện nay ở Việt Nam (TS Lê Văn Toàn), Một số biến đổi trong nghệ thuật hát Ca trù xưa và nay (Ths Nguyễn Thủy Tiên).
- Năm 2010: Viện Âm nhạc hợp tác cùng Hội Những người bạn của Di sản Việt Nam (Friends of Vietnam Heritage) tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam đến người nước ngoài thông qua biểu diễn, thăm quan, du lịch, sách, báo, tài liệu, băng đĩa.
* Các hộI thảo khoa học:
Từ năm 2005 - 2010, Viện Âm nhạc đã tổ chức được rất nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế:
- Năm 2006: Hội thảo quốc tế "Hát Ca trù người Việt” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh với sự tham gia nhiệt tình của các nhà quản lý văn hóa, nghiên cứu nghệ thuật học Việt Nam cùng các học giả đến từ các nước như Anh, Pháp, Đức, Lào. Các tham luận tập trung đánh giá một cách khoa học những vấn đề về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật cùng các đề xuất về kế hoạch hành động quốc gia trong việc bảo tồn di sản Ca trù trong đời sống cộng đồng.
- Năm 2007: Hội thảo khoa học "Bàn về công tác thống kê vốn di sản âm nhạc cổ truyền Việt Nam và những vấn đề liên quan” phối hợp cùng Cục Di sản văn hóa tổ chức. Các tham luận xoay quanh những vấn đề: khái niệm về thống kê, kiểm kê, di sản, âm nhạc cổ truyền Việt Nam; kinh nghiệm điều tra âm nhạc cổ truyền qua những cuộc điền dã; tầm quan trọng của kho băng Viện Âm nhạc và những con số kiểm kê; ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm kê.
- Năm 2007: Tọa đàm "Học thuyết âm dương ngũ hành và quy luật tương ứng giữa ngôn ngữ tiếng Việt với dân ca dân tộc Việt và tâm sinh lý người Việt trong chương trình Liên kết tri thức trong nghiên cứu âm nhạc trước thách đố của thế kỷ XXI” do nhà nghiên cứu y học phương Đông - Lê Văn Sửu thuyết trình tại Viện Âm nhạc. Ông đã đưa người nghe đến với các vấn đề liên quan tới sự ra đời, nội dung của học thuyết âm dương ngũ hành; việc ứng dụng học thuyết vào nghiên cứu tính chất âm dương trong thanh điệu ngôn ngữ tiếng Việt; mối quan hệ giữa ngôn ngữ với việc biểu hiện tâm sinh lý con người và dân ca dân tộc Việt.
- Năm 2007: Tọa đàm Thư tịch cổ Hán-Nôm có lợi ích gì cho việc nghiên cứu âm nhạc Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán Nôm) trình bày tại Viện Âm nhạc. Nội dung buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề: khái quát về nguồn tư liệu Hán-Nôm; khai thác các tư liệu Hán-Nôm đưa vào nghiên cứu âm nhạc.
- Năm 2007: Hội thảo Bàn về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc phối hợp cùng Liên hoan âm nhạc đương đại Oslo (Ultima), Na Uy tổ chức tại Hà Nội. Các tham luận đưa ra những vấn đề như bản quyền âm nhạc Việt Nam trước xu thế hội nhập; thực trạng quyền tác giả hiện nay ở Việt Nam và các nước trên thế giới, quyền tác giả đối với âm nhạc dân gian.
- Năm 2008: Hội thảo khoa học Múa trong Ca trù tại Viện Âm nhạc. Nội dung chính của Hội thảo nhằm xác định tên gọi, tiêu chí phân loại các hình thức múa trong Ca trù, phương thức tổ chức phục hồi các hình thức múa trong Ca trù.
- Năm 2008: Hội nghị Kiểm kê di sản văn hóa Ca trù phối hợp với Cục Di sản Văn hóa tổ chức. Hội nghị đưa ra những tiêu chí kiểm kê và kế hoạch triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa Ca trù tại các tỉnh thành có Ca trù trong toàn quốc theo công ước bảo vệ di sản văn hóa của UNESCO.
