Sưu tầm một số thể loại âm nhạc dân gian của các dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú ở tỉnh Điện Biên
Điện Biên là tỉnh nằm ở vùng núi Tây Bắc. Mảnh đất này là nơi hội tụ của 19 dân tộc thiểu số cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống riêng, mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Tháng 10/2023, Viện Âm nhạc đã tổ chức chuyến sưu tầm điền dã, thu thanh và ghi hình một số thể loại âm nhạc dân gian của các dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú ở các huyện Mường Chà, Mường Ảng và thành phố Điện Biên.
Người Mông ở Điện Biên chia thành 5 ngành: Mông trắng (Môngz Đơư), Mông Hoa (Môngz Lênhs), Mông đỏ (Môngz Si), Mông Đen (Môngz Đuz), Mông Xanh (Môngz Dua). Ở bản Nậm Chan 2 thuộc xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng hiện nay có 398 người Mông Đen sinh sống . Đây là vùng núi cao hiểm trở, đường giao thông đi lại chưa thuận tiện, nên có thể nói Nậm Chan là một trong số rất ít những địa điểm hiện vẫn còn lưu giữ được đậm đặc bản sắc văn hóa của người Mông Đen. Tại đây, đoàn cán bộ Viện Âm nhạc đã sưu tầm, thu thanh và ghi hình được các bài nhạc kềnh, các loại sáo (sáo ngang, sáo dọc), kèn lá, một số bài Hát ru, hát tâm sự… Đặc biệt, hiện nay người Mông Đen ở Nậm Chan vẫn còn lưu giữ được lối hát ống - hai người ở hai đầu hát giao duyên thông qua hai ống tre nối với nhau bằng sợi dây dài.
Người Thái ở Điện Biên có loại hình sinh hoạt Hạn Khuống - một lối sinh hoạt hát giao duyên độc đáo. Ngày nay loại hình sinh hoạt này rất ít được tổ chức. Viện Âm nhạc đã tổ chức thu thanh, ghi hình các bài bản của một đêm sinh hoạt Hạn Khuống và một số bài nhạc do tính tẩu, các loại pí (sáo), nhị… độc tấu trong các nghi lễ và sinh hoạt giải trí hàng ngày của người Tái nơi đây.
So với người Mông và người Thái, người Khơ Mú ở Điện Biên có số dân ít hơn. Ngày nay nhiều loại hình sinh hoạt âm nhạc dân gian của người Khơ Mú đã bị hòa lẫn với âm nhạc của người Kinh và người Tái, và đang có chiều hướng bị mai một nhanh chóng. Trong đợt sưu tầm lần này, Viện Âm nhạc đã thu thanh và ghi hình được một số ít bài dân ca thuộc làn điệu hát Tơm - một điệu hát tự sự dùng trong nhiều không gian sinh hoạt khác nhau như hát ở trong nhà, ngoài nương…; các điệu múa như múa tăm đao, múa tệ khriệp (múa sạp) của người Khơ Mú ở Điện Biên.
So với người Mông và người Tái, người Khơ Mú ở Điện Biên có số dân ít hơn. Ngày nay nhiều loại hình sinh hoạt âm nhạc dân gian của người Khơ Mú đã bị hòa lẫn với âm nhạc của người Kinh và người Tái, và đang có chiều hướng bị mai một nhanh chóng. Trong đợt sưu tầm lần này, Viện Âm nhạc đã thu thanh và ghi hình được một số ít bài dân ca thuộc làn điệu hát Tơm - một điệu hát tự sự dùng trong nhiều không gian sinh hoạt khác nhau như hát ở trong nhà, ngoài nương…; các điệu múa như múa tăm đao, múa tệ khriệp (múa sạp) của người Khơ Mú ở Điện Biên .
NGUYỄN THỦY TIÊN