Giải pháp nào cho việc văn bản hóa Âm nhạc cồng chiêng Tây nguyên
LÊ HẢI ĐĂNG
TÓM TẮT: Thực tế đã có nhiều tiến bộ trong việc lưu trữ nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên, từ ghi âm bằng các thiết bị điện tử, bảo tồn tư liệu âm thanh hình ảnh (động – tĩnh) cho đến văn bản hóa tín hiệu âm thanh trên khuông nhạc (đơn), tổng phổ... Trong đó, phương pháp ký âm trên 5 dòng kẻ được vận dụng khá phổ biến. Xét về tư duy phương pháp, chúng ta có thể dùng một phương pháp để giải quyết nhiều vấn đề, ngược lại có thể dùng nhiều phương pháp để giải quyết một vấn đề. Xuất phát từ tính chất đó, bài viết này đề xuất một số phương pháp ký âm khác nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, truyền dạy, đặc biệt hướng tới nhóm đối tượng không chuyên, như sinh viên ngành sư phạm hay học sinh các trường Dân tộc Nội trú..
.TỪ KHÓA: Văn bản hóa, âm nhạc cồng chiêng, Lê Hải Đăng
1. Mục đích
Sau khi “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhu cầu phổ biến, truyền dạy loại hình âm nhạc này nổi lên như một nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, ký âm là một công cụ quan trọng giúp người học ghi nhớ. Nó giống như nhiều loại hình âm nhạc trên thế giới nói chung, ký âm giúp cho người học dễ dàng ghi nhớ nghệ thuật âm thanh vốn vô hình thông qua hình thức văn bản hữu hình. Tính hai mặt của việc làm này đã được nhiều người chỉ ra, song ở đây tập trung đề cập mặt tích cực (ghi nhớ) nhằm mục đích lưu truyền, phổ biến văn hóa.
Trên thực tế, nhóm đối tượng của cồng chiêng Tây Nguyên có thể là bất kỳ ai, không nhất thiết phải có khả năng đọc bản nhạc trên 5 dòng kẻ. Đối với người học âm nhạc chuyên nghiệp, đọc nhạc là một kỹ năng bắt buộc, nhưng học sinh phổ thông, thậm chí giáo viên dạy trường Dân tộc Nội trú tham gia chương trình phổ biến, quảng bá nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên chưa chắc đã nắm chắc kỹ năng này. Thực tế ấy đẩy công việc phổ biến loại hình nghệ thuật cồng chiêng vào tình trạng thiếu biện pháp triển khai.
Như trên đã trình bày, việc văn bản hóa nghệ thuật cồng chiêng trong đa số trường hợp chủ yếu nhằm mục đích ghi nhớ. Và để ghi nhớ thì có nhiều cách khác nhau. Nhiều nền văn hóa âm nhạc trên thế giới vẫn áp dụng phương thức “truyền khẩu” sử dụng “khẩu quyết”, từ tượng thanh làm công cụ; có phương pháp không ghi âm mà chỉ ghi phương thức diễn tấu, như nghệ thuật diễn tấu đàn guitar Tây Ban Nha theo trường phái flamenco; có phương pháp triết trung, kết hợp nốt nhạc và ký hiệu chỉ dẫn (TAB); rồi có phương pháp lập bảng để “nhốt” âm thanh như hòa tấu Gamelan, Indonesia…
Lâu nay, chúng ta quen dùng phương pháp solfége ký âm hòa tấu cồng chiêng, gồm hai loại: khuông đơn và tổng phổ. Khuông đơn ghi cồng chiêng dưới dạng tuyến tính, chủ yếu phản ánh hình thái giai điệu; tổng phổ, gồm nhiều khuông nhạc liên kết với nhau phản ánh cấu trúc, tổ chức âm nhạc dưới dạng nhiều bè. Thực tế đó cho thấy, đối với khuông đơn dường như đã đơn giản hóa âm nhạc cồng chiêng. Người tiếp xúc văn bản dễ lầm tưởng hòa tấu cồng chiêng được trình bày dưới dạng nhạc khúc đơn điệu. Còn hình thức tổng phổ lại phức tạp hóa nghệ thuật hòa tấu cồng chiêng dễ dẫn tới coi mỗi khuông nhạc như một bè (phân phổ). Trong khi, nghệ thuật hòa tấu cồng chiêng áp dụng thủ pháp đan cài, cao độ của từng nhạc cụ (chiêng, cồng) đan xen nhau. Nó không có khả năng độc lập như âm nhạc nhiều bè, ngay cả khi tồn tại dưới dạng động cơ (motif). Ngoài ra, cao độ cố định của phương pháp ký âm trên 5 dòng kẻ tự thân đã làm sai lạc chỉ báo âm thanh cồng, chiêng. Bởi vậy, trong thực tiễn người ký âm phải sử dụng thêm nhiều tính từ mô tả, như cao hơn, thấp hơn, rồi cao hơn ¼ cung… Trong trường hợp chúng ta tin vào các kết quả này thì cũng đã không đúng hoàn toàn với thực thể âm thanh của cồng chiêng.
