Báo cáo kết quả kiểm kê di sản Mo Mường năm 2023
Căn cứ vào tờ trình số 74/Ttr-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và công văn số 3056/BVHTTDL-DSVH về việc xây dựng hồ sơ Mo Mường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình phối hợp với Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (đơn vị tư vấn lập hồ sơ) cùng các cơ quan chức năng, các địa phương có di sản Mo Mường tổ chức xây dựng Hồ sơ quốc gia Mo Mường Việt Nam đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Một trong những mảng nội dung quan trọng, cần thiết cho việc xây dựng hồ sơ chính là kết quả kiểm kê Di sản Mo Mường tại 07 tỉnh có di sản, đó là:
- Đắk Lắk
- Hà Nội
- Hòa Bình
- Ninh Bình
- Phú Thọ
- Sơn La
- Thanh Hóa
Để tiến hành công tác kiểm kê một cách có hiệu quả, Viện Âm nhạc đã thực hiện các công việc chuẩn bị cần thiết, bao gồm:
- Sau khi tham gia tìm hiểu, tổng hợp ý kiến của một số nghệ nhân đang thực hành di sản tại cộng đồng, các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Mo Mường, Viện Âm nhạc đã xây dựng bộ phiếu kiểm kê gồm 7 mẫu biểu.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ nghiệp vụ của các tỉnh về nội dung cũng như phương cách kiểm kê di sản Mo Mường tại địa phương.
Toàn bộ số liệu kết quả kiểm kê di sản Mo Mường tại các địa phương đều được gửi về Tiểu ban Kiểm kê Di sản Mo Mường của Viện Âm nhạc thẩm định và tổng hợp số liệu cuối cùng để báo cáo.
I. Nội dung kiểm kê di sản Mo Mường
Sau quá trình, Viện Âm nhạc đã xây dựng 06 mẫu biếu kiểm kê di sản Mo Mường tại các địa phương và 01 mẫu biểu kiểm kê tại kho lưu trữ Viện Âm nhạc như sau:
1. Mẫu 1: “Nghệ nhân Mo Mường”
Đối tượng kiểm kê của mẫu 1 là các nghệ nhân Mo Mường (thầy Mo) - những người có căn số, được người dân địa phương tin tưởng trao cho nhiệm vụ thực hành các nghi lễ tín ngưỡng có tên gọi “Mo” (đặc biệt quan tâm đến các thầy Mo có thể thuộc và thực hiện được đầy đủ các roóng Mo trong nghi lễ Mo tang ma và có truyền thống gia đình nhiều đời làm Mo).
Nội dung cần kê khai trong mẫu 1 bao gồm: tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, truyền thống làm Mo của gia đình (có hay không, nếu có thì có bao nhiêu nổ Thánh Thư/Thiên Thư), số năm làm nghề Mo, số lượng nghi lễ Mo tang ma đã thực hiện, số lượng và tên các roóng Mo biết, thuộc và thực hành được, hiện vật trong túi khót được thầy Mo hay dùng khi thực hành lễ (miêu tả, lý do, câu chuyện xung quanh các hiện vật đó…), số lượng học trò theo học….
- Mẫu 1A: “Các nghệ nhân Mo Mường bậc thầy”:
Về nội dung, mẫu 1A tương tự như Mẫu 1 “Nghệ nhân Mo Mường”. Đây là mẫu xác định lại danh xưng “bậc thầy”, do cộng đồng lựa chọn dựa trên tiêu chí dành cho các nghệ nhân Mo hiện nay còn thuộc và có thể thực hành đầy đủ/ hoặc gần như đầy đủ tiến trình và nội dung các phần Mo trong một lễ tang truyền thống xưa.
2. Mẫu 2 - "Người tham gia thực hành nghi lễ tang ma của dân tộc Mường" (không phải là thầy Mo)
Trong quá trình thực hành nghi lễ tang ma của dân tộc Mường, ngoài thầy Mo, còn có sự tham gia của đội nhạc, đôi khi có cả thầy Clượng (Clượng còn gọi là thầy Trượng) hoặc đội múa chuyên trách (không phải là con gái hay con dâu của nhà tang chủ). Đây chính là những đối tượng kiểm kê của mẫu 2.
Nội dung cần kê khai trong mẫu 2 - “Người tham gia thực hành nghi lễ tang ma của dân tộc Mường” bao gồm: tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, vai trò gì khi thực hành nghi lễ, gia đình có truyền thống làm nghề không, số năm làm nghề, số lượng nghi lễ đã thực hành, số lượng học trò….
