Hát Xoan Phú Thọ - Nhận biết và bảo tồn phát triển

20-04-2020, 10:56

Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền phát triển theo phương thức truyền khẩu, truyền ngôn, truyền nghề có lịch sử lâu đời, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, trong tập tục cộng đồng. Nguồn gốc hát Xoan được gắn với những câu chuyện truyền thuyết nhằm giải thích sự ra đời của nó.

Hát Xoan là một sản phẩm văn hóa dân gian của vùng Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan có tên gọi khác (nói chệch) của hai từ hát xuân hay ca xuân; hát Xoan là lối hát dùng trong lễ nghi - phong tục, lễ hội diễn ra trong các ngôi đình làng vào mùa xuân.


Nhận biết

Hát Xoan là một sản phẩm văn hóa dân gian của vùng Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan có tên gọi khác (nói chệch) của hai từ hát xuân hay ca xuân; hát Xoan là lối hát dùng trong lễ nghi - phong tục, lễ hội diễn ra trong các ngôi đình làng vào mùa xuân.

Căn cứ vào không gian diễn xướng, hát Xoan còn được gọi là hát cửa đình (khúc môn đình). Trong dân gian còn gọi lối hát này là hát Lãi Lèn, vì bắt nguồn từ câu hát đệm chính của Xoan: “Len là len hỡi là len..., và “cũng chính vì vậy mà ngôi miếu ở làng Phù Đức - nơi các phường Xoan gốc đến hát đầu năm trước khi đi hát ở các cửa đình khác gọi là miếu Lãi Lèn.

Hát Xoan cũng như các loại hình dân ca khác, là một hiện tượng văn hóa dân gian nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Hát Xoan là tiếng hát của người dân vùng Đất Tổ, là khúc hát cửa đình. Hát Xoan còn được gọi là dân ca nghi lễ - phong tục, có nội dung tín ngưỡng với mục đích thờ thần, cầu thần ban phát phù trợ cho dân làng tứ thời tiết lập, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, đông đàn dài lũ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dõn an...
Hát Xoan thuộc thể loại dân ca lễ nghi tín ngưỡng. Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, từ thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang; 1.000 năm Bắc thuộc; thời đại phong kiến Việt Nam tự chủ; chế độ phong kiến suy tàn; thời Pháp thuộc; Đế quốc Mỹ xâm lược đến chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hát xoan vẫn tồn tại và đang hiện diện với nghệ thuật đặc sắc riêng biệt: hát thờ Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật tiêu biểu thời đại Hùng Vương; hát trước cửa đình và hát vào mùa xuân; hát lễ và hát đám. Nét đặc sắc hơn cả của hát Xoan là khi múa có hát và ngược lại khi hát có múa trong âm vang tiếng nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da. Sự hiện diện qua các biến thiên của lịch sử đó, chứng tỏ sức sống mãnh liệt và sự biến đổi theo hướng thích nghi để tồn tại của hát Xoan Phú Thọ. Các làng Xoan cổ, các xã, các huyện và đặc biệt là UBND hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thống nhất tên gọi chung là: Hát Xoan Phú Thọ.

Nguồn gốc lịch sử

Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền phát triển theo phương thức truyền khẩu, truyền ngôn, truyền nghề có lịch sử lâu đời, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, trong tập tục cộng đồng. Nguồn gốc hát Xoan được gắn với những câu chuyện truyền thuyết nhằm giải thích sự ra đời của nó. Ở các địa phương khác nhau, sự ra đời của hát Xoan lại có những truyền thuyết khác nhau:

- Ở xã Kim Đức kể rằng: Ngày xưa, có ba anh em Vua Hùng đi từ phía Bắc đến vùng này tìm đất đóng đô. Khi đi qua làng Phù Đức và nghỉ trưa tại một khu rừng gần làng. Từ trong rừng nhìn ra bãi cỏ gần hồ nước trước mặt, Vua Hùng nhìn thấy lũ mục đồng (trẻ chăn trâu) vừa chơi vừa hát múa, đứa thì vật nhau, đứa thì kéo co. Nhìn lũ trẻ say sưa và tinh nghịch, Vua bèn bảo các lạc hầu, lạc tướng đem một số điệu múa hát hay dạy thêm cho chúng. Dân làng cảm kích đã làm bánh nẳng và thịt bò thui dâng Vua cùng đoàn tùy tùng. Để kỷ niệm sự kiện này, hàng năm vào ngày mồng 1 tháng Giêng âm lịch dân làng có tục cúng bánh nẳng và thịt bò ở miếu Lãi Lèn. Tối ngày mồng 2, mồng 3 tháng Giêng làng mở hội cầu và hát múa, kéo co, đánh vật. diễn lại cảnh xưa. Buổi tối các phường Xoan lên hát thờ ở miếu Lãi Lèn. Ngày đó vào mùa xuân nên những khúc hát đó được gọi là hát Xuân, ca Xuân.