2. Nhận diện đặc trưng
Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên thuộc loại hình hòa tấu khí nhạc, trong đó mỗi nhạc khí (cồng hoặc chiêng) là một đơn nguyên đóng vai trò thành viên tham gia vào tổ hợp chung. Ở hòa tấu âm nhạc cồng chiêng, mỗi chiếc cồng hoặc chiêng (đơn nguyên) đều không có khả năng diễn tấu độc lập, nếu làm phép tối giản, chỉ có chiếc cồng (hoặc chiêng) đóng vai trò giữ nhịp thể hiện dưới dạng nhịp điệu đồng độ mới có thể tách ra trở thành đơn vị độc lập (tương đối) trong chiều hướng tạo ra một mạch động (nhịp) nhằm duy trì trạng thái bình ổn, còn tất cả thành viên khác đều phải dựa vào nhau để kết nên tổng thể chung. Như vậy, cồng chiêng Tây Nguyên không giống âm nhạc phức điệu hay chủ điệu, cũng không phải loại hình âm nhạc đơn điệu mà đường tuyến giai điệu hình thành từ một nhạc khí solo. Vậy, hòa tấu cồng chiêng Tây Nguyên thuộc dạng gì? Trong bài: “Phương thức làm việc nhóm và thủ pháp nghệ thuật đan cài trong nghệ thuật hòa tấu cồng chiêng” đăng trên tạp chí Giáo dục Âm nhạc số 1 (117) năm 2020, tôi đã có dịp giới thiệu đặc trưng căn bản của nghệ thuật hòa tấu cồng chiêng Tây Nguyên, đó là thủ pháp đan cài. Thủ pháp này thực hiện trên cơ sở tương tác giữa các thành viên, trong đó, giai điệu có thể hình thành từ một điểm rồi lan sang điểm khác. Có nghĩa là, trong hòa tấu cồng chiêng, không ai sở hữu một cấu trúc âm nhạc hoàn chỉnh, có khả năng độc lập (ngoại trừ chiếc cồng giữ nhịp như vừa giới thiệu). Điều này cũng dễ hiểu, vì mỗi thành viên tham gia hòa tấu cồng chiêng chỉ sử dụng một chiếc tương ứng với một cao độ mà thôi.
3. Cách thức ký âm
Lấy ý tưởng từ cách ký âm nhạc Flamenco dưới dạng Tab ở đàn guitare, nhạc Gamelan, Indonesia dưới dạng sơ đồ, tôi thử đề xuất hai cách ký âm liên quan nhằm văn bản hóa nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên. Đề xuất này có thể chưa suy xét thấu đáo, cẩn trọng, cần cải thiện nhằm nâng cao tính khả thi.
3.1 Ghi theo dạng chỉ dẫn (Tab)
Xuất phát từ thực tiễn, cả hai dạng thức ký âm bằng Tab và sơ đồ không đòi hỏi người học phải có nền tảng âm nhạc chuyên sâu hoặc chí ít là kỹ năng đọc bản nhạc trên 5 dòng kẻ hay tổng phổ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều người chơi đàn nghiệp dư lựa chọn loại văn bản Tab nhằm tiếp cận đàn guitar. Tab viết tắt từ chữ Tablature, một dạng văn bản chỉ dẫn cách thức diễn tấu được dùng phổ biến cho đàn guitar.
