THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Xưởng nghiên cứu âm nhạc đương đại thể nghiệm
Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm vô cùng vui mừng ra mắt dự án Xưởng nghiên cứu âm nhạc đương đại thể nghiệm “KHÍ HẬU CỦA ÂM THANH” (Climate Of Sound).
Xưởng nghiên cứu “KHÍ HẬU CỦA ÂM THANH” là chuỗi các hoạt động trao đổi kiến thức và thông tin tới các nhà nghiên cứu về âm nhạc đương đại thể nghiệm Việt Nam. Dự án do Đom Đóm khởi xướng và vận hành dưới sự tài trợ của Hội Đồng Anh Việt Nam thông qua UK/Viet Nam Season 2023 Collaboration Grant, cùng với sự đồng hành của trường Đại học Goldsmiths (Anh Quốc) và Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đom Đóm muốn góp sức nhỏ nhằm kích thích, gây cảm hứng qua đó phát triển các nhà nghiên cứu và các công trình nghiên cứu hiệu quả về âm nhạc đương đại và thể nghiệm Việt Nam.
“KHÍ HẬU CỦA ÂM THANH” sẽ trao cơ hội cho 08 nhà nghiên cứu tiếp xúc với âm nhạc đương đại thể nghiệm ở Việt Nam. Dự án sẽ chia sẻ phương pháp nghiên cứu mới từ các nhà nghiên cứu và thực hành âm nhạc đương đại thể nghiệm tại Anh Quốc và Việt Nam. Phương pháp này cung cấp cho các nhà nghiên cứu tham gia dự án một cái nhìn tổng quan về âm nhạc đương đại thể nghiệm thế giới và Việt Nam cũng như các xu hướng nghiên cứu âm nhạc nhân học trên thế giới hiện nay. Kết thúc dự án, các nhà nghiên cứu sẽ viết một đề cương nghiên cứu và làm trailer cho một phim âm nhạc nhân học về âm nhạc đương đại thể nghiệm, thuyết trình đề cương nghiên cứu hoặc trailer phim đã hoàn thành trong thời gian tham gia Xưởng. Đề cương nghiên cứu chất lượng sẽ được chọn để chia sẻ trong chương trình hội thảo 04 ngày tại Liên Hoan Nhạc Mới Hà Nội (Hanoi New Music Festival) tháng 12 năm 2023.
Dự án “KHÍ HẬU CỦA ÂM THANH” sẽ có các hoạt động chính sau đây:
- Tiếp nhận hồ sơ tham dự: từ ngày 17.03 - 12.04.2023 - Công bố kết quả ngày 15.04.2023.
- Chia sẻ kiến thức chuyên môn bằng các buổi workshop: các ngày 19, 20, 21, 24, 25 tháng 04 năm 2023.
- Buổi biểu diễn âm nhạc từ các nghệ sỹ âm nhạc đương đại thể nghiệm Việt Nam: 22.04.2023.
Dự án kết thúc bằng buổi chia sẻ công khai các đề cương nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tham gia vào ngày 28.04.2023.
Lịch trình chi tiết xin mời xem tại: https://bit.ly/3KiCvj4
Cách thức đăng ký tham dự vui lòng xem tại: https://bit.ly/3KhcWie
Đơn đăng ký vui lòng truy cập: https://bit.ly/3lnGj98
Địa điểm tổ chức chuỗi hoạt động: Complex 01, 29 ngách 31 ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội.
KHÍ HẬU CỦA ÂM THANH
Tổng quan dự án
Âm nhạc đương đại thể nghiệm tại Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã có bề dày hình thành và phát triển khoảng 3 thập kỷ tại Việt Nam với một lực lượng tác giả và một số lượng đáng kể các tác phẩm từ nhỏ tới lớn. Trong suốt 3 thập kỷ phát triển, các nhạc sĩ đương đại và thể nghiệm Việt Nam đã thiếu hẳn đi sự đồng hành của giới nghiên cứu và phê bình - một thực tế không mấy lành mạnh đối với một “cơ thể” văn hoá nghệ thuật mà giờ đây chúng ta cần tạo ra những thay đổi hiệu quả và thiết thực. Có nhiều lý do khác nhau cho sự khiếm khuyết này trong một bối cảnh văn hoá và xã hội nhiều đứt gẫy, du nhập và tiếp biến, nhưng nói tóm lại lý do cụ thể nhìn thấy được là không có nhiều các nhà nghiên cứu hiện nay quan tâm tới âm nhạc đương đại và thể nghiệm để muốn chọn khu vực này làm đối tượng cho các nghiên cứu của mình. Thực tế dễ nhìn thấy này có nhiều nguyên nhân nhưng sâu xa nhất đến từ các chương trình đào tạo nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc chính thống tại Việt Nam, nó đã không xây dựng được một định hướng và chiến lược cần thiết cho các sinh viên của mình về mối quan tâm tới những hiện thực âm nhạc đang xảy ra trong thời đại của mình. Phần lớn các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam nếu không loanh quanh ở địa hạt của nhạc cổ điển phương tây thì cũng dành cả cuộc đời mình cho âm nhạc dân gian và truyền thống Việt Nam. Hai lĩnh vực nghiên cứu trên ko có gì sai trái hay nguy hại chỉ có điều chưa đủ cho một nền nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc của một quốc gia. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nhìn nhận vào thực tế này một cách dũng cảm và tìm cách lấp đầy khoảng trống đó!