3. Mẫu 3 - “Các nghi lễ tín ngưỡng có tên gọi ‘Mo’ tại địa phương”
Ngoài tang ma là nghi lễ do thầy Mo thực hiện chính, ở một số địa phương, nhiều nghi lễ tín ngưỡng khác trong đời sống cũng được người dân gọi là “Mo” như Mo vía, Mo Mát nhà… Các nghi lễ này có thể do thầy Mo hoặc không phải thầy Mo mà là thầy Clượng thực hiện hoặc là thầy Mo thực hiện trong vai trò của thầy Clượng do có cả 2 nổ Mo và Clượng… Do đó, đối tượng kiểm kê của mẫu 3 là những nghi lễ tín ngưỡng (bao gồm cả tang ma) được người dân trong cộng đồng gọi là “Mo” đã từng/vẫn đang được thực hành tại địa phương.
Nội dung cần kê khai trong mẫu 3 - “Các nghi lễ tín ngưỡng có tên gọi ‘Mo’ tại địa phương” bao gồm: tên nghi lễ, địa phương thực hành lễ, mục đích làm lễ, thời điểm/thời gian làm lễ (làm lễ khi nào/dịp nào?, nghi lễ được diễn ra trong bao nhiêu lâu?), không gian làm lễ, người thực hiện nghi lễ (thầy Mo/thầy Mo trong vai trò thầy Clượng/thầy Clượng hay thầy Mỡi), nghi lễ có vẫn đang được thực hành thường xuyên không? Hay ít được thực hành/có được thực hành nhưng không còn đầy đủ nội dung? Hoặc đã từng được thực hành nhưng nay không còn nữa…
4. Mẫu 4 - “Hiện vật liên quan đến Mo Mường”
Đối tượng kiểm kê của mẫu 4 là các hiện vật có liên quan đến thầy Mo và được sử dụng trong nghi lễ tang ma của người Mường hiện tìm được tại địa phương.
Nội dung kê khai của mẫu 4 - “Hiện vật liên quan đến di sản Mo Mường” bao gồm: tên/địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân đang lưu trữ các hiện vật, nguồn gốc các hiện vật, tên gọi/loại hình/số lượng các hiện vật.
5. Mẫu 5 - “Tư liệu liên quan đến Mo Mường”
Đối tượng của mẫu 5 là các tư liệu liên quan đến di sản Mo Mường, bao gồm cả dạng tư liệu văn bản (sách, báo, tạp chí, kỷ yếu hộ thảo, các tài liệu chép tay, v.v..) và dạng tư liệu nghe nhìn (băng, đĩa, file mềm, ảnh…).
Nội dung kê khai của mẫu 5 – “Tư liệu liên quan đến Mo Mường” bao gồm: tên tư liệu, tên tác giả, dạng tư liệu, số trang/dung lượng tư liệu, năm xuất bản/ấn hành, nhà xuất bản/nơi ấn hành (nếu có), nơi lưu giữ, người lưu giữ, địa chỉ/số điện thoại.
6. Mẫu 06: “Kiểm kê các tư liệu có liên quan đến di sản Mo Mường tại kho lưu trữ Viện Âm nhạc”
Ngoài các phần kiểm kê do các tỉnh thành thực hiện, Viện Âm nhạc cũng tiến hành kiểm kê các tư liệu âm thanh, hình ảnh, tư liệu viết liên quan đến di sản Mo Mường hiện đang lưu trữ tại kho tư liệu Viện Âm nhạc. Mẫu biểu này được xây dựng dành cho việc kiểm kê hệ thống tư liệu của Viện bao gồm băng đĩa âm thanh, hình ảnh, tư liệu sách và các bài báo viết về Mo Mường.
II. Kết quả kiểm kê
1. Về số liệu kiểm kê tại các địa phương
Việc kiểm kê di sản Mo Mường được một số tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2021, tiếp tục cập nhật số liệu năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Các số liệu kiểm kê di sản Mo Mường của các tỉnh được tiểu ban Kiểm kê của Viện Âm nhạc hệ thống lại trong bảng "Tổng hợp kiểm kê di sản Mo Mường" sau khi đã rà soát lại và loại trừ những phần kê khai thiếu nhiều thông tin, sai cột mục và không hợp lý.
Mặc dù Viện Âm nhạc cũng như các địa phương đã có những nỗ lực trong việc thực hiện công tác kiểm kê di sản Mo Mường, song vì những nguyên do khách quan cũng như chủ quan, chất lượng kiểm kê di sản ở các tỉnh không được đồng đều và đạt hiệu quả như mong đợi. Mẫu 2 của tỉnh Hòa Bình chỉ gửi kết quả kiểm kê của 03 huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; Hà Nội không gửi kết quả kiểm kê của Mẫu 2, Đắk Lắk không có kết quả kiểm kê của mẫu 5. Kết quả kiểm kê được đưa ra ở đây là những tổng kết bước đầu để nhận diện một cách tổng thể diện mạo thực trạng của di sản Mo Mường hiện nay đều dựa trên số liệu do các địa phương cung cấp.
