Về phía... cồng chiêng
Già Ei Kuh thì kiên quyết: không được bán đi bộ chiêng quý của ông bà; còn Y Gay (còn gọi là Ama Bích)-con trai duy nhất của già tỏ ra quyết liệt: không bán đi bộ chiêng, lấy vốn đâu mà làm ăn
Mười năm có lẻ, trong một lần về công tác tại xã Yang Mao (Krông Bông), tôi được nghe cuộc “đối thoại” lý thú giữa hai thế hệ trong một gia đình người Êđê ở buôn Kuanh xa ngái. Già Ei Kuh thì kiên quyết: không được bán đi bộ chiêng quý của ông bà; còn Y Gay (còn gọi là Ama Bích)-con trai duy nhất của già tỏ ra quyết liệt: không bán đi bộ chiêng, lấy vốn đâu mà làm ăn. Dĩ nhiên trong câu chuyện này, tôi chẳng đứng về phía nào cả! “Tôi đứng về phía… cồng chiêng”, đó là tiêu đề bài báo và cũng là ý nguyện của tôi muốn nhắn gửi đến mọi người sau chuyến đi ấy.
Bài báo được đăng trên Nguyệt san Dak Lak Xuân Đinh Hợi 2007. Và chắc hẳn bạn đọc còn băn khoăn không biết số phận bộ chiêng quý ấy thế nào, rồi câu chuyện của hai cha con già Ei Kuh… rốt cuộc ai phải chịu ai đây trước “lý lẽ” của mỗi người ? Điều đó tôi sẽ tiếp tục kể cho bạn đọc biết thêm trong bài báo này sau hơn mười năm kể từ chuyến đi ấy.
Nâng niu bộ chiêng của ông cha để lại. Ảnh: Việt Cường
Cũng như dạo trước, tôi về buôn Kuanh, xã Yang Mao vào những ngày cuối năm tất bật. Tiết trời năm nay vẫn se lạnh, nhưng không mưa phùn như hơn mười mùa xuân trước. Cái buôn nghèo ấy, nay đã thay đổi quá nhiều, đường vào nhà già Ei Kuh đã được láng bê tông phẳng phiu và sạch sẽ. Ngôi nhà dài thân thuộc vẫn còn đó, làn khói bếp ban chiều vẫn la đà trên mái ngói, tạo cảm giác thật yên bình và thư thái. Có điều, tôi nhận ra không gian của buôn làng không còn vườn tược, cây trái sum suê và khoáng đạt như trước. Khu vườn nhà nào cũng dường như bé lại vì phải chia cắt cho con cháu mỗi khi được dựng vợ, gả chồng. Nhà Ama Bích cũng vậy, bên cạnh ngôi nhà dài cũ là hai ngôi nhà mới bằng bê tông của hai đứa con gái mới được dựng lên. Vợ chồng Ama Bích ngập ngừng xuống cầu thang đón khách và khi nhận ra người quen thì quá đỗi vui mừng: “Ứ dà… lên nhà đi Đối, cả mấy chú này nữa. Lâu quá rồi mà, bao nhiêu năm rồi Đối nhỉ ?” - Ama Bích vừa hỏi vừa giục vợ con pha nước. “Gần mười hai năm, chỉ thiếu một tháng thôi anh à”- Tôi trả lời chính xác.
Ly rượu mừng sau hơn mười năm gặp lại. Ảnh: V.C
Không có gì khác trước, cái ghế Kpan và hai chiếc Knul vẫn kê đúng vị trí trang trọng trên ngôi nhà dài. Tôi quan sát và giật mình: sao không thấy chiêng ché gì cả, hay Ama Bích đã bán đi từ dạo ấy? Nghĩ trong bụng vậy nhưng không dám hỏi, vì nếu đó là sự thật thì bẽ bàng quá. Một vài phút nặng nề xâm chiếm trí óc tôi, Ama Bích vẫn không nói gì, chỉ luôn giục vợ con mau chóng cột ché rượu cần đãi khách. Trong khoảnh khắc này, tâm trạng tôi như có sự phân thân khó tả: một bên là muốn hiểu ra và kết thúc câu chuyện của hơn mười năm trước, phía khác những mong thời gian chậm lại để kéo dài chút hy vọng mà tôi đã ký thác trong bài báo ngày ấy của mình…
Ngày mà tôi còn nhớ như in cái dáng trầm ngâm của già Ei Kuh bên ché rượu cần đã nhạt, miệng đắng nghét nhưng tay ông không muốn rời ra vì buồn và quá chông chênh khi nghe đứa con trai của mình nhất quyết đòi bán bộ chiêng để mua máy móc về cày kéo. Ama Bích nói ra điều đó không phải là không có lý - cái lý của một thế hệ năng động và thực tế hơn trước cuộc sống hiện đại đang phát triển từng ngày. Ngược lại nỗi buồn của già, ngẫm ra cũng đáng để suy nghĩ lắm. Mất cồng chiêng để đổi lấy cuộc sống khá hơn theo nghĩa vật chất cũng chẳng lạ gì, nhưng giá trị tinh thần thì sao, chẳng lẽ đó không phải là một phần của cuộc sống? Tôi nghĩ thế và trở về chắp bút cho bài báo của mình với bao suy tư miên man mà có lần GS-TS Tô Ngọc Thanh đã nói: Có những nền văn hóa rực rỡ một thời, ngày nay chỉ còn là phế tích. Bởi những con người, những dân tộc là chủ nhân của nền văn hóa ấy đã không vượt qua được thử thách của lịch sử và đã đi đến diệt vong. Lại có những nền văn hóa chìm nổi trong bão táp, dâu bể của thế cuộc vẫn cứ sáng ngời, bởi chủ nhân của nó không tự đánh mất mình. Và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có thể nói là một nền văn hóa như thế!
