15-04-2021, 17:51

Tạ QUANG ĐộNG*

* Tiến sĩ, cán bộ nghiên cứu tại Viện Âm nhạc

 

Để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa phi vật thể năm 2018, Viện Âm nhạc đã tiến hành điền dã, sưu tầm, bảo tồn âm nhạc và múa dân gian trong một số lễ hội và nghi lễ tiêu biểu của người Chăm Bàlamôn tại tỉnh Ninh Thuận.

Nhân sự thực hiện dự án:

1. Nhóm nghiên cứu điền dã

- Ths. Phạm Minh Hương, Phó Viện trưởng, phụ trách khoa học

- Ths. Nguyễn Thủy Tiên, cán bộ nghiên cứu

- TS. Tạ Quang Động : cán bộ nghiên cứu điền dã

- Ths. Nguyễn Vương Hoàng : cán bộ nghiên cứu điền dã

- Ths. Lương Thị Hồng Thắm: cán bộ nghiên cứu điền dã.

2. Nhóm quay phim và thu thanh

- Kĩ sư Trần Hải Đăng – Phó Viện trưởng, phụ trách công nghệ.

- Đạo diễn hình ảnh : Thiều Hà Quang Nghĩa

- Quay phim 1: Nguyễn Thanh Tùng

- Quay phim 2: Lương Hoàng Long

- Quay phim 3: Đinh Việt Thắng

- Quay phim 4: Nguyễn Trọng Anh

- Thu thanh 1: Nguyễn Trọng Hào

- Thu thanh 2: Trần Minh Đức 

- Chụp ảnh : Nguyễn Danh Long 

- Kỹ thuật trường quay: Nguyễn Trần Khánh - Đỗ Đình Khánh

- Hậu cần:  Phạm Minh Quyết - Nguyễn Duy Tân

* Địa bàn điền dã:

-  Làng Thành Ý, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

-  Làng Chất Thường, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.

-  Làng Phước Đồng, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.

-  Làng Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.

-  Làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

-  Làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

- Làng Vĩnh Thuận (Bàu Trúc), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

-  Làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

- Thôn Rồ Ôn, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam.

* Thời gian điền dã:

Giai đoạn 1: diễn ra từ ngày 06/9/2018 đến ngày 21/9/2018. Nhóm công tác đã thực hiện việc điều tra, khảo sát, phỏng vấn một số nghệ nhân thực hành âm nhạc và múa liên quan tới một số lễ hội và nghi lễ của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, đồng thời điều tra, phỏng vấn một số người dân tham gia trong các lễ hội đó; tìm hiểu, chọn lựa những nghệ nhân hát hay, đàn giỏi, múa đẹp để phục vụ cho việc quay phim, thu thanh ở giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: diễn ra từ ngày 03/10/2018 đến ngày 13/10/2018. Nhóm công tác đã tổ chức thực hiện thu thanh, ghi hình các nghi thức, nghi lễ và các loại hình âm nhạc và múa diễn ra trong lễ hội Katê của người Chăm ở các đền tháp Po Klong Garai, Po Inâ Nâgar và nghi lễ Po Klaong Halau.

I. SƠ LƯỢC VỀ CƯ DÂN VÀ ĐỜI SỐNG VĂN HÓA

Người Chăm là một dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1/4/2009, người Chăm ở Việt Nam có tổng cộng 161.729 người. Dựa trên vùng cư trú, người Chăm Việt Nam thường được phân chia thành ba nhóm địa phương: nhóm Chăm Hroi cư trú ở Tây Nguyên; nhóm Chăm Pangduranga cư trú ở đồng bằng Nam Trung Bộ; nhóm Chăm Nam Bộ cư trú ở Nam Bộ. Trong đó, nhóm Chăm Pangdurangga có dân số đông nhất, gồm 102.437 người, cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận1. Người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận có 67.274 người (theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1/4/2009). Nơi đây, người Chăm cư trú tập trung thành 22 làng (palei), phân bố ở 12 xã thuộc 6 huyện thị: Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Trong đó, hai huyện có người Chăm cư trú đông nhất là Ninh Phước và Thuận Nam với dân số là 51.527 người. Các huyện thị còn lại của tỉnh Ninh Thuận như Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chỉ có một số ít palei và người Chăm cư trú lẻ tẻ2.

Về kinh tế: người Chăm là một dân tộc có nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng như thêu, dệt, làm đồ gốm, làm gạch, chế tạo công cụ sản xuất, buôn bán, đóng thuyền, đánh cá, điêu khắc... Trong đó, hai làng nghề thủ công cổ xưa của người Chăm ở Ninh Thuận còn sót lại cho đến ngày nay là làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc.

Về cây trồng: Người Chăm có truyền thống nông nghiệp ruộng nước và làm vườn trồng cây ăn trái. Họ giỏi làm thủy lợi và kỹ thuật thâm canh lúa nước.

Về tôn giáo – tín ngưỡng: Người Chăm Ninh Thuận theo ba tôn giáo chính là đạo Bàlamôn (nhóm Chăm Ahiér hay Bà Chăm, Chăm Cuh, Chăm Jat); đạo Bà Ni (nhóm Chăm Awal hay Bani, Chăm Bani); đạo Islam (nhóm Chăm Islam). Bộ phận Chăm Bàlamôn cư trú trong 16 làng: Bỉnh Nghĩa (Bal Riya), Thành Ý (Tabeng), Hoài Trung (Baoh Bimi), Như Bình (Dara), Chất Thường (Baoh Dana), Phước Đồng (Mblang Kacak), Hiếu Lễ (Cauk), Hữu Đức (Hamu Tanran), Hậu Sanh (Thuer), Bầu Trúc (Hamu Crauk), Mỹ Nghiệp (Caklaing), Chung Mỹ (Bal Chaong), Hiếu Thiện (Palao), Vụ Bổn (Pabhan), Phú Nhuận (Baoh Deng), Phước Lập (Aia Li-U). Bộ phận này có 3 khu đền tháp làm nơi thờ tự chính: tháp Po Klong Garai ở đồi Trâu, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang -Tháp Chàm (được xây dựng từ thế kỷ XIII); tháp Po Romé ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI và đầu thê kỷ XVII); và đền Po Inâ Nâgar ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (được xây dựng vào thập niên 1940 đề thay thế việc cúng tế ở Tháp Bà Nha Trang)3.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn ở tỉnh Ninh Thuận

II. LỄ HỘI KATÊ

1. Tên gọi, ý nghĩa

Lễ hội Katê còn được gọi là lễ tục Katê, Tết Katê. Theo ông Quảng Văn Đại, Katê là một danh từ có nguồn gốc từ Katik của Hindu phát xuất từ Kattika của Phạn ngữ - có nghĩa là lễ trong tháng 7. Lễ hội Katê là một nghi lễ truyền thống chủ yếu nhằm cúng thần (yang) nam (cha) là chính. Bên cạnh đó, lễ hội này còn có ý nghĩa tưởng nhớ công lao sự nghiệp của các vị thần khác, cũng như vua chúa và ông bà tổ tiên. Đồng thời, đây cũng là dịp để cầu xin các vị thần phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, muôn sinh vật sinh sôi nảy nở, gia súc gia cầm mạnh khỏe, gia đình muôn dân được ấm no hạnh phúc4.

2. Thời gian, địa điểm

Lễ hội Katê được tổ chức định kỳ hằng năm, theo lịch của người Chăm là vào 7 ngày đầu tiên của tháng 7 (1-7/7) (tức là từ ngày 9/10 đến ngày 15/10 dương lịch). Ngày 1/7 tổ chức ở 3 khu vực đền tháp. Ngày 2/7 tổ chức ở 3 gia đình Sư cả của 3 đền tháp. Ngày 3/7 tổ chức ở nhà làng của các thôn làng người Chăm. Từ ngày 4/7 đến ngày 7/7 tổ chức ở các gia đình, tộc họ Chăm Bàlamôn.

Ông Quảng Văn Đại cho biết: thời gian tổ chức lễ hội Katê kể trên là do vị thần  Po Kuk Alua Huk truyền lại rằng: chỉ có những ngày này, thần Po KukAlua Huk mới cho phép Yang cha (Yang Po Yang amâ) xuống hưởng những bổng lộc mà người trần gian hiến tế  (vì trước hoặc sau đó Yang cha còn phải đi lo nhiều việc khác của xứ sở, không rảnh rang để thụ hưởng). Với thông điệp như vậy, nên lịch tổ chức lễ hội Katê của người Chăm không thay đổi vì họ sợ rằng tổ chức vào những ngày khác thì Yang cha sẽ không được hưởng.