Ví dụ1:
Ví dụ trên đây minh họa cách thức tạo hợp âm La thứ ở thế tay 1 của đàn guitar. Theo đó, 6 hàng kẻ dọc nhằm chỉ sáu sợi dây đàn, thứ tự từ phải qua trái gồm các dây: Mi – Si – Sol – Re - La – Mi. Hàng ngang từ trên xuống nhằm chỉ các thế tay (phím bấm). Các số thứ tự 1, 2, 3 tương ứng với ngón trỏ, giữa, áp út của bàn tay bấm (trái). Dấu X là vị trí âm La (chủ âm).
Qua hướng dẫn trên, người đàn chỉ cần bấm vào vị trí các điểm đàn (ký hiệu bằng hình ô vuông bôi đen) bằng ngón 2, 3,1 (ngón giữa, áp út và ngón trỏ) kết hợp với bàn tay (phải) kích âm có thể tạo nên hợp âm La thứ. Còn hợp âm La thứ diễn tấu như thế nào, theo âm hình tiết tấu hay tiết điệu gì lại thuộc phương diện khác. Xét về tính ứng dụng, cách ký âm này rất tiện ích. Nó loại bỏ tất cả nội dung liên quan đến lý thuyết âm nhạc, như cao độ, trường độ, tiết tấu… thể hiện trên khuông nhạc. Ví dụ trên mới dừng lại ở cách tạo hợp âm, đối với đường nét giai điệu, dựa vào nguyên tắc này có thể mở rộng quy mô thành tác phẩm độc tấu.
Ví dụ2:
Ví dụ trên kết hợp hai lối ký âm (Solfége và Tab) sắp xếp đối xứng nhau. Hiện nay, nhiều phần mềm chép nhạc chuyên dụng (như Guitar Pro, Sibelius…) đều có chức năng chuyển đổi bản nhạc từ dạng 5 dòng kẻ sang Tab hoặc cùng lúc gộp chung cả hai phương pháp (ký âm). Nếu so sánh hai phương pháp ký âm Solfége và Tab có thể nhận thấy sự khác biệt ở chỗ, phương pháp Solfége hướng tới cung cấp những chỉ báo liên quan đến cao độ, trường độ… của âm thanh, còn Tab nhằm định dạng vị trí ngón tay (trái) trên phím đàn. Hạn chế của nó là khó phán đoán hiệu quả âm thanh thực tế với cách thức chỉ dẫn thiên về kỹ thuật sắp xếp ngón tay (trái). Ngược lại, với phương pháp này, người tiếp xúc rất dễ thực hành trên nhạc cụ mà không cần nắm chắc kỹ năng đọc bản nhạc 5 dòng kẻ, chỉ cần nhìn vào vị trí các điểm đàn biểu thị trên 6 dòng kẻ, tương ứng với 6 sợi dây đàn (guitar) là có thể diễn tấu với sự hỗ trợ của tư liệu âm thanh hình ảnh hoặc giáo viên, người hướng dẫn...
Khác ví dụ trước, số thứ tự ở ví dụ trên nhằm chỉ thế tay (chứ không phải ngón tay), số 0 là dây buông, dấu X biểu thị kỹ thuật ngắt âm. Nếu cùng một số thứ tự xuất hiện trên hai hay nhiều điểm đàn nhằm thể hiện song âm hoặc đa (hợp) âm. Cách ký âm này thật sự phù hợp với nghệ thuật hòa tấu cồng chiêng Tây Nguyên khi mỗi nhạc cụ (cồng hoặc chiêng) chỉ có một cao độ. Nếu một dàn cồng chiêng biên chế 6 chiếc, mỗi chiếc sẽ tương ứng với vị trí một cao độ nằm trên từng dòng kẻ, thay vì dùng tới 5 dòng kẻ (một khuông nhạc), nhưng chỉ xuất hiện một cao độ hoặc tổng phổ dưới dạng nhiều khuông nhạc.