• Mẫu 1: "Nghệ nhân Mo Mường" và mẫu 1A “Các nghệ nhân Mo Mường bậc thầy”
* Tỉnh ĐẮK LẮK:
Theo báo cáo, Đắk Lắk triển khai công tác kiểm kê di sản Mo Mường tại: thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’leo, huyện Ea Kar, huyện Krông Năng, huyện Krông Bông.
Tổng số nghệ nhân làm Mo ở Đắk Lắk có 12 người.
- Nam: 12 người
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 04 người
+ Từ 60 - 80 tuổi: 08 người
Trong số 12 người có 01 nghệ nhân bậc thầy uy tín và được cộng đồng công nhận là ông Bùi Văn Thành sinh năm 1971 ở thôn 2 xã Hòà Thắng có 32 năm thực hành, ông thuộc hầu hết các bài Mo và ước tính thực hiện được 200 lễ.
* Thành phố HÀ NỘI:
Theo báo cáo, Hà Nội triển khai công tác kiểm kê di sản Mo Mường tại 3 huyện: Quốc Oai, Thạch Thất và Ba Vì.
Tổng số nghệ nhân làm Mo ở Hà Nội có 06 người.
- Nam: 05 người
- Nữ: 01 người
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 03 người
+ Từ 60 - 80 tuổi: 01 người
+ Trên 80 tuổi: 02 người
Trong số 06 nghệ nhân, có 2 thầy Mo được cộng đồng công nhận là Nghệ nhân Mo bậc thầy đó là :
+ Thầy Mo Bùi Phát Tường (sinh năm 1940), ở thôn Đồng Chay, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì là người cao tuổi nhất, gia đình có 9 đời làm Mo và có 15 năm thực hành nghề Mo và là thầy Mo được cộng đồng công nhận là Mo bậc thầy.
+ Bà Mo Nguyễn Thị Bí (sinh năm 1951) là một trong hai thầy Mo duy nhất trên cả nước là nữ giới. Trong cộng đồng Mường ở Hà Nội, bà đã tham gia làm Mo cho 2400 đám tang.
* Tỉnh HÒA BÌNH:
Tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm kê di sản Mo tại thành phố Hòa Bình và các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc và Yên Thủy.
Tổng số nghệ nhân làm Mo trên toàn tỉnh có 191 người, trong đó:
- Giới tính:
+ Nam: 190 người
+ Nữ: 1 người
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 75 người
+ Từ 60 - 80 tuổi: 102 người
+ Trên 80 tuổi: 11 người
+ 01 người không kê khai năm sinh
Trong số 191 nghệ nhân, có 06 nghệ nhân (chiếm 2.9%) số nghệ nhân được cộng đồng công nhận là ông Mo bậc thầy trong đó:
+ Thầy Mo Bùi Văn Phin, sinh năm1934, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc có 60 năm làm nghề Mo và gia đình có 9 đời làm Mo.
+ Thầy Mo Quách Văn Đào, sinh năm 1951, ở xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, gia đình có 04 đời làm Mo và 54 năm làm nghề Mo.
+ Bùi Văn Rửm sinh năm 1957 ở Xóm Rậm Cọ, xã Thượng Cốc, gia đình có 08 đời làm Mo và 22 năm làm nghề Mo.
+ Đinh Công Ninh 1947 ở Xóm Thỏi Láo, Xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc, gia đình có 05 đời làm Mo và 50 năm làm nghề Mo.
+ Bùi Văn Lựng 1957 ở Xóm Mường Lầm, xã Phong Phú Tân Lạc, gia đình có 07 đời làm Mo và 39 năm làm nghề Mo.
+ Xa Tiến Thọ 1969 Xóm Dưng, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, gia đình có 03 đời làm Mo và 25 năm làm nghề Mo.
* Tỉnh NINH BÌNH:
Theo báo cáo của tỉnh Ninh Bình, công tác kiểm kê Di sản Mo Mường được thực hiện tại 9 xã có người Mường sinh sống ở huyện Nho Quan.