Về địa điểm: ngày lễ hội Katê đầu tiên diễn ra ở 03 khu vực đền tháp: tháp Po Klong Garai ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang (Tháp Chàm); đền Po Inâ Nâgar ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước; tháp Po Romê thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

3. Lễ rước Y trang

Lễ rước diễn ra từ bản làng của người Raglai về đền cất Y trang của người Chăm. Mặc dù, Katê là lễ hội của người Chăm, nhưng điều đặc biệt ở đây là sự xuất hiện của tộc người Raglai cùng với người Chăm thực hành cúng lễ và trình diễn nghệ thuật. Một số chức sắc đạo Bàlamôn cho biết: theo những tư liệu từ xưa truyền lại thì người Chăm là người chị cả còn người Raglai là con gái út trong gia đình. Theo tục lệ của người Chăm, người con gái út trong gia đình sẽ là người được thừa hưởng tài sản của cha mẹ để lại đồng thời họ cũng là người có nghĩa vụ chăm sóc và thờ phụng cha mẹ. Vì vậy, từ xa xưa người Raglai được giao nhiệm vụ bảo quản Y trang (áo, váy, khăn mão, còng tay, hoa tai) của vua chúa và các đồ dùng cúng lễ (tô, bát, chén… được làm bằng vàng và bạc) trên đền tháp để thờ phụng ông bà, tổ tiên và thần linh. Trước đây, ngay cả lễ vật dâng cúng như dê, đậu, gạo, bánh, hoa quả, trầu cau, rượu … trên các đền tháp trong lễ hội Katê cũng đều do người Raglai thực hiện chứ không phải là công việc do người Chăm đảm nhiệm như hiện nay.

Việc cất giữ y trang và đồ dùng cúng lễ của ba đền tháp được qui định như sau: Y trang và đồ cúng lễ của tháp Po Klong Garai được cất giữ bởi người Raglai ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái; Y trang và đồ cúng lễ của đền Inâ nâgar được cất giữ ở thôn Giá, xã Phước Hà; Y trang và đồ cúng lễ của tháp Po Romê được cất giữ ở thôn La-A, xã Phước Hà.

Theo tục lệ, khi gần đến ngày tổ chức lễ hội Katê, Hội đồng Chức sắc của 3 đền tháp và Ban phong tục của làng sẽ cử người lên làng của người Raglai có giữ Y trang của các vị thần để thông báo và thống nhất với đồng bào Raglai biết về ngày giờ thực hiện các nghi thức trong lễ hội Katê. Nhận được tin tổ chức lễ hội Katê, các gia đình của người Raglai cũng trở nên vui vẻ và nhộn nhịp hơn. Đặc biệt, là gia tộc cất giữ Y trang và các đồ dùng cúng lễ trên đền tháp. Những vị cao niên và những người có uy tín trong làng tụ họp nhau lại để bàn bạc việc cúng lễ, rước Y trang xuống núi bàn giao cho người Chăm tổ chức lễ hội.

Hiện nay, nghi thức rước Y trang và đồ dùng cúng lễ từ làng của người Raglai về đền tháp chỉ còn diễn ra ở đền Po Inâ Nâgar (thôn Hữu Đức), còn tháp Po Klong Garai và tháp Po Ramê đã bị mai một. Theo ông Quảng Văn Đại: trước đây, tháp Po Klong Garai cũng tổ chức lễ đón rước Y trang từ bản làng của người Raglai, nhưng do thời kỳ chiến tranh không tổ chức được lễ rước Y trang nên người Raglai đã mang toàn bộ Y trang và đồ dùng cúng lễ về để ở đền Po Klong Garai; tương tự như tháp Po Klong Garai, việc đón rước Y trang từ bản làng của người Raglai ở tháp Po Romê cũng không còn được duy trì.

Nghi lễ rước Y trang và đồ dùng cúng lễ của đền Po Inâ Nâgar (thôn Hữu Đức) diễn ra như sau: vào khoảng 7h sáng ngày 30/6 Chăm lịch (trước ngày lễ chính thức một ngày), ban Phong tục của thôn Hữu Đức cử người mang đồ lễ lên làng của người Raglai để xin rước Y trang. Khi lên đến nơi, người Raglai làm lễ cúng để xin các vị thần cho phép được mang  Y trang xuống núi. Sau khi thực hiện xong các nghi thức (khoảng 9h30’ sáng), đoàn người Raglai bắt đầu rước Y trang xuống núi. Cùng đi với đoàn người rước Y trang, người Raglai cử một đội Mã la (Chiêng của người Raglai), trống và kèn Rakle (một loại kèn bầu) để diễn tấu dâng các vị thần linh trong nghi thức trao Y trang cho người Chăm và dâng Y trang vào đền, tháp. Khi đoàn rước Y trang của người Raglai về tới đầu làng Hữu Đức - nơi diễn ra nghi thức giao nhận Y trang của người Raglai và người Chăm, cũng là lúc các chức sắc của đền Po Inâ Nâgar cùng với rất nhiều người dân Chăm trong trang phục truyền thống đổ dồn về khu vực này. Những người thực hành nghi lễ giao nhận Y trang gồm có gia tộc cất giữ Y trang (người Raglai) và đại diện cho giới chức sắc là Sư cả Po Adhia, Ông Kadhar, bà Pajau - những vị lãnh đạo tinh thần thuộc hàng giáo phẩm cao nhất của người Chăm. Phần âm nhạc phục vụ cho việc tiến hành nghi lễ là dàn Mã la gồm 4 chiếc, 1 trống và kèn Sarakel của người Raglai. Khi diễn tấu, các nghệ nhân di chuyển theo hình vòng tròn ngược với chiều kim đồng hồ bao bọc xung quanh nơi hành lễ. Sau phần nghi lễ giao nhận Y trang, đoàn người Chăm và người Raglai cùng nhau rước Y trang và đồ dùng để cúng lễ về đền cất Y trang. Tối đến, người Raglai và người Chăm mang những nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình để diễn tấu cho nhau nghe ở trước cửa đền cất giữ Y trang. Buổi giao lưu văn nghệ này diễn ra rất sôi nổi, hào hứng và vui vẻ.

4. Những thành phần chức sắc chính trong việc thực hành nghi thức ở các đền tháp

Theo quan niệm của người Chăm, chức sắc là người trần gian được thần ban cho nhiệm vụ làm cầu nối giữa con người với thần thông qua các nghi lễ phong tục. Ở những lễ tục khác nhau có thể có những thành phần chức sắc thực hành nghi lễ khác nhau. Đối với lễ tục Katê trên các đền tháp thì có 4 thành phần chức sắc chính thực hành nghi lễ là:  Sư cả Po Adhia là người chủ trì đền tháp và là người chủ đạo từ khâu chuẩn bị cho đến việc hành lễ trên tháp.Thầy Kadhar  là người kéo đàn Ka nhi và hát các bài thánh ca về các vị thần. Bà bóng Muk Pajuw là người rót rượu, dâng rượu mời các vị thần. Ông từ Camanei phụ trách việc tắm rửa và mặc y trang lên tượng thần trong nghi lễ và thu xếp Y trang vào chiết khi kết thúc nghi lễ.

Ngoài những thành phần chức sắc chính kể trên, trong khi thực hiện các nghi lễ còn có một số tu sĩ Bàlamôn phụ lễ.

5. Lễ vật dâng cúng trên tháp Po Klong Garai và đền Po Inâ Nâgar

Qua khảo sát thực địa, chúng tôi đã được Sư cả Đổng Bạ, nhà nghiên cứu Văn Hóa Chăm Quảng Văn Đại và một số chức sắc đạo Bàlamôn cho biết: lễ tục Katê trên tháp Po Klong Garai và đền Po Inâ Nâgar phải có các lễ vật sau:

* Về gia súc: có 1 con dê để chế biến các món ăn và sắp xếp các mâm cơm lễ như: 

- Một mâm lễ thịt: đầu và túi mật dê (Atalai)

- Một mâm lễ thịt: 2 chân sau và cái đuôi dê

- Một mâm cơm thịt và 2 chân trước dê

- Ba bát thịt lễ

- Hai mâm cơm lễ và hai cơm hộp (lisei hop).

* Về bánh trái: gồm các loại như bánh tét cây (pei nung ndaon), bánh tét cặp (peinung binalì), bánh ít (pei dalik), bánh sakaya, bánh ngọt (baoh ahar), chuối (patei). Để bài vị: các mâm bánh lễ gồm có:

- Hai mâm bánh lễ 9 lớp (kaya salipan)

- Một mâm bánh lễ 8 lớp (kaya dalipan)

- Một mâm bánh lễ 7 lớp (kaya tijuh)

- Một mâm bánh lễ 5 lớp (kaya limâ)

- Một mâm bánh lễ cho ông bà tổ tiên (kaya po sang) và 3 bát chè xôi.