Đom Đóm, một động cơ kích hoạt nhỏ bé và bền bỉ, trong 10 năm hoạt động đã góp phần nuôi dưỡng hai thế hệ nhạc sĩ âm nhạc đương đại và thể nghiệm, tạo ra vô số các "sân chơi” trao đổi kiến thức, phát triển cộng đồng và giao lưu quốc tế thông qua các hoạt động từ quy mô nhỏ như các buổi biểu diễn hàng tháng, xưởng thực hành, nói chuyện nghệ thuật, thuyết trình, nghệ sĩ cư trú tới các hoạt động có quy mô lớn như Liên Hoan Âm Nhạc thể nghiệm quốc tế Hanoi New Music Festival.
Lần này, Đom Đóm hợp tác cùng khoa Âm nhạc của Đại học Goldsmiths (London, Anh Quốc) với sự hỗ trợ của Viện Âm nhạc mở một “Xưởng Nghiên cứu” Âm nhạc Đương đại Thể nghiệm trong thời gian 10 ngày tại Hà Nội nhằm đánh thức mối quan tâm của cộng đồng các nhà nghiên cứu Việt Nam tạo ra một tiền đề cho các công trình nghiên cứu hiệu quả về âm nhạc đương đại và thể nghiệm tại Việt Nam trong tương lai mà gần nhất là chương trình hội thảo quốc tế nằm trong khuôn khổ hoạt động thường kỳ của Liên Hoan Nhạc Mới Hà Nội (Hanoi New Music Festival) 12/2023.
Xưởng nghiên cứu bao gồm các hoạt động trao đổi kiến thức và thông tin: chuỗi các bài thuyết trình của các nhà nghiên cứu và thực hành âm nhạc đương đại thể nghiệm tại Anh Quốc và Việt Nam cung cấp cho các nhà nghiên cứu tham gia một cái nhìn tổng quan về âm nhạc đương đại thể nghiệm Việt Nam và phương Tây cũng như các xu hướng nghiên cứu âm nhạc nhân học trên thế giới hiện nay. Hoạt động của Xưởng còn có các buổi thuyết trình và thực hành làm phim nhân học âm nhạc - một cách nghiên cứu nhân học âm nhạc mới và hiệu quả cũng như 1 buổi chiếu các bộ phim nhân học âm nhạc quan trọng nhất của lịch sử phim nhân học âm nhạc thế giới. Cùng nằm trong khuôn khổ hoạt động của “Xưởng Nghiên Cứu", còn có một buổi trình diễn âm nhạc thể nghiệm tại Hà Nội và các buổi điền dã gặp gỡ các nghệ sĩ bản địa giúp các nhà nghiên cứu tham gia Xưởng Nghiên cứu có kết nối và những trải nghiệm trực tiếp với các nghệ sĩ đang thực hành âm nhạc thể nghiệm tại Việt Nam. Các buổi huấn luyện tăng cường năng lực thực hành nghiên cứu và làm phim nhân học âm nhạc dưới sự hướng dẫn của giáo sư Barley Norton đến từ đại học Goldsmiths cũng đóng một vai trò quan trọng trong chương trình hoạt động của “xưởng nghiên cứu” nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu tham gia thực hiện một đề cương nghiên cứu âm nhạc đương đại và thể nghiệm Việt Nam dưới dạng bài viết hoặc làm phim nhân học. Xưởng nghiên cứu Climate of Sound là những hoạt động ngắn gọn, súc tích và hàm chứa. Hy vọng sẽ đạt được các thành quả cụ thể hướng tới hội thảo 4 ngày tại Hanoi New Music Festival - nơi mà chúng tôi sẽ giới thiệu các bài viết, các công trình nghiên cứu hoặc chiếu phim nhân học âm nhạc của các nhà nghiên cứu thành viên của Xưởng
NHÓM ĐIỀU HÀNH
Trần Kim Ngọc
(Giám đốc dự án)
Nhạc sĩ
Nhà sáng lập trung tâm âm nhạc thể nghiệm Đom Đóm và Liên Hoan Nhạc Mới Hà Nội
https://kimngoc.weebly.com/
http://hanoinewmusicfestival.com
- Barley Norton
(Giám đốc dự án)
Nhà dân tộc học âm nhạc và nhà làm phim nghiên cứu về âm nhạc và văn hóa Đông Nam Á
https://www.gold.ac.uk/music/staff/norton/
LIÊN LẠC
Về Đom Đóm: Thành lập bởi nhạc sĩ Trần Kim Ngọc, Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm là tổ chức phi lợi nhuận dành cho các hoạt động phát triển âm nhạc thể nghiệm đương đại và sự liên kết đa ngành của nó với các loại hình nghệ thuật thử nghiệm khác. Đom Đóm hiện đang cung cấp các lớp đào tạo nhạc sĩ đương đại thể nghiệm; không gian sinh hoạt âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm trong nước kết nối với khu vực và quốc tế; và các chương trình phát triển khán giả cho âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Việt Nam. Là một phần cơ học của một cỗ máy lớn, Đom Đóm phấn đấu trở thành một động cơ bền bỉ, hiệu quả góp phần kích hoạt và nâng cao nhận thức của khán giả và cộng đồng thực hành nghệ thuật về tầm quan trọng của âm nhạc thể nghiệm và đương đại trong hệ sinh thái phát triển văn hoá Việt Nam.
Để biết thêm thông tin về dự án vui lòng liên hệ:
Điều phối dự án & phụ trách truyền thông:
Nguyễn Thị Hải Vân (Ms.): 033.5192.334
Nguyễn Lưu Hương My (Ms.): 090.4084.115