Tổng số nghệ nhân làm Mo trên toàn tỉnh có 09 người, trong đó:
- Nam: 09 người
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 03 người
+ Từ 60 - 80 tuổi: 05 người
+ Trên 80 tuổi: 01 người
Trong số 09 nghệ nhân, có 02 nghệ nhân được cộng đồng công nhận là ông Mo bậc thầy:
+ Thầy Mo Đinh Văn Nếu, sinh năm 1937, bản Sau, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan có 40 năm làm nghề Mo và gia đình có 12 đời làm Mo.
+Đinh Xuân Tân sinh năm 1965 ở xã Cúc Phương gia đình có truyền thống 09 đời làm Mo và thực hành được 15 năm.
* Tỉnh PHÚ THỌ:
Ở tỉnh Phú Thọ, công tác kiểm kê di sản Mo Mường được tiến hành tại hai huyện Tân Sơn và Yên Lập.
Tổng số nghệ nhân làm Mo trên toàn tỉnh có 17 người, trong đó:
- Nam: 17 người
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 04 người
+ Từ 60 - 80 tuổi: 11 người
+ Trên 80 tuổi: 02 người
Trong số các nghệ nhân Mo Mường ở Phú Thọ chỉ có 01 nghệ nhân Mo được cộng đồng công nhận là ông Mo bậc thầy và ông đã được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú đó là:
+ Thầy Mo Nguyễn Đình Thưởng, sinh năm 1958, ở xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập đã làm nghề Mo 36 năm và gia đình có 3 đời làm Mo.
* Tỉnh SƠN LA:
Tỉnh Sơn La triển khai công tác kiểm kê di sản Mo Mường tại các huyện Bắc Yên, Mộc Châu, Phù Yên và Vân Hồ.
Tổng số nghệ nhân làm Mo trên toàn tỉnh có 21 người, trong đó:
- Nam: 21 người
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 7 người
+ Từ 60 - 80 tuổi: 10 người
+ Trên 80 tuổi: 4 người
Theo thống kê, những nghệ nhân trên 80 tuổi ở Sơn La hiện đã già yếu, không đi Mo tang ma được nên hiện nay cộng đồng công nhận 01 ông Mo bậc thầy là ông Đinh Văn Sơ, sinh năm 1953 ở xã Phiềng Ban, huyện Bắc Yên có hơn 20 năm làm nghê Mo và ước tính được hơn 100 đám tang và ông Đinh Xuân Ngoan có 03 đời làm Mo và thực hiện hàng nghìn lễ.
* Tỉnh THANH HÓA:
Theo báo cáo, tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm kê di sản Mo Mường tại 11 huyện, gồm: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Mường Lát, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thạch Thành, Thường Xuân.
Tổng số nghệ nhân Mo Mường trên toàn tỉnh có 165 người trong đó:
- Nam: 165 người
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 61 người
+ Từ 60 - 80 tuổi: 85 người
+ Trên 80 tuổi: 19 người
Trong số 165 nghệ nhân chỉ có 04 nghệ nhân (khoảng 2,5%) được cộng đồng công nhận là nghệ nhân Mo bậc thầy, đó là :
+ Thầy Mo Nguyễn Đình Dương, sinh năm 1942, xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc có 60 năm làm Mo - số năm thực hành nghề nhiều nhất so với các thầy Mo khác trong tỉnh.
+ Thầy Mo Bùi Ngọc Dĩnh, sinh năm 1954 ở xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành gia đình có 7 đời là Mo và ông đã thực hiện Mo cho hơn 2300 đám tang tại địa phương.
+Thầy Bùi Văn Kiên 1965, gia đình có 15 có truyền thống 05 đời làm Mo và 30 năm làm nghề.
+ Thầy Trương Ngọc Đỉnh 1967, gia đình có truyền thống 05 đời làm Mo và 30 năm hành nghề, ông đã thực hiện khoảng 900 nghi lễ.
• Mẫu 2: "Người tham gia thực hành nghi lễ tang ma của dân tộc Mường" (không phải là thầy Mo)
* Tỉnh ĐẮK LẮK:
Trong mẫu này, tỉnh Đắk Lắk chỉ đưa ra số liệu kiểm kê của huyện Ea Kar. Những người tham gia thực hành nghi lễ tang ma của dân tộc Mường ngoài thầy Mo còn có 03 người sử dụng nhạc cụ để phục vụ trong đám tang.