Công việc chuẩn bị lễ vật nêu trên chủ yếu diễn ra trong 2 ngày: Ngày 30/6 lịch Chăm (8/10/2018 dương lịch): khoảng từ 7h sáng, một số chị em phụ nữ tình nguyện đến đền thờ Y trang của Po Klong Garai và đền thờ Y trang Po Inâ Nâgar để dọn dẹp, vệ sinh, trang hoàng lại đền thờ và gói, nấu các loại bánh phục vụ để dâng cúng ở trên đền, tháp. Chẳng hạn như bánh tét cây (pei nung ndaon), bánh tét cặp (peinung binalì), bánh ít (pei dalik), bánh sakaya … Nguyên liệu để làm các loại bánh chủ yếu được lấy từ những sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay của người dân trong vùng làm ra. Các mâm lễ thịt, cơm canh để dâng cúng được thực hiện vào sáng sớm ngày 1/7 lịch Chăm (9/10/2018 dương lịch). Những người được phân công chuẩn bị lễ vật đã dậy từ 3h30’ để mổ dê và nấu nướng. Đến khoảng 6h sáng, họ bắt tay vào việc sắp các mâm lễ.

6. Những nghi thức chính thực hiện ở đền, tháp

Việc thực hiện những nghi thức này được diễn ra đồng thời ở cả 3 đền, tháp (vào sáng ngày 1/7 Chăm lịch) và các bước hành lễ, cách thức hành lễ ở các đền, tháp cũng tương tự như nhau. Người dân thuộc khu vực đền tháp nào thì đi lễ ở khu vực đền tháp đó, còn khách tham quan du lịch bốn phương đến đền tháp nào thì thuộc vào ý thích của mỗi người.

Đối với lễ hội Katê, những nghi thức hành lễ ở các đền tháp là phần được người Chăm quan tâm và mong đợi nhiều nhất. Họ tin rằng, thông qua các nghi thức hành lễ, các vị thần linh sẽ che chở, giúp đỡ để họ có thể đạt được những nguyện vọng của mình. Để thể hiện tấm lòng thành kính,ngoài những lễ vật chung của cộng đồng do ban phong tục chuẩn bị, các gia đình người Chăm cũng tự chuẩn bị các mâm lễ vật để dâng cúng các vị thần linh. Trước khi nghi thức đầu tiên diễn ra, các mâm lễ vật của người dân đã được sắp đặt phủ kín mặt bằng xung quanh ngôi tháp.

Dưới đây là một số nghi thức chính trong lễ hội Katê

6.1. Nghi thức rước Y trang và các đồ cúng lễ đến các đền, tháp

Nghi thức rước Y trang và đồ đùng để cúng lễ có hai chặng. Chặng thứ nhất là rước những đồ vật này từ làng của người Raglai về đền giữ Y trang của các đền tháp (như đã trình bày ở trên, chặng này chỉ còn đền Po Inâ Nâgar thực hiện). Chặng thứ hai là rước Y trang từ đền cất giữ Y trang đến những đền tháp chính.  Đây là nghi thức cả ba đền tháp đều thực hiện.

Vào khoảng 6h30’ sáng 01/7 (lịch Chăm), ông từ giữ đền Y trang làm thủ tục dâng lễ vật (trầu, cau, rượu, trứng,...) và cúng xin phép các vị thần linh cho rước Y trang, đồ cúng lễ về các đền tháp chính để hành lễ. Khoảng 7h, đoàn rước bắt đầu khởi hành, dẫn đầu đoàn rước là 4 chức sắc người Chăm: Sư cả Po Adhia, ông Kadhar, bà bóng Muk Pajuw, ông từ Camanei; tiếp theo là dàn nhạc  Raglai vừa đi vừa diễn tấu, rồi đến đội rước kiệu đồ cúng lễ, đội múa, dàn nhạc Chăm và sau cùng là những người dân tham gia lễ hội. Khi đoàn rước kiệu đến các đền, tháp thì nghi thức đầu tiên là trình diễn nghệ thuật để dâng lên các vị thần linh. Phần thứ nhất là tiết mục hòa tấu Mã la, trống, kèn Sarakel của người Raglai, phần thứ hai là tiết mục múa lễ của 7 thiếu nữ Chăm cùng với sự tham gia của các nhạc cụ Saranai, trống Ghì nằng và trống Paranưng.

6.2. Nghi thức tấu trình (Pathau Haln) Po Ginuer Matri

Thực hiện nghi thức tấu trình, bốn chức sắc ngồi quay mặt về phía cửa ngôi tháp chính. Mỗi chức sắc cầm 5 lá trầu, 5 miếng cau, 1 cây nến giơ cao trước mặt tấu trình với Po Ginuer Matri với nội dung đại ý như sau: Hôm nay, ngày lành tháng tốt và là ngày lễ Katê người dân mang lễ vật đến cúng và trả nợ cho thần linh. Xin thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt bội thu, con người và vật nuôi luôn khỏe mạnh, con cái học hành nên người, công việc làm ăn may mắn và thành đạt trong cuộc sống5. Trong lúc bốn vị chức sắc tấu trình, trước cửa tháp chính các vị chức sắc khác sắp xếp các mâm lễ vật hướng về cửa tháp chính. Sau khi lễ vật được sắp xếp xong, các chức sắc ngồi thành 2 hàng, quay mặt hướng về các lễ vật đã được sắp xếp để tiếp nhận lễ vật của người dân (trầu cau, rượu) và thay họ tấu trình lên các vị Thần về những mong muốn của họ.

6.3. Nghi thức tắm phù điêu Po Ginuer Matri

Người thực hiện nghi thức tắm phù điêu Po Ginuer Matri trước cửa tháp là ông Camanei. Nước dùng để tắm phù điêu có tên là nước cát lồi (Pata Aia Mu) đã được làm phép. Để thực hiện nghi thức này, ông Camanei dùng hai tay bưng bát nước cát lồi khấn xin phép thần linh thực hiện nghi thức té nước (tắm rửa) cho ngài. Sau đó, ông Camanei té nước lên bức tượng Po Ginuer Matri. Nghi thức này được thực hiện 3 lần. Khi ông Camanei chuẩn bị thực hiện nghi thức té nước, rất nhiều người dân đã chen nhau vào khu vực trước cửa tháp bên dưới bức phù điêu Po Ginuer Matri với hy vọng những giọt nước sau khi tắm cho ngài sẽ rơi xuống người mình. Họ quan niệm đó như những giọt nước thánh, ai càng hứng được nhiều người đó càng may mắn.

6.4. Nghi thức mở cửa tháp

Đầu tiên, Sư cả Po Adhia ngồi trước cửa tháp khấn vái các vị thần và đọc thần chú xin vào tháp để hành lễ. Tiếp đến, Muk Pajuw làm nghi thức thánh tẩy cửa tháp, khấn vái xin phép thần linh được mở cửa tháp để tổ chức lễ hội Katê, còn chức sắc Kadhar kéo đàn Ka nhi và hát thánh ca về việc xin được mở cửa tháp. Đại ý nội dung khúc hát như sau:

Hãy đốt hương trầm bằng ngọn lửa thiêng

Khói hương trầm bay lên ngọn tháp

Hương trầm của người trần dâng lễ

Để các ngài chứng giám

Ngài mới cho mở cửa đá

...

Hãy đốt hương trầm bằng ngọn lửa thiêng

Khói hương trầm bay lên ngọn tháp

Hương trầm của người trần dâng lễ

Để các ngài chứng giám

Ngài mới cho mở cửa gỗ...

Sau khi mở cửa tháp, bốn thành phần chức sắc chính bước vào trong tháp để thực hiện các nghi thức tiếp theo.

6.5. Nghi thức tắm tượng Mukhalinga Po Klong Garai

Để thực hiện nghi thức tắm tượng Mukhalinga, Sư cả Po Adhia sử dụng nước cát lồi (Aia Mu), nước thánh (Danal Aia Gal), bông (Bingu Tak Diak), hạt nổ (Brah Kamang), trầu têm (Kapu Hala) và rượu. Đầu tiên, Sư cả Po Adhia thực hiện nghi thức thánh tẩy tượng Mukhalinga. Sau đó, ông Kadhar với cây đàn Ka nhi vừa kéo đàn vừa hát bài thánh ca đi lấy nước đầu nguồn về tắm cho Po Klong Garai6. Đại ý nội dung khúc hát như sau:

Chúng con mang nước này từ sông thiêng,

Xin tắm, gội đầu, rửa tay chân cho thần

Chúng con lấy nước từ sông thiêng,        

Xin tắm và lấy khăn lau mình thần

Thần đã về trời lâu ngày,

Hôm nay mới đến phù hộ độ trì chúng con...7.