- Ở xã Cao Mại lại kể: Vua Hùng có một bà cung phi bụng mang dạ chửa đi chơi tới thôn An Thái (xã Phượng Lâu - thành phố Việt Trì ngày nay) thì bụng đau dữ dội; đau mãi mà không đẻ được. Đã có nhiều phương thuốc cứu chữa nhưng vẫn không hết cơn đau. Bỗng bất ngờ tiếng hát ru con của người đàn bà từ đâu vọng tới, lọt vào tai Hoàng hậu, cơn đau dịu xuống. Bà bèn truyền cho quân sĩ đón người dân ở đây vào Cao Mại - nơi bà ngụ cư cùng sinh sống. Khi trở dạ sinh con gái Nguyệt Cư công chúa, nhờ có tiếng hát của những người dân An Thái mà bà sinh nở được dễ dàng. Nguyệt Cư ra đời, khóc thì không ai dỗ được, chỉ nghe hát thì nín. Vua Hùng vui mừng, hết lời khen ngợi và bảo các Mỵ Nương học lấy các điệu hát, múa ấy. Nguyệt Cư sinh vào mùa xuân, tiếng hát ru công chúa vào tiết xuân nên khúc hát ấy được gọi là hát Xuân.

- Ở xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) nơi có hát Xoan thờ nữ tướng Xuân Nương thời hai Bà Trưng lại kể rằng: Khi khởi nghĩa đánh giặc Hán những năm đầu Công Nguyên có lần hành quân qua làng Xoan, được nghe hát Xuõn, Xuân Nương rất thích thú. Sau ngày khởi nghĩa thắng lợi, hai bà Trưng lên ngôi vua; nữ tướng Xuân Nương được phong làm Đông Cung công chúa nhập nội trưởng quản quân cơ nội các. Bà về thăm lại quê hương và cho người sưu tầm, ghi chép lại các bài ca xuân ấy để truyền dạy trong quân. Chính vì sự tích này nên ngày nay khi tế Xuân Nương, dân làng Hương Nộn tổ chức hát Xuân nghi lễ; và để kiêng kỵ tên húy của bà, nên khúc ca Xuân được gọi chệch đi là khúc ca Xoan.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương lại có một câu chuyện khác kể rằng: Vợ vua Hùng đau bụng đẻ đã lâu ngày mà vẫn không sinh nở được, một nàng hầu gái bàn nên đón nàng Quế Hoa múa đẹp, hát hay đến hát múa. Quế Hoa được gọi đến trước giường, uốn tay đưa chân, dáng mềm như tơ, giọng trong như suối, sắc đẹp như hoa. Vợ Vua Hùng xem múa, nghe hát quả nhiên sinh ra ba người con trai tuấn tú khác thường. Vua Hùng rất vui sướng truyền cho các công chúa và cung nữ đến học lấy các điệu múa hát của Quế Hoa. Lúc đó vào mùa xuân nên Vua đặt tên những điệu hát múa đó là hát Xuân; sau gọi là hát Xoan.
Huyền thoại và lịch sử - huyền thoại mãi mãi chỉ là huyền thoại nhưng nếu biết gạt đi lớp mù huyền thoại ta sẽ bóc ra được cốt lõi của lịch sử. Người dân vùng Đất Tổ Hùng Vương luôn tự hào về sự ra đời của hát Xoan có từ thời Hùng Vương dựng nước, gắn với hoạt động của các Vua Hùng. Có lẽ vì thế mà trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hát Xoan đã đồng hành cùng dân tộc, trường tồn trong các lễ hội, gắn với các nghi lễ - phong tục thờ vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật thời Hùng Vương.