- Nam: 3 người
- Độ tuổi:
+ Từ 60 - 80 tuổi: 02 người
+ Một người không kê khai độ tuổi
* Thành phố HÀ NỘI:
Thành phố Hà Nội là địa phương duy nhất không kê khai mẫu biểu này
* Tỉnh HÒA BÌNH:
Trong mẫu này, tỉnh Hoà Bình đã đưa ra số liệu kiểm kê tại 3 huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy gồm có 71 người trong đó:
- Người giúp việc (bao gồm chí chuốc 28 người và mế mụ 11 người): 39 người
- Nhạc cụ: 32 người
- Giới tính:
+ Nam: 60 người
+ Nữ: 11 người
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 36 người
+ Từ 60 – 80 tuổi: 32 người
+ Trên 80 tuổi: 2 người
+ 01 người không kê khai năm sinh
* Tỉnh NINH BÌNH:
Những người được kê khai trong mẫu này của tỉnh Ninh Bình gồm có 24 người trong đó:
- Thầy Trượng: 01 người
- Thầy cúng: 06 người
- Những người giúp việc trong lễ: 03 người
- Những người sử dụng nhạc cụ trong đám tang: 14 người
Trong số 24 người có:
- Nam: 24 người
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 13 người
+ Từ 60 - 80 tuổi: 03 người
+ Trên 80 tuổi: 02 người
+ Có 06 người không kê khai năm sinh
* Tỉnh PHÚ THỌ:
Những người được kê khai trong mẫu này ở Phú Thọ bao gồm có:
- Thầy cúng: 8 người
- Người trợ giúp thầy Mo sắp lễ: 1 người
Trong số 9 người có:
- Nam: 09 người
- Độ tuổi:
+ Từ 50 - 80 tuổi: 07 người
+ Trên 80 tuổi: 02 người
Trong số 07 thầy cúng có những thầy làm nghề từ 40 – 50 năm như:
+ Thầy cúng Hà Đức Sơn, sinh năm 1933, ở khu Đồng, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn có số năm làm thầy cúng lâu nhất là 50 năm.
+ Thầy cúng Đinh Kim Liên, sinh năm 1933, ở khu Đoàn, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn có số năm làm thầy cúng 40 năm.
* Tỉnh SƠN LA:
Tỉnh Sơn La có 48 người tham gia với các vai trò:
+ Thầy Trượng: 10 người
+ Người chơi nhạc cụ: 30 người
+ Người múa: 8 người
- Giới tính:
+ Nam: 40 nam
+ Nữ: 8 nữ
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 30 người
+ Từ 60 – 80 tuổi: 16 người
+ Trên 80 tuổi: 02 người
* Tỉnh THANH HÓA:
Có 10/11 huyện ở Thanh Hóa gửi số liệu kê khai ở mẫu biểu này (tỉnh Thường Xuân không có thông tin). Tổng số những người tham gia thực hành nghi lễ mà không phải là thầy Mo của tỉnh Thanh Hóa kê khai có 120 người trong đó:
- Thầy Clượng: 22 người
- Các thầy giúp việc: 6 người
- Những người sử dụng nhạc cụ: 87 người
- Múa dao: 1 người
- 4 người không kê thông tin vai trò trong lễ
- Giới tính:
+ Nam: 120 người
- Độ tuổi:
+ Dưới 60 tuổi: 62 người
+ Từ 60 - 80 tuổi: 54 người
+ Trên 80 tuổi: 04 người
• Mẫu 3: Các nghi lễ tín ngưỡng có tên gọi ‘Mo’ tại địa phương
* Tỉnh ĐẮK LẮK
Ngoài nghi lễ cúng cho linh hồn người chết trong nghi lễ Mo tang ma, theo kết quả kiểm kê tỉnh Đắk Lắk còn có 10 nghi lễ khác có tên gọi là Mo như sau:
- Mo giái hạn (Mo cúng để giải hạn)
- Mo xin số, Mo làm vía nối số (Mo xin khổ - Mo để kéo dài tuổi thọ)
- Mo thượng thọ, Mo cúng vía thượng thọ
- Mo kéo si
- Mo vía
- Mo mach nhà (Mo mát nhà), Mo cúng khôồn nhà
- Mo cơm mới
- Mo ngày Sết (Mo ngày Tết)
- Mo sô công (Mo cúng Thổ công thổ địa)
- Mo mũ (cúng mụ cho trẻ em)
- Độ tuổi:
* Thành phố HÀ NỘI
Ngoài nghi lễ cúng cho linh hồn người chết trong nghi lễ Mo tang ma, theo kết quả kiểm kê ở Hà Nội còn có 04 nghi lễ khác có tên gọi là Mo như sau:
- Mo vía
- Mo mát nhà
- Mo cơm mới
- Mo lễ cầu mùa
* Tỉnh HÒA BÌNH
Ngoài nghi lễ cúng cho linh hồn người chết trong nghi lễ Mo tang ma, theo kết quả kiểm kê tỉnh Hòa Bình còn có 3 nghi lễ khác có tên gọi là Mo như sau:
- Mo tạ mộ
- Mo gọi vía
- Mo cúng trừ tà
Trong đó Mo tạ mộ, Mo gọi vía có thể do thầy Mo hoặc thầy Clượng thực hiện. Riêng Mo cúng trừ tà do thầy Clượng làm lễ.