Khi ông Kadhar hát đến nội dung gì thì Bà Muk Pajuw và ông Camanei thực hiện theo đến đó.

6.6. Nghi thức mặc y trang cho Po Klong Garai 

Sau nghi thức tắm tượng thần xong, tiếp đến là nghi thức mặc y trang cho Po Klong Garay. Po Adhia dùng chén nước thánh tiến hành nghi thức thánh tẩy y trang. Trong khi đó, ông Kadhar với cây đàn Ka nhi vừa kéo đàn vừa hát thánh ca bài thánh tẩy y trang, rồi đến bài mặc y trang cho ngài với nội dung diễn tả động tác mặc váy, mang dây thắt lưng, mang áo, quấn khăn đầu, mang giày. Ông Kadhar hát đến nội dung nào thì ông Camanei và Muk Pajuw thực hiện theo như vậy. Bước cuối cùng trong nghi thức mặc y trang là việc cột Patun (biểu tượng cho bầu trời). Đến đây, coi như việc mặc y trang cho thần đã hoàn tất8.

6.7. Nghi thức dâng lễ (Palieng Yang)

Sau khi mặc y trang, y phục cho Yang và trước khi tiến hành các nghi thức dâng lễ, các lễ vật và các mâm lễ được bưng vào sắp xếp trong tháp chính trên chiếc bệ ở phía trước mặt Mukhalinga Po Klong Garai. Lễ vật gồm 1 hộp cơm (hop lisei), 1 mâm lễ đầu dê (atalai), 1 cambah gỏi (cambah laba), 2 mâm bánh 9 lớp (kaya salipan) và 1 cambah chè xôi (bu ndiép)9. Khi các lễ vật đã được sắp đặt xong, Sư cả Po Adhia thắp sáng cây đèn thần, gắn cây đèn thần vào lư lửa và đốt trầm hương. Trong lúc này, ông Kadhar hát thánh ca để Sư cả Po Adhia thực hiện các nghi thức cúng lễ.

6.8. Nghi thức đánh thức và thỉnh mời thần linh (Pamângdeh Yang).

Nghi thức đánh thức và thỉnh mời các vị thần linh về dự lễ Katê do ông Kadhar thực hiện. Với cây đàn Ka nhi ông Kadhar hát các bài thánh ca để đánh thức các vị thần. Trong lúc ông Kadhar hát, mọi người quan sát vào cây đèn thần, khi nào nhìn thấy ngọn lửa lúc cao lúc thấp và ngọn lửa chẻ ra thành 2 ngọn hoặc 3 ngọn thì đó là biểu hiện thần linh đã đến ngự trị và nhận những lễ vật mà người dân dâng cúng trong ngày lễ Katê10. Đại ý nội dung khúc hát thánh ca như sau:

Giường nằm của ngài bằng vàng, bằng ngà voi cho ngài an tọa.

Nước trầm hương, nước rải cánh hoa chúng con dâng lên cho ngài.

Xin ngài đừng ngủ nữa, xin ngài mở mắt thức dậy (hát lại 3 lần)

Chúng con thắp nến bảo vệ ngài

Các hậu duệ của ngài hãy thức dậy

Mang giầy đem tới cho ngài…

Sau khi đánh thức Po Klong Garai, ông Kadhar tiếp tục hát để đánh thức các vị thần khác.

6.9. Nghi thức dâng lễ vật cho thần linh

Sau khi đã mời được các vị thần linh về ngự tọa, ông Kadhar chuyển sang bài hát với nội dung dâng lễ vật cho thần linh, còn Sư cả Po Adhia tiến hành các nghi thức dâng nước cho thần linh xúc miệng, rửa mặt, dâng muối hột, cơm, rượu, mâm thịt đầu dê, mâm bánh và cuối cùng là dâng trầu cau. Ông Kadhar hát đến nội dung nào thì Sư cả thực hiện nghi thức đó.

6.10. Nghi thức thỉnh mời các vị thần linh thụ hưởng lễ vật (Rep Ginuer Lisei)

Thực hiện nghi thức này, ông Kadhar vén phần áo sau lưng phủ trùm kín phần đầu của mình và ngồi quỳ hai đầu gối trước Lingamukhalinga Po Klong Garai vừa kéo đàn Ka nhi vừa hát bài thánh ca Rep Ginưer Lisei. Đồng thời, Po Adhia làm các động tác dâng lễ vật cho thần linh11. (Một số chức sắc cho biết, khi thần linh thụ hưởng lễ vật thì ông Kadhar không được phép nhìn. Vì vậy, ông phải vén phần áo sau lưng phủ trùm kín phần đầu của mình). Sau khi mời Po Klong Garai thụ hưởng lễ vật, ông Kadhar chuyển sang hát các bài thánh ca về các vị thần linh khác với nội dung ca ngợi công lao của các vị thần và mời họ về thụ hưởng lễ vật. Các vị thần được mời về như: Po Inư Nưgar, Po Pan, Pan Thun Giray, Po Giray Bhaok, Po Bia Nai Kuen (Vợ của Po Klong Garai), Po Romé, Po Bia Than Cih và Po Bia Than Can (Vợ của Po Romé), Po Sah, Po Klong Kasat… Khi ông Kadhar hát, Sư cả Po Adhia, bà bóng Muk Pajuw, ông từ Camanei lắng nghe bài thánh ca và mỗi người sẽ thực hiện các nghi thức của mình theo nội dung của lời ca.

Dưới đây là đại ý nội dung một số bài thánh ca thỉnh mời thần linh do Kadhar Lũy thể hiện:

Po Klong Garai đắp đập, ngăn sông

Ngài khai mương đực, mương cái dẫn thủy nhập điền

Ngài tạo cho dân có nước, có đập, có ruộng

Hướng dẫn cho dân làm lúa, làm nương

Ngài leo lên lưng voi ở trên núi, cưỡi voi xuống đồng bằng.

Chúng con mời ngài và các vị thần hưởng những đồ ăn quý, hưởng tấm lòng thảo của dân làng dâng lên.

Mời ngài hưởng thịt dê và cơm canh.

Hưởng xong, ngài ban phước cho dân làng được an lành12.

Thần Po Inâ Nâgar đem áo xuống sông tắm.

Tắm xong, thần lấy một bộ áo bận vào. (hát 3 lần)

Thần Po Inâ Nâgar sinh ra đất nước, con người

Thần cho trần gian cuộc sống

Thần cho cây cối tốt tươi con người nảy nở

Thần sinh ra cây lúa, đất đai, ruộng vườn

Đồng bào làm ra lúa rồi đem vào kho của Po Inâ Nâgar …

Dân làng xin mời Po Inâ Nâgar ăn trầu đựng trong khay, trầu được gói bằng nhiều hoa văn thật đẹp.

Mời Po Inâ Nâgar hưởng những lễ vật quý giá.

Lễ vật có thịt dê, có trái cây, có trầu, có cau dâng trước mặt thần.

Đây là tấm lòng hiếu thảo của chúng con.

Hưởng xong, thần ghi nhận và ban phước cho dân làng được bình an13.

Po Tei Thun cầm chiếc roi thần

Cưỡi con ngựa đang từ đồi đi xuống

 Xuống tới chỗ có một thau nước

Hãy lấy nước mời ngài rửa chân

Lấy thau đồng mời ngài rửa mặt

Tốt bụng chính là ngài

Dân làng nhờ các vị chức sắc mời ngài về, ngài không từ chối

Ngựa ngài từ trên đồi xuống

Dân làng đem ô đi đón ngài

Thấy ngài đẹp trai quá

Dân làng xếp hai bên đón ngài

Con ngựa có lục lạc treo cổ, có tiếng kêu lốp cốp

Mời ngài hưởng trứng, rượu ngon, trầu cau

Rượu đựng trên ly nhỏ, Ngài không thích

Ngài thích rượu đựng ở bình to

Dân làng rót rượu trong ly nhỏ

Ngài nói đổ ra tô to để ngài uống cho đã.

Mời ngài hưởng những vật quý giá, 3 hột trứng gà, 5 miếng trầu, 5 miếng cau dâng trước mặt ngài

Hưởng xong, thần công nhận và ban phước cho dân làng được bình an14.

6.11. Nghi thức cúng mời Po Bia trong đền

Sau khi thực hiện xong các nghi lễ trong đền tháp chính, các thành phần chức sắc tiếp tục di chuyến đến ngôi đền Po Bia ở đằng sau ngôi tháp chính. Ông Kadhar hát thánh ca về công lao và sự nghiệp của Po Bia và thỉnh mời thần thụ hưởng lễ vật. Khi hát đến các nội dung cần phải hành lễ, Sư cả và bà Muk Pajuw sẽ là người thực hiện theo các nghi thức đó.