- Năm 2008: Tọa đàm Nhạc phổ cổ trong lịch sử Trung Quốc và tình hình nghiên cứu do giáo sư Triệu Duy Bình, Học viện Âm nhạc Thượng Hải, Trung Quốc thuyết trình tại Viện Âm nhạc. Nhạc phổ cổ là dạng ký tự biểu đạt ngôn ngữ âm nhạc như cao độ, tiết tấu, các kỹ thuật diễn tấu, âm sắc của người Trung Quốc cổ đại và trung đại. Giáo sư Triệu Duy Bình đã đưa người nghe đến với lịch sử nhạc phổ cổ qua các thời đại và tình hình nghiên cứu nhạc phổ cổ tại Trung Quốc hiện nay.
- Năm 2008: Tọa đàm Trống đồng Việt Nam và những vấn đề liên quan do nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn thuyết trình.
- Năm 2009: Hội nghị Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Trung tâm Di sản văn hóa phi vật thể châu Á-Thái Bình Dương tổ chức. Đây là cơ hội để các nhà văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc chia sẻ những kinh nghiệm của quốc gia mình trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể.
- Năm 2009: Hội nghị Tổng kết công tác kiểm kê, bảo tồn di sản văn hóa Ca trù, phối hợp với Cục Di sản văn hóa tổ chức. Hội nghị tập trung vào các vấn đề: những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kiểm kê di sản văn hóa Ca trù tại địa phương; vai trò của các câu lạc bộ Ca trù trong quá trình thực hiện công tác kiểm kê; đề xuất các giải pháp để bảo tồn di sản Ca trù tại cộng đồng.
- Năm 2009: Hội thảo khoa học "Hát Xoan Phú Thọ” phối hợp cùng Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Hội thảo xoay quanh những vấn đề: nguồn gốc lịch sử; giá trị văn hóa, nghệ thuật của Hát Xoan; công bố các nguồn tư liệu đã được nghiên cứu; công tác khảo sát tại những làng có Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ và những tỉnh lân cận; thực trạng cùng các biện pháp phục hồi làm sống lại nghệ thuật Hát Xoan.
- Năm 2010: Hội thảo khoa học quốc tế Hát Xoan Phú Thọ phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế đến từ các nước Áo, Pháp, Đức, đảo Síp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào cùng các nhà khoa học Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực như âm nhạc, múa, văn hóa, lịch sử, Hán-Nôm. Các tham luận tập trung về những vấn đề: nguồn gốc, giá trị lịch sử của Hát Xoan; những đặc trưng nghệ thuật của Hát Xoan; các biện pháp, kế hoạch gìn giữ thể loại âm nhạc đặc sắc này của tỉnh Phú Thọ. Nhiều tham luận của các học giả nước ngoài đã so sánh Hát Xoan với dân ca nghi lễ vào đầu năm mới của nước bạn qua đó đưa ra những bài học kinh nghiệm để bảo tồn và gìn giữ Hát Xoan ở Việt Nam.
- Năm 2010, 74 đại biểu đến từ 29 quốc gia đã tụ họp tại Hà Nội để tham dự Hội nghị lần thứ 6 của nhóm nghiên cứu ICTM "Âm nhạc và các dân tộc thiểu số” và Hội nghị lần thứ 2 của nhóm nghiên cứu ICTM "Âm nhạc dân tộc học ứng dụng”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hai nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) cùng tổ chức hội nghị chuyên đề thường niên tại một quốc gia ngoài châu Âu. Viện Âm nhạc vinh dự được đăng cai tổ chức sự kiện khoa học lớn này với sự tài trợ của chương trình Sự chuyển đổi của Na Uy. Nhóm nghiên cứu ICTM "Âm nhạc và các dân tộc thiểu số” do bà Ursula Hemetek (Áo) làm chủ tịch đã làm việc trong 17 phiên họp với 44 tham luận, tập trung vào những vấn đề: Âm nhạc và các dân tộc thiểu số trong giáo dục; Các dân tộc thiểu số khác - những thách thức và thuyết trình; Vai trò của âm nhạc trong việc duy trì sự bền vững của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhóm nghiên cứu ICTM "Âm nhạc dân tộc học ứng dụng” do ông Svanibor Pettan (Slovenia) làm chủ tịch đã thảo luận trong 13 phiên họp với 30 tham luận về các chủ đề: lịch sử và những hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc học ứng dụng; nghệ thuật trình diễn và vấn đề bảo tồn; nghệ thuật trình diễn trong đối thoại, sự ủng hộ và giáo dục. Nước chủ nhà Việt Nam đóng góp 12 tham luận.
* HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA VIỆN ÂM NHẠC (2010-2015)
* Công tác sưu tầm:
* Các dự án phi vật thể (2010-2015)
- Dự án "Điền dã, sưu tầm nghệ thuật Đờn ca Tài tử tại huyện đảo Phú Quốc” (Chủ nhiệm dự án Ths. Nguyễn Hiền Đức)
- Dự án "Sưu tầm âm nhạc dân gian của dân tộc Thái, Lào ở tỉnh Sơn La, Điện Biên” (Chủ nhiệm dự án TS. Đỗ Thị Thanh Nhàn)
- Dự án "Sưu tầm và truyền dạy Ca trù cửa đình tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương” (Chủ nhiệm dự án Ths. Nguyễn Thuỷ Tiên)
- Dự án " Sưu tầm âm nhạc Hò Khoan tại huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình” ( Chủ nhiệm dự án PGS. TS. Nguyễn Bình Định)
- Dự án "Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca hai bè của dân tộc Nùng, tỉnh Cao Bằng” (Chủ nhiệm dự án Ths. Nguyễn Thuỷ Tiên)
* Công tác nghiên cứu:
Viện Âm nhạc tiếp tục hợp tác với nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc trong và ngoài nước tiến hành các công trình khoa học cấp cơ sở, trọng điểm cấp Bộ. Mục đích của các công trình ngoài việc đặt trọng tâm vào nghiên cứu khoa học còn hướng tới phục vụ xã hội, phục vụ đời sống cộng đồng.
* Các công trình cấp cơ sở:
- Trống quân Đức Bác của Ths. Phạm Minh Hương (2013)
- Ca trù trong các môi trường diễn xướng khác nhau của Ths. Nguyễn Thuỷ Tiên (2013)
- Hát văn thờ của Ths. Hồ Thị Hồng Dung (2013)
- Nhạc khí Đao của người Khơ Mú của Tạ Quang Động (2013).
* Công trình nghị định thư:
Tương đồng và khác biệt trong âm nhạc dân gian dân tộc Thái, Lào ở Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào” do PGS. TS. Lê Văn Toàn làm chủ nhiệm đề tài cùng nhiều tác giả (2012 - 2014)
* Xây dựng Hồ sơ quốc gia các di sản văn hóa phi vật thể để trình UNESCO.
- Hồ sơ quốc gia Đờn ca Tài tử Nam Bộ, Việt Nam:
Năm 2010, Bộ Văn hóa , Thể Thao và Du Lịch đã chính thức giao cho Viện Âm nhạc nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ quốc gia Đờn ca Tài tử Nam Bộ, Việt Nam đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhận được sự giúp đỡ kịp thời của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và sự cộng tác nhiêt tình của 21 tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Bộ hồ sơ quốc gia Đờn ca Tài tử Nam Bộ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại vào tháng 11 năm 2012.
- Hồ sơ quốc gia Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam:
Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch đã chính thức giao cho Viện Âm nhạc nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ quốc gia Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Viện Âm nhạc phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh có di sản Bài Chòi như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã hoàn thành công tác xây dựng hồ sơ và đệ trình vào tháng 3 năm 2015.
* Công tác xuất bản:
* Thông báo khoa học (tiếng Việt và tiếng Anh):
Năm 2015, Thông báo khoa học 16 tuổi, với 46 số ra đời. Năm 2014, tờ Thông báo khoa học của Viện Âm nhạc được nhận giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam
* Các sản phẩm sách:
- Kiểm kê Di sản nghệ thuật Đờn ca tài tử 2010. Viện Âm nhạc 2010 - NXB Hồng Đức
- Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế "Nghệ thuật Đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng”. Viện Âm nhạc 2011- NXB Hồng Đức.