Ví dụ 3:
Trên đây là một bài hòa tấu chiêng với biên chế 6 chiếc, nếu chuyển cách ký âm sang Tab có dạng sau:
Ví dụ 4:
Cần lưu ý thêm, khi quan sát văn bản có thể thấy cách ký âm trên khá rắc rối, song vận dụng vào thực tiễn, kết quả không hoàn toàn như vậy. Chưa kể, chúng ta có thể điều chỉnh hình ảnh văn bản giúp thị giác dễ quan sát, nắm bắt đối tượng, như: phóng to dòng kẻ, dùng màu sắc phân biệt các chiêng, cồng… Nói chung, phương pháp ghi âm dạng Tab đã nhận được sự lựa chọn của rất nhiều người chơi đàn nghiệp dư, đặc biệt với phong cách Flamenco.
Ví dụ 5:
Cách ký âm trên kết hợp hai phương pháp Solfege và Tab. Đối với Tab được ghi theo nguyên tắc chung, 6 dòng kẻ tương ứng với 6 sợi dây đàn (guitar), số thứ tự 0 chỉ dây buông, 1, 2, 3, 4, 5… chỉ thế tay và trong rất nhiều tình huống, các âm được xếp chồng lên nhau (hợp âm). So với Flamenco, hòa tấu cồng chiêng không cần quan tâm đến thế tay (biểu thị bằng số thứ tự) mà chỉ cần thể hiện các điểm kích âm mà thôi.
3.2 Ghi theo dạng sơ đồ
Một phương pháp khác có dạng sơ đồ (biểu mẫu) dùng cho hòa tấu Gamelan, Indonesia…
Ví dụ 6:
Ví dụ trên dẫn nguồn từ cuốn “Kotekan và Taksu – âm nhạc và xã hội Bali qua nghiên cứu trường hợp trung tâm Kecak” của tác giả Lý Tịnh Huệ, Đài Loan. Cách ghi chép này giống như một bảng thống kê. Đối với người quen đọc nốt trên khuông nhạc thật khó thể hình dung hiệu quả âm thanh của nó. Song, đó không phải là vấn đề, vì kể cả khi đã văn bản hóa cồng, chiêng Tây Nguyên bằng hình thức ký âm trên 5 dòng kẻ thì cao độ thực tế cũng không giống như những gì thể hiện, thậm chí còn gây ngộ nhận. Hòa tấu Gamelan hay cồng chiêng Tây Nguyên đều dựa trên nền tảng âm hình tiết tấu, hệ thống cao độ tuyệt đối, nên khi sử dụng nhạc cụ đúng hay phục dựng nhờ các thông số chính xác hoàn toàn có thể tái tạo hiệu quả âm thanh.
Ví dụ 7:
Bài chiêng trên chuyển sang âm hình tiết tấu có dạng sau:
Ví dụ 8:
Ở dạng sơ đồ (ví dụ 7), các điểm kích âm được biểu thị bằng dấu X nằm trong ô vuông liên kết với nhau theo hai trục ngang và dọc. Nhược điểm của phương pháp sơ đồ hóa là không thể hiện được âm hình tiết tấu. Nó cần được bổ sung bằng tư liệu vang hoặc tư liệu âm thanh, hình ảnh động, cũng như đòi hỏi có sự hỗ trợ cần thiết của người hướng dẫn, không loại trừ khả năng bổ sung các chỉ báo liên quan đến âm hình tiết tấu, tần số (phản ánh cao độ của nhạc cụ). Phương pháp ký âm trên hướng tới nhóm đối tượng nghiệp dư với sự hướng dẫn của giáo viên, nghệ nhân cùng tư liệu âm thanh - hình ảnh hỗ trợ.
Phương pháp ký âm thông qua sơ đồ giúp thực hành âm nhạc diễn ra dễ dàng. Ngoài ra, nhìn vào sơ đồ để diễn tấu cồng chiêng không chỉ giúp cho việc ghi nhớ mà còn thấy được thủ pháp (cách thức) kết hợp của các cồng, chiêng trong tổng thể chung. Trên cơ sở lắp ghép cơ học giữa các nhạc cụ, kết hợp với sự chỉ dẫn của tư liệu âm thanh, hình ảnh cũng như người hướng dẫn, hiệu quả âm thanh cuối cùng sẽ được thể hiện qua cách các đơn nguyên (từng chiếc cồng, chiêng) tương tác với nhau.