6.12. Nghi thức tiễn đưa linh hồn con vật hiến tế (Pathar Pabah)    

Tất cả các lễ vật đặt trong đền tháp, ở cửa tháp và ở đền thờ Po Bia đều được mang tập trung và sắp xếp lại ở phần sân trước cửa tháp. Các chức sắc Po Adhia, Kadhar và Pajuw ngồi vào vị trí như nghi thức Tấu trình (Pathau Haln) để thực hiện nghi lễ Pathar Pabah. Nghi lễ này có ý nghĩa tiễn đưa linh hồn con vật hiến tế (ở đây là con dê) lên trời tấu trình với thần linh về việc cúng bái của thần dân trong ngày Katê và cầu mong thần linh chứng giám, phù hộ độ trì cho người dân. Riêng, ông Camanei đảm nhận việc thu xếp Y trang của thần linh cho vào chiết15.

6.13. Nghi thức đóng cửa tháp

Sau khi thực hành xong tất cả các nghi lễ trên (khoảng 14h chiều), các chức sắc đứng trước cửa tháp cùng Sư cả Po Adhia làm bùa phép, đọc thần chú để trấn cửa tháp và chào thần linh ra về. Sau đó đóng cửa tháp. Khi đi xuống dưới chân đồi tháp, bốn thành phần chức sắc chính mở khăn bịt đầu và chít khăn thổ cẩm như ngày thường16.

III. NGHI LỄ Ở KHU BIA MỘ PO KLAONG HALAU

Khi tìm hiểu vể Po Klaong Halau, chúng tôi thấy rất ít người hiểu biết về tiểu sử của ngài. Một số chức sắc cũng chỉ biết ông làm vua và trị vì đất nước trong 25 năm. Ngay cả Biên Niên Sử Champa (Sakkarai Dak Rai Patao) cũng không xác định chính xác năm ông trị vì: “Po Klaong Halau (1567-1591 hay1579-1603), ngài không có liên hệ thân tộc với vương triều Po Mahosarak, lên ngôi năm Thỏ, thoái vị năm Thỏ, trị vì 25 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (gần làng Chung Mỹ, Phanrang)”17.

Nghi lễ Po Klaong Halau được tổ chức định kỳ hằng năm. Theo lịch của người Chăm là vào ngày 02 tháng 7. Sau khi thực hành xong các nghi lễ ở các đền tháp, chiều ngày 1 tháng 7 lịch Chăm, một số chức sắc và người dân ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước lại tiếp tục chuẩn bị lễ vật, dọn dẹp khu bia mộ của Po Klaong Halau để tổ chức lễ cúng chính thức vào sáng ngày hôm sau.

Một số người dân ở thôn Hữu Đức cho biết: vị thần Po Klaong Halau rất linh thiêng và họ thờ phụng ông rất chu đáo. Vào ngày lễ, hầu như mọi gia đình đều mang lễ vật tới khu bia mộ của Po Klaong Halau để dâng cúng. Những nghi thức chính ở là:

1. Thánh tẩy đất đai

Thời gian thực hiện nghi thức này khoảng từ 7h đến 8h sáng. Lễ vật có 3 con gà, rượu, trầu, cau… và đồ dùng để tẩy uế là một bình nước với đủ 37 thứ (chẳng hạn như: cục nam châm, tóc của trẻ nhỏ, nghệ đen…) hòa trộn với nhau. Người thực hiện nghi thức Thánh tẩy đất đai là Phó Sư cả Trượng Tạo và một số tu sĩ Bàlamôn phụ lễ. Nhạc cụ phục vụ cho nghi thức này là Săng (tù và)

2.Nghi lễ cúng thần linh

Thời gian hành lễ chính thức từ khoảng 8h30’ đến 11h. Lễ vật dâng cúng Po Klaong Halau và các vị thần linh gồm có 1 con dê, 3 con gà, 5 mâm cơm lễ và một số mâm bánh trái (việc mổ dê, mổ gà và nấu các mâm cơm lễ được thực hiện từ sáng sớm tinh mơ. Đến khoảng 7h30’, những lễ vật trên đã được sắp xếp trang trọng trước bia mộ của Ngài). Khoảng sân còn lại là những mâm lễ vật của các hộ gia đình. Thành phần chính trong việc thực hành nghi thức cúng Po Klaong Halau là hai chức sắc: Phó Sư cả làm chủ lễ18 và thầy Kadhar - người kéo đàn Ka nhi và hát các bài thánh ca về các vị thần. Ngoài ra, trong khi thực hiện các nghi thức còn có một số tu sĩ Bàlamôn phụ lễ.

Nghi thức hành lễ:  đầu tiên, giới thiệu công lao, sự nghiệp của Po Klaong Halau và thỉnh mời Ngài về dự lễ hội; tiếp đến là dâng lễ vật và mời Ngài thụ hưởng; sau cùng là thỉnh cầu Ngài ban phước lành cho dân làng. Nội dung cụ thể của các bước hành lễ đều được thể hiện trong lời ca của chức sắc Kadhar. Khi Kadhar hát đến nội dung nào thì Phó Sư cả sẽ thể hiện theo những nội dung đó bằng hành động cụ thể. Chẳng hạn, Kadhar hát đến đoạn dâng rượu mời thần linh thì phụ lễ sẽ rót rượu và Phó Sư cả sẽ thực hiện nghi thức mời rượu thần linh.

Tiếp đến, chức sắc Kadhar và chủ lễ chuyển sang thỉnh mời các vị thần linh khác. Các bước hành lễ đối với các vị thần này cũng tương tự như các bước hành lễ đối với Po Klaong Halau. Những vị thần linh được mời về trong lễ hội Po Klaong Halau là: Po Inâ Nâgar, Po Pănh, Po Pìa, Po Klong Garai, Po Klaong Girai Ram, Po Klong Garai Ná, Po Rome, Po Sah, Po Klaong Chanh, Po Klaong Sah, Po Tang, Po Gihlau, Po Riyak, Po Cei Tathun, Po patao Yang In.

IV. MỘT SỐ NHẠC CỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG LỄ HỘI KATÊ VÀ LỄ PO KLAONG HALAU

1. NHẠC CỤ CHĂM

Một số nghệ nhân cho biết: nhạc cụ sử dụng trong lễ hội Katê và lễ Po Klaong Halau chưa phải là toàn bộ kho tàng nhạc cụ của người Chăm Bàlamôn. Mặc dù vậy, chúng tôi thấy nó cũng khá phong phú và đa dạng. Nếu dựa vào cách phân loại nhạc cụ của 2 tác giả E. Hornbostel và Sachs thì những nhạc cụ này bao gồm cả bốn họ nhạc cụ: họ dây có Ka nhi; họ màng rung có trống Ghìnằng, trống Paranưng; họ hơi có kèn Saranai, Săng (tù và làm bằng ốc biển); họ tự thân vang có Cheng (chiêng có núm), Lục lạc đồng.

1.1. Đàn Ka nhi: Ka nhi là nhạc cụ thuộc họ dây, chi cung kéo, là nhạc cụ dành riêng cho chức sắc Kadhar. Mặc dù chỉ là một nhạc cụ đệm, nhưng Ka nhi lại đóng vai trò rất quan trọng trong lễ hội Katê. Nó là nhạc cụ duy nhất được sử dụng để đệm cho các bài thánh ca trong suốt quá trình hành lễ. Chức năng của Ka nhi là để phục vụ cho một số nghi lễ tế lễ thần linh. Vì vậy, nó là nhạc cụ thiêng và có những kiêng cữ rất khắt khe. Một số chức sắc Kadhar cho biết: không phải lúc nào cũng được phép mang Ka nhi ra sử dụng và nó chỉ được sử dụng trong các nghi lễ có sự tham gia của chức sắc Kadhar. Trước khi lấy Ka nhi ra sử dụng, ông Kadhar phải làm lễ (3 quả trứng gà, 5 lá trầu, 5 cau, 1 xị rượu và đốt một ngọn đèn) dâng lên bàn thờ Tổ pháp (bàn thờ Tổ của chức sắc Kadhar) và khấn vái trình báo với vị Tổ pháp lý do sử dụng đàn Ka nhi và mời vị Tổ pháp cùng đi làm lễ với ông. Khi không sử dụng, các chức sắc Kadhar cất ngay Ka nhi vào một chiếc túi vải kín đáo. Về đến nhà, chức sắc Kadhar cất Ka nhi ở một nơi trang trọng trên ban thờ Tổ pháp trong phòng riêng của mình.

