Tiếng nói cộng đồng về Di sản Mo Mường Việt Nam
Hiện trạng thực hành Mo Mường:
"Ngày nay, Mo vẫn được người Mường trân trọng và việc tổ chức tang lễ theo nếp sống mới, người Mường vẫn tổ chức Mo cho người đã khuất. Số lượng các roóng Mo được cắt giảm tối thiểu, chỉ Mo những roóng cơ bản, rất cần thiết trong thực hiện các nghi lễ. Các giá trị của Mo mãi còn đồng hành cùng người Mường đi tới tương lai với tư cách là một di sản văn hóa, một yếu tố nền tảng cấu thành văn hóa Mường…” - Nhận định trong bài viết: “Hiện trạng của di sản văn hóa Mo Mường, đề xuất các biện pháp bảo tồn di sản Mo trong tang ma của người Mường” của bà Bùi Thị Niềm, số 5 An Dương Vương, P. Phương Lâm, Tp. Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình.
"Thực trạng của Mo Mường người Mường ngày nay thì theo thời buổi cho nên là các cái bài Mo của người Mường thì ngày xưa ngày trước người ta làm trong một đám khó đám ma thì có thể có (dài) 5-7 đêm, 12 đêm là trong một cái cuộc mo là kết thúc. Bây giờ thời buổi kinh tế phát triển, nhân dân tùy theo hoàn cảnh của từng nhà không thể thực hiện hoàn thiện được một cuộc mo nào mà như ngày xưa ngày trước. Hiện nay mo chỉ được theo chế độ của nhà nước, chỉ được trong vòng có 24 tiếng đồng hồ, bây giờ làm mo trong khoảng phạm vi đấy cho nên ông mo phải làm từ đầu cho đến lúc kết thúc phải trong một khoảng độ rất ngắn để cho mà thu hẹp thời gian nhanh nhất, cho no vẫn đầy đủ.” - Ý kiến của thầy mo Bùi Văn Kiên, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
“Mo tang ma là bài Mo dài nhất, trước đây nghi lễ tang ma của người Mường được tổ chức trong 12 ngày đêm. Nhưng hiện nay, theo quy định của địa phương, hương ước của bản, nghi lễ tang ma của người Mường chỉ giới hạn không quá ba ngày, hai đêm. Đặc biệt khi ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19, việc tổ chức tang lễ được rút gọn còn 1 ngày, 1 đêm. Vì vậy số lượng các bài Mo, đoạn Mo trong quá trình tang lễ đã bị rút gọn, giản lược hơn so với trước đây…” - Nhận định trong bài viết: “Mo trong tang ma của người Mường tỉnh Sơn La” của thầy mo Đinh Văn En, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
"Người Mường thủ tục là phải mo. Một bài Mo rất là dài, 7-8 ngày mới hoàn chình một bài mo người chết. Thời nay với kinh tế, xã hội mới chẳng cho phép làm dài nữa mà chỉ được 24 tiếng thì nó mai một đi. Nhất là phần Mo kể truyện là gần như mất hẳn…"- Ý kiến của thầy mo Phạm Văn Nhường (1955), xã Ea Păl, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
“Không mo được đầy đủ hết, bởi vì là một đêm nên cũng phải bỏ tương đối nhiều. Cái mo “Đẻ đất , đẻ nước ấy” chỉ mo được một số thôi. Bỏ vì là không có thời gian. Riêng cái mo “Đẻ đất, đẻ nước” ấy cho nó 1 đêm rồi. Nếu mà mo 1 đêm thì mình chỉ mo được một vài bài cơ bản thôi. Còn đâu làm hết thì không có thời gian.” – Ý kiến của thầy mo Đinh Văn Sình, sinh năm 1961, trú tại Bản Loóng Khủa, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
“Các bài Mo cổ chắc chắn là sẽ mai một bởi vì là không có thời gian cũng như là có người đam mê học hỏi nữa. Như là ở vùng dưới kia, một số nơi bây giờ có đám là chỉ có khấn thôi chứ không còn Mo nữa.” - Ý kiến của thầy mo Bùi Văn Chung (1988), phố Mường Cháy, Thị trấn Vụ bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Mo “bậc thầy” ngày càng ít
“Hiện nay các thầy Mo trong bản đã cao tuổi, những người kế cận không có, thế hệ trẻ hiện nay có xu hướng tiếp nhận các luồng văn hóa hiện đại khác mà lãng quên văn hóa của chính dân tộc mình.” - Nhận định trong bài viết “Mo trong tang ma của người Mường tỉnh Sơn La” của thầy mo Đinh Văn En, sinh năm 1967, trú tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