- Đờn ca tài tử qua góc nhìn nghiên cứu. Viện Âm nhạc 2011
- Tài tử - Viết về Nghệ thuật Đờn ca tài tử Viện Âm nhạc 2011
- Trẩn Quý, Doãn Nho: Những tác phẩm giao hưởng, tập 7. Viện Âm nhạc - NXB Văn hóa dân tộc 2011
- Trung Kiên, Lược sử Opera. Viện Âm nhạc 2011
- Trẩn Quý: Tác phẩm giao hưởng Việt Nam - Lục bình tím. Viện Âm nhạc - NXB Văn hóa dân tộc 2011
- Doãn Nho: Tác phẩm giao hưởng Việt Nam - Chiến thắng. Viện Âm nhạc - NXB Văn hóa dân tộc 2011
- Hoàng Dương: Âm nhạc giao hưởng phương Tây. Học Viện ÂNQGVN - NXB Dân trí 2011
- Dương Viết Á: Hà Nội ca - Diễn trình nhận thức thẩm mỹ. Viện Âm nhạc 2014
- Kiểm kê Bài chòi Miền Trung Việt Nam 2014. Viện Âm nhạc 2015
- Kỷ yếu - Đào tạo ngành sáng tác trong giai đoạn hiện nay. Viện Âm nhạc 2014
-Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế " Nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam”. Viện Âm nhạc - Sở VHTTDL Bình Định 2015
- 130 nhạc cụ dân tộc trưng bày tại Viện Âm nhạc, Viện Âm nhạc 2015
* Các sản phẩm băng đĩa:
Sản phẩm CD:
- Đờn ca Tài tử Nam Bộ Việt Nam tuyển chọn (3 CD) (2014)
- Gánh tương tư (2014)
- Dạt nước cánh bèo (2015)
- Hai mươi bản tổ Đờn ca Tài tử (5CD) (2015)
- Hò chèo ghe (2015)
Sản phẩm DVD:
- Ca trù di sản văn hóa Việt Nam (phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh) (2013)
- Đờn ca Tài tử - Nhạc truyền thống Nam Bộ Việt Nam (phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh) (2014)
- Hò Chèo ghe và điệu nói thơ (2015)
* Các hội thảo khoa học:
- Năm 2011: Hội thảo khoa học quốc tế "Nghệ thuật Đờn ca Tài tử và những lối hoà đàn ngẫu hứng”, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Tới tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu âm nhạc đến từ Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Cộng hoà Síp cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hoá đến từ 21 tỉnh thành Việt Nam. Hội thảo đã đề cập về nguồn gốc, lịch sử, những đặc trưng nghệ thuật, các phương pháp bảo tồn, truyền bá và so sánh Đờn ca Tài tử với những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới.
- Năm 2013: Hội thảo khoa học "Then Tày, Nùng, Thái xưa và nay” được tổ chức tại hà Nội. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi xung quanh những vấn đề như: tên gọi của Then, lịch sử và nguồn gốc ra đời, địa bàn hoạt động Then tại mỗi tỉnh, các dòng Then, nghề Then, các hình thức sinh hoạt của Then,... những giải pháp để gìn giữ Then trong đời sống xã hội hiện nay.
- Năm 2014: Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam Bộ” với chủ đề "Di sản văn hóa - hội nhập và phát triển” được tổ chức với sự phối hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu. Tham dự buổi hội thảo là những nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành, những nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa đến từ Hà Nội và các tỉnh có di sản Đờn ca Tài tử.
- Năm 2014: Hội thảo khoa học "Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam, hiện trạng và vấn đề bảo tồn” được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến trao đổi, đánh giá một cách khoa học về nguồn gốc, đặc trưng nghệ thuật, sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật Bài chòi dân gian trong đời sống của nhân dân các tỉnh miền Trung.
- Năm 2014: Hội thảo quốc tế về "Đào tạo ngành Sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay” do Viện Âm nhạc phối hợp cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam hợp tác với dự án "Sự chuyển đổi” (Na Uy) tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của các nhạc sĩ, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và quốc tế như Hà Lan, Philippines, Na Uy, Lào, Liên bang Nga. Hội thảo nêu lên những bất cập còn tồn tại trong giảng dạy chuyên ngành tại Việt Nam, đồng thời tham khảo mô hình đạo tạo ở các nước bạn trên thế giới.
- Năm 2015: Hội thảo khoa học quốc tế "Nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới” được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học quốc tế đến từ các nước Pháp, Đức, Thụy Điển,Hàn Quốc, Lào cùng các nhà khoa học Việt Nam. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước chia sẻ những nghiên cứu, nhận định về Bài chòi dân gian Việt Nam.