Về khía cạnh chế tác, người làm đàn cũng phải tuân thủ những kiêng cữ nhất định. Khi chuẩn bị các bộ phận của nhạc cụ thì không phải kiêng kỵ, nhưng khi lắp ráp các bộ phận đó lại với nhau để hoàn thiện cây đàn thì phải chọn ngày, phải có lễ vật và phải có sự hướng dẫn và làm cùng của một bậc thầy về đàn Ka nhi – thường là chức sắc Kadhar. Theo phong tục của người Chăm, ngày làm đàn Kanhi là ngày thứ 4 (theo lịch dương) và phải là ngày chẵn theo lịch của người Chăm. Về lễ vật gồm có bánh, trái, hoa, nước trà…

1.1.1.Cấu tạo:

 Đàn Kanhi gồm các bộ phận chính như sau:

- Bầu đàn: bầu  đàn Ka nhi chỉ được làm từ một loại nguyên liệu duy nhất đó là mai rùa (gra). Nghệ nhân Kadhar Lũy cho biết: từ xa xưa truyền lại là phải chọn loại rùa vàng (tiếng Chăm là gra mứ) để làm chứ không sử dụng mai của các loại rùa khác. Nếu sử dụng mai của các loại rùa khác thì chỉ được kéo chơi chứ không được phép sử dụng để đệm cho các bài thánh ca trong các nghi lễ trên đền tháp. Kadhar Lũy cho biết thêm: rùa vàng là loại rùa sống ở trên núi cao và rất hiếm khi chúng ta gặp được nó. Số lượng loại rùa này không có nhiều. Mỗi năm, rùa vàng chỉ ra khỏi hang một lần vào tháng nắng (khoảng tháng 8 dương lịch) để kiếm ăn. Sau đó nó lại vào hang nằm miết cho tới tháng nắng sang năm mới ra tiếp.

- Mặt đàn: nguyên liệu làm mặt đàn phổ biến nhất là gỗ xoài. Cách chế tác mặt đàn như sau: đầu tiên, nghệ nhân chọn một miếng gỗ đẹp, thẳng thớ có độ dài khoảng 20cm, rộng 12cm. Sau đó, người ta bào hoặc lạng mỏng để độ dày còn lại khoảng 3mm rồi gắn vào bề mặt cắt của mai rùa. Khi cây đàn đã được lắp đầy đủ các bộ phận, họ sẽ kéo thử để đánh giá chất lượng âm thanh và tinh chỉnh lại độ dày của mặt đàn để tạo ra những âm thanh theo ý muốn. Nếu âm thanh chưa hay, họ sẽ chà mỏng dần độ dày của mặt đàn. Sau mỗi lần chà, nghệ nhân lại kéo thử để đánh giá chất lượng âm thanh cho tới khi có được âm thanh như mong muốn thì thôi.

- Ngựa đàn: ngựa đàn là một bộ phận đặt trên mặt đàn với chức năng kê dây và để truyền dao động của dây đàn xuống mặt đàn. Ngựa đàn được làm bằng gỗ có kích thước chiều dài khoảng 4cm, rộng 0,8cm, chiều cao khoảng 1,3cm. Một số nghệ nhân cho biết: chiều cao của ngựa đàn cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của đàn. Để có chiều cao hợp lý, các nghệ nhân dùng cách thức tinh chỉnh dần dần như cách làm đối với mặt đàn. Đầu tiên, họ để thanh gỗ hơi cao một chút rồi kéo thử. Nếu thấy âm thanh chưa hay, họ gọt thấp xuống từng chút một chút rồi lại kéo thử cho tới khi có được âm thanh hay nhất thì thôi.

- Cần đàn: cần đàn được làm từ một đoạn tre già, thẳng có đường kính khoảng 2,5cm. Chiều dài của cần đàn tính từ bầu cộng hưởng đến hết phần đầu của cần được qui định là 3 gang tay (khoảng 60cm).

- Trục lên dây: trục lên dây có thể được làm bằng gỗ hoặc sừng con hươu. Theo nghệ nhân Kadhar Lũy: nguyên liệu tốt nhất để làm trục lên dây là sừng hươu hoặc sừng con mang. Nguyên liệu này rất bền và trông cũng đẹp hơn là làm bằng gỗ.

- Dây đàn: được làm bằng tơ tằm hoặc bằng dây nylon

- Cung kéo: làm bằng tay tre hoặc cây trúc nhỏ uốn cong như hình cánh cung dài khoảng 50cm, dây cung kéo làm bằng lông đuôi ngựa.

- Cữ đàn: là một đoạn dây tơ (hoặc dây dù) buộc trùm lên cả hai dây đàn và cần đàn, rồi kéo sợi dây cữ về phía cần đàn, làm cho 2 dây đàn ở vị trí này bị gấp khúc tạo thành điểm chặn sự dao động của toàn bộ dây đàn (tức là sự dao động chỉ xảy ra ở đoạn dây từ ngựa đàn đến cữ đàn). Cữ đàn có thể di chuyển dọc theo dây đàn và cần đàn tạo cho đoạn dây dao động dài ra hoặc ngắn lại, làm cho âm thanh của 2 dây đàn cùng cao lên hoặc cùng thấp xuống cho phù hợp với giọng của người hát. Nếu giọng cao thì đẩy cữ gần về phía bầu đàn, nếu giọng thấp thì đẩy theo chiều ngược lại. Theo kinh nghiệm của một số nghệ nhân: cách buộc dây cữ chặt hay lỏng để tạo ra đoạn gấp khúc nhiều hay ít cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng âm thanh của cây đàn. Muốn có âm thanh tốt, các nghệ nhân phải buộc đi buộc lại với sự căng trùng khác nhau và mỗi lần buộc lại thì phải kéo thử để đánh giá âm thanh cho đến khi có được âm thanh tốt nhất.

Với những gì trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng để chế tác được một cây Ka nhi hay, người làm đàn không chỉ cần đến những hiểu biết về nguyên liệu, các kỹ năng làm đàn mà họ phải là một nghệ nhân có khả năng thẩm định được chất lượng âm thanh do sự ảnh hưởng của từng bộ phận tạo nên như mặt đàn, ngựa đàn, cữ đàn, dây đàn…

 

1.1.2. Tính biểu tượng và tín ngưỡng phồn thực của nhạc cụ Ka nhi

Ông Quảng Văn Đại cho biết, văn hóa Chăm luôn coi con người là trung tâm, vì vậy hầu như tất cả những thứ họ tạo ra đều mang những biểu tượng gắn với con người. Ngoài ra, yếu tố dương - âm, đực – cái cũng được người Chăm rất coi trọng, họ cho đó là nguồn gốc của sự sinh sôi, nảy nở và phát triển. Đối với nhạc cụ Ka nhi cũng vậy.

Dưới đây là một số tư liệu do ông Kadhar Lũy và Kaing Thạch Ngọc Cay cung cấp: “Từ đời xưa truyền lại rằng, cần đàn Ka nhi là biểu tượng cho thân hình con người : phần trên cùng của cần đàn là đầu; hai trục lên dây là bầu vú của người phụ nữ; phía sau của trục lên dây ngoài (nữ -yoni) có treo chiếc lô ô nhỏ với các tua rua xinh xắn (hoặc chiếc khuyên) tượng trưng cho chiếc bông tai của nữ giới;  phía sau của trục lên dây trong (nam - linga) người ta treo một chiếc túi nhỏ tượng trưng cho chiếc túi đựng đồ của chức sắc nam giới khi đi hành lễ. Chiếc túi nhỏ này cũng có tác dụng đựng đồ phục vụ cho cây đàn, đó là cục nhựa thông dùng để chà sát lên phần đuôi ngựa của cung kéo để tạo ma sát và phát ra âm thanh. Túi đó cũng chính là vật dụng mang tính nam. Hai dây đàn biểu tượng cho hai giới: dây trầm biểu tượng cho giới nam, dây cao biểu tượng cho giới nữ. Cung kéo biểu tượng cho giới nam, khe ở giữa 2 dây đàn biểu tượng cho giới nữ. Chính vì thế mà phần dây của cung kéo phải nằm ở phần khe giữa 2 dây đàn và cung kéo phải chuyển động liên tục theo hướng ra/ vào. Vì cung kéo với biểu tượng cho giới nam, nên khi diễn tấu nghệ nhân hầu như chỉ sử dụng dây biểu tượng cho giới nữ. Theo ý kiến của Kaing Thạch Ngọc Cay: nam nữ (dương-âm) va chạm vào nhau nhiều thì mới phát triển và sinh sôi nảy nở.