Bảo tồn và phát triển hát Xoan

Hát Xoan là loại hình nghệ thuật dân gian, thuộc tầng văn hóa cổ của cộng đồng cư dân nông nghiệp làm lúa nước. Hiện nay việc nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn và phổ biến dân ca Xoan đang gặp nhiều khó khăn: các nghệ nhân hát Xoan - lớp báu vật, nhân văn sống đã ở tuổi cao, già yếu nên sức khỏe, trí nhớ hạn chế; không thể đi biểu diễn trên sân khấu được. Lớp trẻ lại chưa có sự hiểu biết nên chưa yêu thích và đặc biệt hạn chế về ý thức bảo vệ giá trị di sản văn hóa hát Xoan, ảnh hưởng lớn tới việc trao truyền giữa các nghệ nhân với đương đại. Mặt khác, do công tác tuyên truyền quảng bá về di sản, khôi phục bảo tồn, tôn tạo các thiết chế làm cơ sở vật chất duy trì hát Xoan: như đình, đền, miếu cũn nhiều bất cập. Các phường Xoan gốc và các câu lạc bộ hát Xoan tuy đã được quan tâm củng cố về tổ chức, song đang còn quá mức khiêm tốn về đầu tư mua sắm trang thiết bị, trang phục và đặc biệt là chính sách đầu tư hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp học hát Xoan, cũng như duy trì sinh hoạt của các câu lạc bộ hát Xoan. Nếu chỉ thực hiện theo phương thức xã hội hóa sẽ không đủ mạnh để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Từ thực tế trên, đã đến lúc Nhà nước phải sớm có “Dự án bảo tồn và phát triển dân ca Xoan Phú Thọ” trong thời kỳ hội nhập quốc tế .


Nội dung của Dự án cần đề cập tới một số vấn đề cụ thể:

Thứ nhất là tiếp tục điều tra, nghiên cứu, kiểm kê sự phát triển của hát Xoan Phú Thọ: vùng Xoan gốc và vùng Xoan lan tỏa; đánh giá kết quả những hoạt động của chính quyền và cộng đồng trong từng năm để bảo vệ di sản hát Xoan. Thực chất hiện nay việc bảo tồn các phường Xoan cổ, làng Xoan gốc phần nhiều ở dạng tự phát, từ lòng yêu thích chủ yếu trong truyền thống gia đình, dòng họ, do các nghệ nhân truyền lại cho lớp con cháu họ. Các nghệ nhân cũng ít hoạt động và cũng chưa có được sự chăm sóc, nuôi dưỡng, động viên về tinh thần lẫn vật chất trừ khi có nhu cầu biểu diễn phục vụ cho công việc nào đó. Mặt khác, phải nghiêm khắc mà nhìn nhận để thấy rằng: cấp chính quyền quản lý đặc biệt là ở cơ sở do chưa nhận thức được giá trị của hát Xoan, nên chưa có sự quan tâm để có những giải pháp thích hợp nhằm khôi phục, bảo tồn, phát triển di sản hát Xoan.

Thứ hai là tăng cường củng cố các phường Xoan gốc. Cái đặc sắc của hát Xoan Phú Thọ là hiện nay vẫn tồn tại các phường Xoan gốc (có 4 phường: Phù Đức, Kim Đới, Thét thuộc xã Kim Đức và phường An Thái thuộc xã Phượng Lâu); có trên 80 người tham gia, trong đó có 18 cụ tuổi từ 80 trở lên, có cụ đó 104 tuổi. Theo kiểm kê của ngành Văn hóa năm 2010, hát Xoan đã lan tỏa ở 2 tỉnh, 9 huyện và 18 xã, 24 làng (ở Phú Thọ có 6 huyện, 15 xã, 21 làng; ở Vĩnh Phúc có 3 huyện, 03 xã và 03 làng). Cần tiếp tục củng cố về tổ chức các phường Xoan sao cho các phường đều có ông trùm, cú người dẫn cách, người gõ trống và các đào, kép (khoảng 20 - 25 người). Về kinh phí hoạt động hàng năm, trước mắt do ngân sách Nhà nước tài trợ; các năm sau giảm dần (từ năm thứ 4 trở đi), phường Xoan duy trì sự phát triển bằng nguồn thu từ biểu diễn phục vụ khách du lịch và thực hiện xã hội hóa vận động lòng hảo tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị và cá nhân. Song trùng với việc củng cố tổ chức các phường Xoan gốc cần đặc biệt quan tâm tới việc khôi phục, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử gốc có liên quan đến môi trường hoạt động của Xoan để tạo lại vị thế cho hát Xoan trong lễ hội, nghi thức và phong tục. Và nên chăng trước mắt giao cho nghành Văn hóa cải tạo Nhà văn hóa Việt Trì thành địa điểm thường xuyên tổ chức biểu diễn hát Xoan phục vụ khách trong các tua tuyến du lịch cũng như cỏc sự kiện chính trị của tỉnh.