* Tỉnh NINH BÌNH
Tỉnh Ninh Bình chỉ có Mo trong tang ma mà không có Mo trong các lễ cúng khác.
* Tỉnh PHÚ THỌ
Ngoài nghi lễ cúng cho linh hồn người chết trong nghi lễ Mo tang ma, theo kết quả kiểm kê tỉnh Phú Thọ còn có 08 nghi lễ khác có tên gọi là Mo như sau:
- Mo giải hạn
- Mo cầu thọ
- Mo vía
- Mo về nhà mới
- Mo đám cưới
- Mo đồng thộ
- Mo cúng mụ
- Mo cúng mộ
Các lễ đều do thầy Mo thực hiện.
* Tỉnh SƠN LA
Ngoài nghi lễ cúng cho linh hồn người chết trong nghi lễ Mo tang ma, theo kết quả kiểm kê tỉnh Sơn La còn có 08 nghi lễ khác có tên gọi là Mo như sau:
- Mo giái hạn (Mo giải hạn)
- Mo xin khổ (Mo xin số)
- Mo ngày Tết (Mo ngày sết)
- Mo vía (Mo Voái)
- Mo mach nhà (Mo mát nhà)
- Mo Sô Công (Mo Thổ công, Thổ địa)
- Mo đôi đũa
- Mo Mũ (Mo Mụ)
Hầu hết các lễ đều do thầy Mo hay thầy Mo trong vai trò thầy Clượng thực hiện.
Tại huyện Phù Yên, thầy Clượng thực hành lễ:
- Mo vía
- Mo mụ
- Mo ngày tết
Tại huyện Mộc Châu, thầy Clượng thực hành lễ
- Mo giải hạn
- Mo xin số
- Mo vía
- Mo mát nhà
- Mo thổ công
* Tỉnh THANH HÓA:
Tỉnh Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều nghi lễ tín ngưỡng có tên gọi là Mo. Ngoài nghi lễ cúng cho linh hồn người chết trong nghi lễ Mo tang ma, theo kết quả kiểm kê tỉnh Thanh Hoá còn có 21 nghi lễ khác có tên gọi là Mo như sau:
- Mo đắp mả (khi người trong nhà ốm đau)
- Mo vía
- Mo mừng cơm mới
- Mo trong các lễ hội (Ví dụ như lễ cầu yên, lễ hội đền Páu, lễ hội Thành Hoàng Làng, lễ hội thần thiêng, lễ hội Bàn Bù, lễ hội Mường Đòn
- Mo mời gia tiên về ăn năm mới
- Mo trả nợ
- Mo kéo si
- Mo tơm ma (đuổi tà ma để người ốm khỏe lại)
- Mo đổi số
- Mo Pồn Pông
- Mo về nhà mới
- Mo đám cưới, Mo dâu (khi đón dâu về nhà)
- Mo cúng thổ địa
- Mo giải hạn
- Mo kênh cốc
- Mo tết
- Mo Cau táu (trừ tà cho người ốm, đau)
- Mo cúng gia tiên
- Mo cúng ốm đau
- Mo cúng về nhà
- Mo mát nhà
Trong các lễ Mo của cả 7 tỉnh kể trên, nhiều lễ Mo có cùng một mục đích lễ nhưng tên gọi khác nhau, chúng tôi vẫn tôn trọng địa phương, giữ nguyên tên gọi đó và tính đó là một lễ riêng ví dụ như:
Mo đắp mộ (ở Thanh Hóa) có cùng mục đích sử dụng lễ trùng với Mo vía, Mo cúng ốm đau, Mo kéo si.
• Mẫu 4: “Hiện vật liên quan đến Mo Mường”
Các hiện vật liên quan tới di sản Mo Mường vô cùng phong phú. Trong mẫu biểu này chúng tôi chỉ tập trung kiểm kê những hiện vật phổ biến như kiếm, chuông, chiêng, trang phục, tranh ảnh. Ngoài ra trong túi khót của các thầy Mo còn có rất nhiều những vật mang tính thiêng như nanh hổ, sừng, hòn đá, quẻ xin âm dương, đồng xu, vòng bạc… chúng tôi sẽ không kiểm kê số lượng cụ thể.