Trong phần âm nhạc của Ka nhi khi đệm cho các bài thánh ca trên các đền tháp, chúng tôi cũng thấy các nghệ nhân hầu như chỉ sử dụng dây cao (dây biểu tượng cho giới nữ), còn dây trầm (dây biểu tượng cho giới nam) hầu như không sử dụng đến.

1.2. Kèn Saranai.

Kèn Saranai là nhạc cụ thuộc họ hơi, chi dăm kép. Kèn gồm có 4 bộ phận:

- Thân kèn (hay còn gọi là dọc kèn): dài khoảng 20 cm, thường được làm bằng gỗ tốt như gỗ trắc, gỗ lim xanh, lõi của cây me…, có một số ít thân kèn được làm bằng ngà voi. Trên thân kèn có khoét 7 lỗ bấm ở phía trên và một lỗ bấm ở phía dưới để tạo ra các cao độ khác nhau.

- Loa kèn: dài khoảng 10cm, có thể được làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau như gỗ, sừng trâu hoặc ngà voi.

- Cọc dăm: dài khoảng 5,5cm, được làm bằng đồng lá uốn thành một chiếc ống đầu to, đầu nhỏ dùng để nối thân kèn với dăm kèn.

- Dăm kèn: dài khoảng 1,5cm, được làm bằng lá buông

Nhiều chức sắc và nghệ nhân ví kèn Saranai là phần đầu của “bộ ba” nhạc cụ Chăm. Bảy lỗ trên thân kèn, theo quan niệm của người Chăm, nhằm biểu thị: thính giác, thị giác, vị giác và khứu giác. Lỗ bên dưới là đường thoát của hồn khi rời khỏi xác (phần âm)19

1.3. Trống Paranưng

Trống Paranưng là nhạc cụ thuộc họ màng rung, chi vỗ. Thân trống được đục rỗng từ một khúc gỗ liền. Thành trống có chiều cao khoảng 10cm. Trống chỉ có một mặt. Mặt trống được làm bằng da dê, có đường kính khoảng 41cm. Mặt trống không gắn cố định vào thành trống mà được làm căng bởi các sợi dây mây nối từ phần vành của mặt trống tới phần đai làm bằng cây song uốn hình tròn nằm ở phía dưới của thành trống. Phần giữa đáy của thành trống và đai trống, người ta dùng 12 chiếc nêm bằng gỗ để điều chỉnh cao độ của mặt trống. Theo quan niệm của người Chăm, 12 chiếc nêm là biểu tượng cho 12 tháng trong năm. Paranưng là nhạc cụ kiêng cữ, chỉ được dùng trong một số lễ hội và chỉ có một số người mới được phép sử dụng – chủ yếu là chức sắc Mưtuồn, ở một số trường hợp đặc biệt chức sắc Kadhar mới được phép sử dụng.

 

 

 

1.4. Trống Ghìnằng

Trống Ghìnằng là nhạc cụ thuộc họ màng rung, chi gõ, vỗ. Trống được đục rỗng từ một khúc gỗ liền, có chiều dài khoảng 76cm. Trống gồm có hai mặt.

Đường kính mặt lớn 28cm bịt bằng da trâu - gọi là mặt pầm. Đường kính mặt nhỏ 24cm, bịt bằng da con hoẵng (mang) hay da dê - gọi là mặt chang. Để bịt và chằng da mặt trống, thợ làm trống dùng hai chiếc đai tròn bện bằng da trâu khô, dùng dây chằng níu hai đai để làm căng mặt trống20. Theo quan niệm của người chăm: kèn Saranai, trống Paranưng và trống Ghìnằng là biểu tượng cho ba phần của cơ thể con người: kèn Saranai là phần đầu, trống Paranưng là phần thân, và trống Ghìnằng là đôi chân. Khi diễn tấu, các nghệ nhân cũng đặt những nhạc cụ này ở những vị trí tương ứng với các phần cơ thể nói trên: kèn Saranai được thổi bằng miệng, trống Paranưng được đặt ở trước ngực, trống Ghìnằng bao giờ cũng phải sử dụng 2 cái đồng thời và phải có một mặt chạm xuống đất. Khi diễn tấu, hai trống được đặt chéo theo hình dấu nhân, hai người chơi hướng mặt vào nhau.

 

 

1.5. Săng (Tù và)

Săng và là nhạc cụ thuộc họ hơi, được làm từ vỏ ốc tù và biển, có chiều dài khoảng 25cm.  Săng là nhạc cụ được sử dụng trong nghi thức tẩy uế đất đai ở đền, tháp và ở cút Thành Hoàng Làng Po Klaong Halau trước khi thực hành nghi lễ cúng các vị thánh thần. Sư cả Hán Văn Dậu cho biết: “Âm thanh của Tù và rất có uy lực. Khi tiếng Tù và vang lên thì ngay cả những con thú dữ như hổ, báo, voi … cũng phải sợ mà bỏ đi. Vì thế, khi thổi Tù kết hợp với việc đọc kinh, làm phép sẽ có tác dụng cho việc xua đuổi tà ma và những ám khí ra khỏi khu đất của đền, tháp và cút làng.

2. NHẠC CỤ RAGLAI

Ngoài những nhạc cụ Chăm giới thiệu trên đây trong lễ hội Katê còn có sự góp mặt ba loại nhạc cụ của người Raglai, đó là Mã la, trống và kèn Sarakel.

 

        

2.1. Dàn Mã La       

Mã la là nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, chi đấm, có hình dáng và cấu tạo tương tự như chiêng bằng (chiêng không có núm) của một số tộc người ở Tây Nguyên. Nhạc cụ được làm bằng đồng gồm có 4 chiếc to nhỏ khác nhau, có đường kính từ khoảng 35 đến 40cm. Thành Mã la dày khoảng 6-7cm. Tên của 4 chiếc Mã la cũng được sắp xếp theo trật tự giống như ngôi thứ trong một gia đình: Mã la có cao độ thấp nhất (to nhất) được gọi là mẹ, Mã la có cao độ cao thứ hai (to thứ hai) là con cả, Mã la có cao độ cao thứ ba (to thứ ba) là con thứ, Mã la có cao độ cao nhất (nhỏ nhất) là con út. Giới tính sử dụng Mã la có thể là nam hoặc nữ tùy theo từng làng. Dàn Mã la để cúng thần trong lễ hội Katê là do nam giới sử dụng, mỗi người diễn tấu một chiếc. Khi diễn tấu, các nghệ nhân khom lưng, ôm Mã la trước bụng, vừa đi, vừa nhún nhảy, và thường di chuyển theo hình vòng tròn ngược với chiều kim đồng hồ. Mã la là một loại nhạc cụ thiêng. Trước khi sử dụng, người Raglai phải làm lễ cúng xin phép thần linh và tổ tiên.Trong các nghi lễ quan trọng, người Raglai thường sử dụng Mã là và coi nó như một phương tiện để chuyển tải những thông điệp của họ tới các vị thần linh.

2.2. Sơgơr (trống)

Sơgơr là nhạc cụ thuộc họ màng rung, chi gõ. Thân trống được đục rỗng từ một khúc gỗ liền, ở giữa hơi phình ra và thuôn dần về phía hai mặt trống. Thành trống có chiều cao khoảng 40cm. Mặt trống được bịt bằng da trâu, có đường kính khoảng 30cm. Sơgơr thường được sử dụng để hòa tấu với dàn Mã la với chức năng như một nhạc cụ giữ nhịp.

3. Sarakel (khèn bầu)

Sarakel là nhạc cụ thuộc họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do. Cấu tạo của Sarakel gồm 6 ống nứa nhỏ có độ dài ngắn khác nhau (để tạo ra các cao độ khác nhau). Các ống nứa này được xếp thành hai hàng: trên 4 ống, dưới 2 ống và được cắm xuyên qua một trái bầu khô. Sau khi xuyên các ống nứa qua trái bầu, người làm khèn dùng sáp ong đen để miết kín các khe hở. Mỗi ống khèn được gắn một chiếc lưỡi gà làm bằng đồng. Phần có gắn lưỡi gà được đặt trong lòng của trái bầu. Trên phần thân của mỗi ống Sarakel ở vị trí gần với trái bầu chứa hơi, nghệ nhân khoét một lỗ bấm nhỏ để tạo âm thanh. Lỗ thổi của nhạc cụ nằm ở phần cuống của trái bầu. Sarakel là nhạc cụ do nam giới sử dụng. Nó được dùng để hòa tấu cùng với dàn Mã la, Sơgơr ở một số nghi thức trong lễ hội Katê như đã trình bày ở những phần trên.