Nhằm tránh việc đặt cao độ cồng chiêng lên hệ thống 5 dòng kẻ để mặc định âm thanh tương ứng, có thể bổ sung thêm chỉ số cao độ (bằng tần số âm thanh) cùng các thông số khác liên quan. Trong trường hợp gặp khó khăn khi đo cao độ cồng, chiêng do sản sinh nhiều tạp âm có thể sử dụng biện pháp thay thế bằng cách dùng những công cụ (phương tiện, nhạc cụ) phỏng theo âm sắc cồng, chiêng, như chinh Kor, chinh K’ram… của người Ê đê chẳng hạn. Chúng chính là những nhạc cụ làm bằng ống lồ ô phỏng theo cao độ với biên chế, cách thức diễn tấu của cồng, chiêng. Đây là biện pháp lấy tham số đối chiếu, hiểu là việc sử dụng công cụ khác (hoặc trung gian) để “nhốt” cao độ cồng, chiêng. Có thể hình dung việc làm này giống như cách mà con người đã tạo ra chiếc “thanh mẫu” (âm thoa). Âm thoa tuy không phải nhạc cụ diễn tấu, nhưng giúp lưu giữ thanh mẫu. Người Trung Hoa xưa từng sử dụng ống sáo ngọc lưu trữ âm “hoàng chung”, một hình thức chuẩn hóa cao độ cố định. Ngoài ra, các loại cồng, chiêng làm bằng chất liệu tre, nứa… đều có khả năng thay thế cồng chiêng. Đối với các cơ sở giáo dục thiếu trang thiết bị, nhạc cụ học tập có thể sử dụng phương tiện này thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.
4. Kết luận
Như trên đã trình bày, cách ký âm hòa tấu cồng chiêng bằng 5 dòng kẻ chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu người làm công tác nghiên cứu. Đối với người nghiên cứu, cách thức nào giúp hình dung một cách chân xác, trung thực đối tượng thì vận dụng. Trên thực tế, cao độ phản ánh trên 5 dòng kẻ chưa cho kết quả đúng, thậm chí còn gây ngộ nhận. Bởi vậy, đi kèm với cao độ người sử dụng phải bổ sung thêm những tính từ, như: cao hơn, thấp hơn, cao hơn ¼ cung… thậm chí non, già vốn áp dụng trong âm nhạc cổ truyền. Nếu thực sự cần thiết, nên cung cấp chỉ số cao độ (dao động) từng chiếc chiêng ghi trên bảng sơ đồ. Trên cơ sở bảng biểu, bổ sung thêm nhiều chỉ số liên quan khác, như kích cỡ cồng, chiêng (chu vi, đường kính), chất liệu hoặc những khảo tả Dân tộc học…
Từ đặc trưng của nghệ thuật hòa tấu cồng chiêng đặt ra cách thức “mã hóa” trên văn bản nhằm phản ánh tình hình thực tế cũng như dễ dàng thực thi trong công tác truyền dạy. Mọi phương pháp đều nhằm thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng. Việc sử dụng ký âm trên 5 dòng kẻ tuy đã thành thói quen của người nghiên cứu, nhưng phương pháp này nếu không cẩn trọng rất dễ cho ra kết quả sai. Nên nhớ, phương pháp ký âm, văn bản hóa một hiện tượng âm nhạc có nhiều, nhưng thực thể âm thanh mới là đối tượng tiếp cận. Chúng ta đừng nên “chấp” vào một phương pháp ký âm. Nó cũng giống như các hình thức văn bản khác, âm nhạc mới là ngôn ngữ thể hiện sự đa dạng trong các truyền thống văn hóa. Vì vậy, không nên dừng lại ở một phương pháp ký âm (trên 5 dòng kẻ), đồng thời càng không thể trói buộc vào một tư duy phương pháp. Ý tưởng đề xuất phương pháp ký âm ở bài viết này không nhằm mục đích thay thế các phương pháp khác mà bổ sung thêm về mặt phương pháp.