* Tỉnh Đắk Lắk: có 60 hiện vật (trong đó kiếm có: 19 chiếc, chiêng: 01 chiếc, chuông: 29 chiếc, trang phục: 11 bộ)
* Hà Nội: có 18 hiện vật (trong đó kiếm có: 4 chiếc, chuông: 8 chiếc, trang phục: 06 bộ)
* Tỉnh Hòa Bình: có 874 hiện vật (trong đó kiếm có: 299 chiếc, chiêng: 17 chiếc, chuông: 341 chiếc, trang phục: 217 bộ)
* Tỉnh Ninh Bình: có 39 hiện vật (trong đó kiếm có: 12 chiếc, chiêng: 01 chiếc, chuông 12 chiếc, trang phục: 14 bộ)
* Tỉnh Phú Thọ: có 20 hiện vật (trong đó kiếm có: 1 chiếc, chiêng: 02 chiếc, chuông 10 chiếc, trang phục: 07 bộ)
* Tỉnh Sơn La: có 82 hiện vật (trong đó kiếm có: 24 chiếc, chuông: 41 chiếc, trang phục: 16 bộ, tranh ảnh: 01 bộ)
* Tỉnh Thanh Hóa: có 764 hiện vật (trong đó có kiếm: 208 chiếc, chuông 282 chiếc, chiêng 71 chiếc, trang phục 153 bộ và tranh ảnh 50 bộ)
• Mẫu 5: “Tư liệu liên quan đến Mo Mường”
Các tư liệu văn bản liên quan đến di sản Mo Mường được kiểm kê gồm các tài liệu đã xuất bản (sách, báo, tạp chí), các thư tịch cổ và các tư liệu chép tay. Số lượng các tư liệu này được thống kê ở các tỉnh như sau:
* Tỉnh Đắk Lắk: không kiểm kê mẫu này
* Hà Nội: có 03 tư liệu (trong đó có 02 tư liệu viết tay và 01 tư liệu photo)
* Tỉnh Hòa Bình: có 19 cuốn tên tư liệu sách nhưng không kê khai thông tin sách (số trang, nơi lưu giữ)
* Tỉnh Ninh Bình: có 09 tư liệu trong đó có 1 tư liệu xuất bản (690 trang), 7 tư liệu chép tay (270 trang), 01 tư liệu đánh máy (227 trang)
* Tỉnh Phú Thọ: có 01 tư liệu viết tay (17 trang)
* Tỉnh Sơn La: có 18 tư liệu trong đó có 12 tư liệu xuất bản, 4 tư liệu chép tay, 01 bản photo, 01 tư liệu đánh máy. Tổng số trang tư liệu là 4730 trang trong đó có 3 cuốn sách xuất bản không rõ số trang.
* Tỉnh Thanh Hóa: có 22 tư liệu xuất bản (14.474 trang)
2.2. Kết quả kiểm kê tại kho lưu trữ của Viện Âm nhạc:
Các tư liệu liên quan đến di sản Then hiện đang lưu trữ tại Viện Âm nhạc được thống kê trong mẫu 06 “Kiểm kê các tư liệu có liên quan đến di sản Mo Mường tại kho lưu trữ Viện Âm nhạc”. Các số liệu được thống kê như sau:
• Về “Băng đĩa âm thanh sưu tầm điền dã”:
Viện Âm nhạc hiện lưu giữ 08 băng cassettes (1997) và 224GB được thu thanh, sưu tầm vào năm 1999, 2002, và những năm 2021, 2022, 2023
Phần Audio điền dã 292 GB (1998-2002) và 89,9 GB năm 2020, 1.360 MB năm 2022,2023.
• Về “Băng đĩa hình ảnh sưu tầm điền dã”:
Tại kho lưu trữ của Viện Âm nhạc hiện có 32 băng hình SVHS và 6TB đã được quay phim và sưu tầm liên quan đến di sản nghệ thuật Mo Mường vào năm 1999, 2002, 2021, 2022.
• Về “Tư liệu ảnh di sản Mo Mường”:
Cho đến nay, Viện Âm nhạc có 342 ảnh; 22,9 GB và 424 MB ảnh chụp liên quan đến Mo Mường tại các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Đắk Lắk, Sơn La và Hà Nội từ những năm 1998, 2020, 2021, 2022 cho đến nay.
• Về “Tư liệu sách về Mo Mường”:
Trong thư mục kho lưu trữ của Viện Âm nhạc có 08 tài liệu chép tay (bản ký âm nhạc không có năm chép), 02 bản báo cáo điền dã đánh máy liên quan đến di sản Mo Mường (1997 và 2006 ), 08 tài liệu đã được xuất bản ( 1996- 2019).
• Về “Tư liệu bài viết về Mo Mường trên các tạp chí, báo”:
Trong kho lưu trữ của Viện Âm nhạc hiện có 11 bài viết liên quan đến Mo Mường đăng trên các tờ Thông báo khoa học số 65 và 66.