TẠM KẾT

Katê là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc nhất của tộc người Chăm. Nó là nơi hội tụ và lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa của đồng bào Chăm Bàlamôn. Không ai biết chính xác thời điểm ra đời của lễ hội này, chỉ biết nó đã được hình thành từ lâu đời. Dù trải qua rất nhiều biến cố của lịch sử, nhưng lễ hội Katê vẫn trường tồn với thời gian và vẫn là một nghi lễ quan trọng đối với đồng bào Chăm Bàlamôn. Lễ hội diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau như: Katê ở đền tháp, Katê làng và Katê gia đình. Lễ hội Katê là nơi gắn kết các thành viên của cộng đồng trong một môi trường văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, đồng thời Katê cũng là dịp để những người đi xa trở về quê hương sum họp gia đình, gặp gỡ người thân và bạn bè.

Trong lễ hội Katê và lễ cúng Thành Hoàng làng Po Klaong Halau, âm nhạc có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Lời ca, tiếng hát và âm thanh của các loại nhạc cụ là một trong những phương tiện để con người có thể giao tiếp được với các vị thần linh. Dựa vào lời các bài thánh ca, người ta có thể biết được công lao, sự nghiệp, khả năng của các vị thần; biết được chặng đường của các vị thần về dự lễ hội đến đâu; biết được các vị thần đang hưởng lễ vật gì, có hài lòng với các lễ vật hay không… đồng thời qua đó con người cũng gửi gắm những mong muốn, ước nguyện của mình tới các vị thần linh và mong họ giúp đỡ. Mặt khác, những nét giai điệu giàu cảm xúc được thể hiện với một tính chất linh thiêng của các bài thánh ca và âm hưởng sôi động của các bản hòa tấu nhạc cụ cũng là một trong những yếu tố cuốn hút các thành viên trong cộng đồng đến với lễ hội.

Nhạc cụ là thành tố quan trọng, không thể tách rời trong việc thực hành một số nghi lễ đối với lễ hội Katê. Sự ra đời của những nhạc cụ này cũng được gắn với những yếu tố tâm linh. Sư cả Hán Văn Dậu nói rằng: người Chăm quan niệm những nhạc cụ sử dụng trong lễ hội Katê không phải do con người nghĩ ra mà do các vị thánh thần truyền lại, tạo điều kiện để cho người Chăm thực hiện các phong tục của mình. Việc gắn cho nhạc cụ những yếu tố biểu tượng liên quan tới con người và quan niệm đực - cái (linga - yoni) cũng là một trong những nét đặc sắc của nhạc cụ Chăm. Chính những yếu tố đó đã góp một phần hình thành nên bản sắc của âm nhạc Chăm. Chẳng hạn: khi nói về “bộ ba” nhạc cụ, Sư cả Hán Văn Dậu cho biết: ba nhạc cụ (kèn Saranai, trống Ghì nằng và trống Paranưng) là tượng trưng cho ba bộ phận của cơ thể con người. Chính vì thế mà cách sử dụng nhạc cụ hoặc kết hợp các nhạc cụ đó lại với nhau phải mang tính hòa hợp chứ không được sử dụng một cách tùy tiện...hoặc quan niệm đực - cái (linga - yoni) đã dẫn tới việc đàn Ka nhi hầu như chỉ sử dụng có một dây cao, v,v…

Đây là Dự án mà đoàn công tác của Viện Âm nhạc đã thực hiện một cách khá công phu. Công phu từ công tác điều tra, khảo sát đến việc ghi âm, ghi hình vốn âm nhạc và múa dân gian diễn ra trong các không gian nghi lễ của lễ hội Katê. Những tư liệu âm nhạc và múa này sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho việc bảo tồn và phát huy lễ hội Katê và nghi lễ Thành Hoàng làng Po Klaong Halau của người Chăm Bàlamôn ở tỉnh Ninh Thuận ./.

 

Ngày nhận bài:     2/3/2019
Ngày phản biện: 12/3/2019
Ngày đăng bài:    29/4/2019

Những người cung cấp thông tin

1. Sư cả, phó Chủ tịch Hội đồng Chức sắc Đổng Bạ (1951), xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.
2. Ka Inh Thạch Ngọc Cay (1976), thôn Phước Đồng, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.
3. Sư cả Hán Văn Dậu (1943), làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
4. Kadhar Bá Văn Đứng (1949), làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
5. Kadhar Lưu Giúp (1952), làng Thành Ý, thuộc xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
6. Kadhar Hán Văn Hoàng, làng Hữu Đức, thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
7. Kadhar Thành Văn Lũy (1960), thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc
8. Maduer Phú Văn Lương (1970), thôn Tân Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
9. Phó Sư cả Trượng Tạo, làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
10. Paséh, Thư ký Hội đồng Chức sắc Lưu Sanh Thanh (1966), xã Phước Thái, huyện Ninh Phước.
11. Muk Pajuw Châu Thương, làng Hiếu Lễ, thuộc xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.
12. Danh Cội (1951), làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Trưởng ban phong tục làng Hữu Đức.
13. Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Quảng Văn Đại, làng Chất Thường, thuộc xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.
14. Thành viên Ban tổ chức lễ hội Quảng Giỏi (1943), làng Hữu Đức, thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
15. Thư ký ban tổ chức lễ hội Quảng Đại Hùng, thôn Phước Đồng, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.
16. Thư ký ban tổ chức lễ hội Katê Lộ Minh Trung, làng Hữu Đức, thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
17. Nghệ nhân làm nhạc cụ Chăm Thiên Thành Vũ (1989), làng Hữu Đức, thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tư liệu điều tra và khảo sát thuộc đề tài khoa học “Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” thuộc Chương trình Khoa học xã hội và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”. Mã số: CTDT/16-20
2. Quảng Văn Đại (2016): Cẩm nang nghi lễ truyền thống Chăm Ninh Thuận, Nxb Tri Thức, Hà Nội.
3. Quảng Văn Đại (2017): Bốn công lễ hàng năm trên tháp Po Klaong Giray, Bản thảo đánh máy.
4. Hải Liên (2000): Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm Ninh Thuận, Nxb Âm nhạc.
5. Nhiều tác giả (2015): Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể - lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận. Tư liệu do Phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cung cấp.

Chú thích:

1. Quảng Văn Đại (2016), Cẩm nang nghi lễ truyền thống Chăm Ninh Thuận, Nxb Tri Thức, Hà Nội.
2. Quảng Văn Đại (2017), Bốn công lễ hàng năm trên tháp Po Klaong Giray, Bản thảo
3. Hải Liên (2000), Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm Ninh Thuận, Nxb Âm nhạc
4. Nhiều tác giả (2015), Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể - lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận, tư liệu do Phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cung cấp
5. Quảng Văn Đại, nghiên cửu và bảo tồn văn hóa Chăm, tập nghiên cứu số 2 Trung Tâm UNESCO, Nxb Trí Thức (tr.20-23)
6. Tư liệu do ông Quảng Văn Đại cung cấp ngày 9/10/2018
7. Trích Tài liệu Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể - lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận, năm 2015, tư liệu do Phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cung cấp
8. Tư liệu do ông Quảng Văn Đại cung cấp ngày 9/10/2018
9. Tư liệu do ông Quảng Văn Đại cung cấp ngày 9/10/2018
10. Tư liệu do ông Quảng Văn Đại cung cấp ngày 9/10/2018
11. Tư liệu do ông Quảng Văn Đại cung cấp ngày 9/10/2018
12. Người dịch sang tiếng Việt: chức sắc Kainh Thạch Ngọc Cay và chức sắc Maduer Phú Văn Lương
13. Người dịch sang tiếng Việt: chức sắc Kainh Thạch Ngọc Cay và chức sắc Maduer Phú Văn Lương
14. Người dịch sang tiếng Việt: chức sắc Kainh Thạch Ngọc Cay và chức sắc Maduer Phú Văn Lương
15. Tư liệu do ông Quảng Văn Đại cung cấp ngày 9/10/2018.
16. Theo lời kể của Cả sư Đổng bạ ngày 9/10/2018
17. Theo https://nghiencuulichsu.com/2013/03/21/bien-nien-su-champa-sakkarai-dak-rai-patao/
18. Đối với việc hành lễ, người Chăm phân trách nhiệm như sau: việc cúng lễ ở đền, tháp là quan trọng nhất. Vì vậy, người chủ trì hành lễ là Sư cả. Việc cúng thần Po Klaong Halau là nghi lễ nhỏ hơn nên người chủ trì hành lễ là phó Sư cả
19. Hải Liên (2000), Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm Ninh Thuận, Nxb Âm nhạc, trang 33.
20. Hải Liên (2000), Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm Ninh Thuận, Nxb Âm nhạc, trang 34.

 

Thêm một trao đổi