Giờ đây, sau bao nhiêu năm gặp lại, trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ Ama Bích phải là người như thế. Niềm tin ấy được củng cố thêm trước khi tôi vào buôn Kuanh, nghe Phó chủ tịch UBND xã Yang Mao-Y Nguyên Byă thông báo: Vấn nạn “chảy máu” cồng chiêng ở đây đã chấm dứt! Trong số 8 buôn người dân tộc thiểu số tại chỗ thì buôn Kuanh hiện giữ được nhiều chiêng nhất với 14 bộ và gia đình Ama Bích là một trong những tụ điểm sinh hoạt văn hóa cồng chiêng thường xuyên và sôi nổi trong vùng. Mừng quá, thế thì còn gì bằng và tôi háo hức muốn gặp lại chủ nhân của những bộ chiêng ấy, để tự tay mình nâng niu cái báu vật kia đã từng một thời tứ tán, li loạn theo cơ cuộc mưu sinh cơm áo đè nặng thường ngày. Nhưng sao lại thế này, trong nhà Ama Bích không thấy cái chiêng nào cả? Đến khi ché rượu được cột trang trọng giữa nhà, những miếng nai khô còn quyện mùi khói bếp được bày lên và Amí Bích kéo những tấm chiếu dưới gầm giường trải ra mời khách, tôi mới thật sự nhẹ nhõm, vui mừng vì thấy 6 chiếc chiêng ngày ấy vẫn còn đó nguyên vẹn. Trong buổi chiều có thừa cảm xúc nhưng lại thiếu thời gian, tôi lặng yên nghe vợ chồng Ama Bích dốc hết tâm sự...
“Ông già giận lắm và nói bán hết chiêng đi thì có lỗi với ông bà. Cuộc sống dù khó khăn, túng thiếu vẫn chịu được, nhưng không có tiếng chiêng thà ông chết đi còn hơn”- Ama Bích nhớ mãi lời cha nhắc đi nhắc lại cho đến khi ông nhắm mắt vào cuối năm 2008. Đến phút cuối, ông vẫn dặn Ama Bích: “Bò còn đó, bảy con… bán hết mà mua máy cày, không cần để con nào lại làm đám ma đâu, chỉ giữ bộ chiêng đánh lên cho lũ làng đến thăm và đưa tiễn ta là được”. Giọng Ama Bích chùng xuống khi nhớ lại ký ức xưa: “Ông già nói thế là “hết nước, hết cái rồi”, mình không còn ý định bán chiêng nữa, mà bán hết số bò để mua chiếc máy cày như Ama Nhi, Ama Biên bên cạnh về làm ăn cho đỡ vất vả mà thôi”. Ngày mua máy cày từ trên huyện về cũng là ngày buôn Kuanh náo nức vào lễ hội Tuh Mnưh (lễ cúng thần đất). Mọi người ngơ ngác hỏi chiêng ở đâu? Kẻ thì chạy sang buôn Trul, buôn M’Nghi để mượn, người về nhà lục tung gầm bàn, kệ tủ để tìm… nhưng không làm sao cho đủ bộ. May thay, “khoảng trống chết người” ấy được bù đắp kịp thời nhờ bộ chiêng của già Ei Kuh để lại. Sáu cái chiêng được đem ra và ngân lên trong lễ hội khiến cả cộng đồng ngưỡng vọng, riêng Ama Bích lúc này mới thấm thía “cái lý” của ông già mình.
Cận kề lễ Noel vừa rồi, vợ chồng Ama Bích lên Buôn Ma Thuột thăm chơi; tôi đưa họ đến quán Bến Nước (buôn Akô Dhông) ăn cơm, anh cứ hỏi đi, hỏi lại: Ai đặt cho cái tên mà hay vậy? “Bến nước”- là cội nguồn, là cái phải còn và phải giữ của bất kỳ dân tộc bản địa nào trên vùng đất Tây Nguyên này. “Đúng quá rồi, đó là ý nguyện của già Ama Rin đấy, khi ông còn sống đã đặt tên cho cái quán và cũng là điểm đến tham quan ở buôn Akô Dhông này đó” - Già Ama Khoan, anh rể Ama Bích giải thích. Trong câu chuyện hôm ấy, không hiểu sao Ama Bích cứ nói về những gì đang mai một: chiêng ché, nhà dài, bến nước và lễ hội…Trong từng giọng điệu, cử chỉ của anh, tôi nhận ra một thông điệp rằng: cái khốn khó vá bức bách của đời sống vật chất chỉ là tạm thời, còn cái vốn di sản của ông bà để lại mà thế hệ kế thừa không đánh mất mới là điều đáng trân quý. Chia tay nhau, Ama Bích nói: “Mình đã trở thành già làng rồi, phải tiếp tục bảo ban con cháu phải làm những gì xứng đáng như ông già mình đã từng trải ngày nào…”.
Đình Đối
Theo baodaklak.vn