III. Một vài nhận xét:
Căn cứ vào kết quả kiểm kê di sản Mo Mường do 07 tỉnh thực hiện, chúng tôi xin đưa ra một vài ý kiến nhận xét như sau:
Do một số hoàn cảnh khách quan cũng như chủ quan, nên có một số thông tin trong một vài mẫu biểu không được kê khai đầy đủ. Song có thể nói, sự nỗ lực của các cán bộ địa phương trong quá trình đi kiểm kê rất đáng được ghi nhận. Những số liệu kiểm kê mà chúng tôi đưa ra sẽ là cơ sở để có được một cái nhìn tổng thể dưới góc độ định lượng về thực trạng di sản Mo Mường hiện nay. Đó là:
* Về những nghệ nhân Mo và nghệ nhân Mo bậc thầy:
Theo số liệu được tổng hợp lại, tổng số nghệ nhân làm Mo hiện nay ở 07 tỉnh là 421 nghệ nhân, tập trung đông nhất ở hai tỉnh Hòa Bình (191 người chiếm 45%) và Thanh Hóa (165 người chiếm 39%). Tuy nhiên số lượng nghệ nhân Mo bậc thầy do địa phương lựa chọn chỉ có 18 người chiếm 4,2% tổng nghệ nhân Mo ở cả nước
Về giới tính, nam giới 419 người, chiếm 99,5% và nữ giới chỉ có 02 người chiếm 0,5%
Những người có độ tuổi dưới 60 chiếm khoảng 37,3% (157/421người), từ 60-80 tuổi chiếm khoảng 53% (222/421 người), trên 80 tuổi chiếm khoảng 9% (39/421người), có 03 người không kê khai tuổi.
* Về những người tham gia các nghi lễ Mo nhưng không phải thầy Mo:
Những người tham gia các nghi lễ Mo nhưng không phải thầy Mo có ở 6 tỉnh (trừ Hà Nội không gửi kiểm kê của mẫu này) có 275 người bao gồm:
- thầy Clượng, thầy cúng: 47 người
- những người giúp việc cho thầy Mo: 47 người
- những người sử dụng nhạc cụ trong các nghi lễ Mo: 166 người
- những người múa: 11 người
- 04 người không kê khai công việc của mình
Trong số những người kể trên, nam giới chiếm tỷ lệ hơn 93% (255/275 người), trong khi nữ giới chỉ chiếm 7% (20/275 người).
Về độ tuổi, ngoại trừ 08 người không kê khai tuổi, những người dưới 60 tuổi chiếm khoảng 51% (141/275 người), tuổi từ 60-80 chiếm khoảng 41% (114/275người), tuổi trên 80 chiếm khoảng 4.3% (12/275 người).
* Về các nghi lễ có tên gọi là Mo ở các địa phương:
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, trước đây người Mường phân biệt rất rõ giữa nghi lễ Mo (chủ yếu là Mo trong tang ma) và nghi lễ cúng thông thường (như cúng giải hạn, cúng trong các lễ hội….). Tuy nhiên, trải qua nhiều biến đổi, quan niệm Mo chỉ diễn ra chủ yếu trong nghi lễ tang ma đã không còn. Người Mường giờ đây gọi chung những nghi lễ do thầy Mo hoặc thầy Clượng đảm trách đều là Mo. Theo thống kê, ngoài Mo tang ma, ở 6 tỉnh thành (ngoại trừ Ninh Bình) hiện có 30 nghi lễ cúng đều được người Mường gọi là nghi lễ Mo.
* Về Tư liệu văn bản liên quan đến di sản Mo:
Tổng số tư liệu của 07 tỉnh là 71 tư liệu, bao gồm cả tư liệu đã xuất bản, thư tịch cổ và tư liệu chép tay của các thầy Mo.
* Về Hiện vật liên quan tới di sản Mo
Tổng số các hiện vật được kiểm kê ở 07 tỉnh thành là 1.857 hiện vật, trong đó tỉnh Hoà Bình là nơi lưu giữ nhiều hiện vật nhất (874/1.857) hiện vật ciếm khoảng 49% tổng số hiện vật trên cả nước).
Với việc đưa ra các số liệu kiểm kê di sản Mo Mường, chúng tôi cũng hy vọng rằng, đây là một tài liệu có giá trị để giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng và đưa ra những định hướng trong công tác bảo tồn và phát triển di sản Mo Mường ở Việt Nam.
Tiểu ban Kiểm kê Di sản Mo Mường
Viện Âm nhạc