“Mo “Tlêu” kể truyện sử thi này trong việc tang ma thì làm 5 đêm, 7 ngày, thậm chí 12 ngày thì người ta có thể làm được từ đầu đến cuối, từ “Cấn dấn” (mở đầu) cho đến phần kết thúc “Đưa vua về đất Đồng Kỳ Tam Quan Kẻ Chợ”. Từ đầu cho đến cuối, từ cái này cho đến cái khác.. Thời gian nó 5 đêm, 7 ngày, 12 , 13 đêm có thể kể (hết) cái truyện đấy. Nhưng thời buổi này, do cơ chế Nhà nước chỉ cho được có 24h nên chỉ được vạc (lướt) qua một phần thật nhỏ ở trong cái việc tang ma cho nên bây giờ dần dần mai một. Các thầy bây giờ cái sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” này rất ít người còn nắm được đầy đủ. Cái này không làm nữa cho nên nó bị mai một.” – Ý kiến của thầy mo Bùi Văn Kiên, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
“Ngày xưa thì nghe có bảo là có 7 đêm, 15 đêm. Các thầy nói chuyện là như thế. Nhưng bây không dạy nữa vì không làm nữa thì mình học làm gì cái đấy, không cần học cái đấy nữa đâu. Thầy tôi thì trước làm 7 đêm, 15 đêm thầy làm rồi” - Ý kiến của thầy mo Đinh Văn Sình, sinh năm 1961, trú tại Bản Loóng Khủa, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
“Các thầy mo biết được nhiều hoặc tương đối nhiều về văn hóa mo mường càng ngày càng mất đi. Việc truyền lại cho lớp trẻ thì hạn chế. Ngoại trừ Hòa Bình và Thanh Hóa, còn các tỉnh khác, trong đó có Đắk Lắk có nguy cơ mai một bởi vì việc truyền dạy. Lớp trẻ bây giờ thích làm kinh tế, không chú tâm. Lớp già muốn truyền lại cũng khó”- Ý kiến của thầy mo Bùi Văn Chinh (1949), xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
“Làm cái nghề Mo vất vả quá, phải thức đêm, được gia chủ biếu lại là 1-200 thậm chí là 1-2 triệu nhưng không đáng gì so với cái công sức người thầy đã bỏ ra. Lớp trẻ bây giờ họ thấy vất vả quá họ không học. Họ sẽ đi làm ở các công ty hoặc các công việc khác. Lương của họ cũng 6-7 triệu và không vất vả như nghề làm Mo này. Như trước đây mỗi một làng thường thường phải có 2-3 người làm Mo, làm thầy. Nhưng bây giờ lớp trẻ không chịu học đâu và nhiều vùng bây giờ chẳng còn có thầy Mo nữa.”- Ý kiến của thầy mo Bùi Văn Dớt, xóm Đông Thượng, xã Định Cư, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
“Nếu bây giờ cái lớp trẻ nó không học, các cái tiếng này nó sẽ mai một đi. Nhiều thầy nó mới ra làm, nó có biết cái gì, nó cứ bảo làm nhanh để nó ăn thôi, cứ làm giảm hết cái tiếng mình đi.” - Ý kiến của thầy mo Bùi Văn Dớt, xóm Đông Thượng, xã Định Cư, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Nguy cơ mai một ngôn ngữ Mường
“Điều đáng tiếc nhất là tiếng Mường hay như vậy, ngôn ngữ Mo hay như vậy nhưng không được thể hiện qua chữ viết truyền thống của người Mường. Điều lo lắng nữa là tiếng Mường nói chung, Mo Mường nói riêng có nguy cơ thất truyền ở các thế hệ tiếp theo.” - Nhận định trong bài viết: “Giá trị ngôn ngữ văn học của Mo Mường” của Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Nợi, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Mong muốn phục hồi di sản
Người Mường thì người ta rất thích “Đẻ đất, đẻ nước” này, cho nên là mong mỏi của người ta, người già. Thậm chí người già 80 tuổi có thể chưa được nghe “Đẻ đất, đẻ nước” nên tâm nguyện của người Mường lúc nào cũng muốn nghe lại “Đẻ đất, đẻ nước” của ngày xưa. - - Ý kiến của thầy mo Bùi Văn Kiên, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
“Nói chung về hình thức lễ tang, có việc rất muốn thầy có đủ năng lực và trình độ, thấy biết mo. Rước thầy Trượng thì thầy có cả nổ mo thì vừa Kẹ, giải trùng tang, xem giờ, xem ngày, khách khi, khách kheng. Đến lúc người chết đã về nhà rừng, người sống ở lại nhưng muốn người thầy đó mo. Gia chủ không yêu cầu ‘Mo lên” thì thôi. Nhưng bây giờ “Mo nhìn” và “Mo kể chuyện” nó là cái hình thức mà bây giờ xã hội con cháu ăn nên làm ra, văn hóa nếp sống cho phép, khi có người về già là cứ muốn là phải có bài mo trong tang lễ.” - Ý kiến của thầy mo Bùi Văn Chung (1988), phố Mường Cháy, Thị trấn Vụ bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.