- Năm 2015: Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang. Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học quốc tế đến từ Anh, Pháp, Malaysia, Thái Lan. Hội thảo tập trung trao đổi về những giá trị của di sản Then Tày, Nùng, Thái; đánh giá và đề xuất phương hướng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Then. Trao đổi những kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tương đồng tại các nước trong khu vực và trên thế giới.
* Các chương trình hợp tác quốc tế:
- Năm 2011: Viện Âm nhạc tham dự Hội nghị lần thứ 41 của Hội đồng âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) diễn ra tại Newfoundland (Canada) với các tham luận: Hát Xoan Phú Thọ (TS. Lê Văn Toàn), Hiphop Việt trong cuộc đối thoại với quá khứ (Ths. Nguyễn Thủy Tiên - Nguyễn Thị Minh Châu). Về một loại hình nghệ thuật diễn xướng nghi lễ truyền thống phía Bắc Việt Nam - sự phục hồi và biến chuyển trong đời sống đương đại (Ths. Phạm Minh Hương)
- Năm 2013: Viện Âm nhạc tham dự Hội nghị lần thứ 42 của Hội đồng âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) . Đoàn Viện Âm nhạc tham dự với 01 bộ phim dài 50 phút của Ths Nguyễn Thủy Tiên và Ths Phạm Minh Hương, 01 tham luận nhóm do nhà dân tộc nhạc học Trần Quang Hải và PGS. TS. Lê Văn Toàn đồng chủ trì. Phiên họp của đoàn Việt Nam gồm 03 tham luận của TS. Nguyễn Bình Định, TS. Đỗ Thị Thanh Nhàn, Ths. Hồ Thị Hồng Dung.
- Năm 2013 - 2014: Dự án hợp tác với tổ chức ICHCAP (Hàn Quốc) về "Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thông qua phục hồi và số hóa dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể ở Viện Âm nhạc”. Kết quả của dự án là các tư liệu quý hiếm về âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam sẽ được bảo tồn, lưu giữ với chất lượng tốt hơn, khai thác thuận lợi và hiệu quả hơn. Dự án hợp tác này là một biểu hiện tốt đẹp của tình đoàn kết, hiểu biết giữa nhân dân và Chính phủ hai nước Hàn Quốc, Việt Nam.
Năm 2015 Viện Âm nhạc phối hợp với Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ (ICHCAP) tổ chức Hội nghị tiểu vùng về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể khu vực Đông Nam Á năm 2015 với chủ đề "Phát triển mạng lưới tổ chức và hợp tác khu vực về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể” tại Viện Âm nhạc. Hội nghị có sự tham dự của gẩn 30 đại biểu là các nhà quản lý văn hóa, các chuyên gia văn hóa đến từ các nước: Bỉ, Úc, Hàn Quốc, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Phillipines, Thái Lan và Việt Nam.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã thống nhất được một số điểm đề xuất và kiến nghị để có thể thực hiện hiệu quả đề án phát triển mạng lưới tổ chức và hợp tác khu vực về việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
* Một số hoạt động khác:
Năm 2014: Liên hoan Ca trù toàn quốc đã diễn ra từ ngày 26 - 29/8/2014 tại Viện Âm nhạc. Với sự tham gia của 25 đơn vị đến từ 12 tỉnh thành phố có di sản văn hóa Ca trù. Nhiều tiết mục thể hiện rõ sự tìm tòi trong việc khai thác, khôi phục vốn cổ, sự công phu khổ luyện và niềm say mê của các nghệ sĩ đối với nghệ thuật Ca trù.
* Chương trình xúc tiến du lịch:
- Năm 2014, Viện Âm nhạc đã phối hợp với Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tiến hành sưu tầm điền dã, thu âm, quay phim Hò Chèo Ghe và điệu Nói thơ Bạc Liêu tại các huyện Hồng Dâu, Phước Long và khu vực thành phố Bạc Liêu. Bên cạnh việc thu thập tài liệu đưa vào lưu trũ, bảo tồn, các nghệ nhân đã lựa chọn những bài bản tiết mục đặc sắc truyền dạy lại cho các địa phương nhằm đưa hai loai hình dân ca này vào giới thiệu, quảng bá và phục vụ du lịch.
- Năm 2015, Viện Âm nhạc đã phối hợp với Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình tổ chức các lớp truyền dạy về một số loại hình di sản âm nhạc truyền thống Việt Nam.