Thứ ba là việc tạo môi trường cho dân ca Xoan phát triển. Bên cạnh việc củng cố bảo tồn các phường Xoan gốc ở chính nơi sinh ra nó có ý nghĩa như xây dựng một bảo tàng sống, phải tạo điều kiện - môi trường thuận lợi để hát Xoan được lan tỏa và phát triển trong cộng đồng để nó thực sự sống động trong cộng đồng và thực sự góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng. Có như vậy mới bảo tồn và phát huy được giá trị đặc sắc của hát Xoan Phú Thọ.

Thứ tư là tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá giá trị của hát Xoan để đông đảo nhân dân nhận biết được và thực sự có ý thức yêu thích hát Xoan. Đưa hát Xoan vào trường học trong chương trình “Trường học thân thiện - học sinh tích cực” hàng năm; dạy hát Xoan trên sóng Đài phát thanh truyền hình của tỉnh; tổ chức liên hoan; giao lưu, hội thi, hội diễn “Hát Xoan Phú Thọ” hàng năm; nghiên cứu khôi phục đưa hát Xoan vào phần nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương và coi đó là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa “đặc sản” của lễ hội; tổ chức hát Xoan trong lễ hội Đền Hùng và đặc biệt là trong các tua du lịch, với các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các làng Xoan gốc; cần biên tập để xuất bản các ấn phẩm văn hóa; bộ sách tổng hợp nghiên cứu về hát Xoan; kỷ yếu các Hội thảo khoa học về hát Xoan; đĩa VCD; CD về các bài bản của hát Xoan với mục đích tuyên truyền, quảng bá.

Thứ năm là điều kiện để thực hiện bảo tồn, duy trì phát triển hát Xoan Phú Thọ. Đó là việc xây dựng và ban hành cơ chế chính sách đối với nghệ nhân,với các phường Xoan gốc, với các câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ và với các cộng đồng yêu thích dân ca Xoan.

Cần có chính sách đặc biệt ưu tiên chăm sóc và động viên các nghệ nhân hát Xoan (những bỏu vật sống); các phường Xoan; các trường học tổ chức chương trình truyền dạy và tuyên truyền quảng bá hát Xoan.

Thứ sáu là điểm cuối cùng song lại là khâu then chốt để bảo tồn và phát triển toàn diện hát Xoan Phú Thọ. Đó là việc thành lập “Trung tâm bảo tồn hát Xoan Phú Thọ”. Trung tâm này có 3 chức năng cơ bản: một là nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn di sản hát Xoan; hai là biên soạn, xuất bản các ấn phẩm văn hóa để tuyên truyền, giới thiệu quảng bá di sản hát Xoan; ba là tổ chức biểu diễn các bài bản, làn điệu hát Xoan cổ, Xoan chỉnh lý và Xoan phát triển; xây dựng những chương trình hát Xoan có chất lượng cao biểu diễn trên sân khấu, phục vụ hội nghị, giao lưu vùng miền và cả nước; trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh và trung ương góp phần quảng bá phát huy giá trị di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ.
Hát Xoan vừa là sản phẩm, vừa là hiện tượng văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất Tổ Hùng Vương. Người dân Phú Thọ vẫn quan niệm rằng: được nghe câu hát Xoan sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho mọi người trong dịp đầu năm mới. Bởi vậy nên hát Xoan qua ngàn đời vẫn tiềm tàng sức sống. Hát Xoan đó được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn câp. Giờ đây, hát Xoan đó và đang có cơ hội vượt ra khỏi không gian văn hóa Phú Thọ để đến với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cả nhân loại trên toàn thế giới. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ trong thời kỳ hội nhập quốc tế là việc làm có ý nghĩa to lớn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm nhấn quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Việt Nam./.

Phạm Bá Khiêm
Theo denhung.org.vn

Thêm một trao đổi