Trọn lòng với văn hóa Tày
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất người Tày, huyện Bắc Quang (Hà Giang), một vùng quê giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Từ thuở nhỏ, giai điệu của cây đàn Tính và lời Then khi réo rắt, lúc trầm lắng đã như suối nguồn thấm sâu vào tâm hồn Thàm Ngọc Kiến. Ngay từ năm 10 tuổi, cậu bé Kiến đã thuộc rất nhiều bài hát Then cũng như có thể chơi đàn Tính một cách thành thạo.
Nghệ nhân dân gian Thàm Ngọc Kiến, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chế tác đàn tính.
Thế rồi, như duyên phận đã định, tốt nghiệp phổ thông ông đã may mắn được tuyển chọn vào làm ở Đoàn văn công của tỉnh Hà Giang. Sau đó, ông chuyển về Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Suốt những năm ấy, ông đã đem tài năng của mình tham gia rất nhiều chương trình hội diễn và giành được nhiều giải cao: 3 Huy chương Bạc tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, 5 năm liền đoạt giải nhì Liên hoan hát Then các tỉnh phía Bắc.
Nay đã về nghỉ hưu, Nghệ nhân dân gian Thàm Ngọc Kiến vẫn luôn đau đáu trong lòng việc bảo tồn và truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Ngoài mở lớp tại nhà, ông còn đến tận trường học, bản làng để dạy hát như: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh; xã Phù Lưu, Bằng Cốc (Hàm Yên) và xã Chiêu Yên (Yên Sơn)... Mỗi giờ lên lớp, các bài giảng được ông chuẩn bị khá công phu từ việc giới thiệu nguồn gốc Then cổ đến những lời bài hát mới.
Từ năm 2008 đến nay, ông đã dạy hát Then cho trên 400 học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Em Bàn Thị Liên, xã Hoàng Khai (Yên Sơn), 12 tuổi đã học hát Then được gần 2 năm nay chia sẻ, được ông hướng dẫn, chỉ dạy tận tình, đến nay em đã tự tin biểu diễn nhiều bài hát Then, Cọi tại các cuộc liên hoan văn nghệ. Còn em Ma Thị Thu Trà, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) nói: “Ban đầu học đàn Tính khó lắm, nhưng khi nghe thầy Kiến đàn và hát em lại muốn học để được hát hay, đàn giỏi như thầy. Thầy không chỉ dạy chúng em cách đánh đàn, cách hát mà mỗi khi học một làn điệu, một bài hát thầy lại nói về ý nghĩa, giúp chúng em hiểu được nhiều hơn về bài hát”.
Song hành với truyền dạy, ông Kiến còn là một nghệ nhân làm đàn Tính. Tại nhà riêng của ông trưng bày hàng trăm cây đàn Tính với kích thước khác nhau. Ông bảo, cây đàn Tính được làm rất công phu. Bầu đàn được làm từ quả bầu khô, cần đàn làm bằng gỗ dâu; dây đàn được làm từ tơ tằm. Theo kinh nghiệm của ông thì thân bầu càng tròn, tiếng đàn càng trong và phải mất hàng tuần mới làm được cây đàn Tính tiếng thanh như tiếng chim hót.
Nay gần bước sang tuổi 70, đôi tay Nghệ nhân dân gian Thàm Ngọc Kiến vẫn dẻo dai, giọng hát ông vẫn khỏe. Nói về mong ước của mình ông chia sẻ: “Đời người Tày không biết Then như chim không tiếng hót, như cây xanh không hoa lá… Then là cầu nối giữa thế giới tâm linh với con người, giữa trời cao với sự sống dưới mặt đất. Bởi vậy, ước mong của tôi là muốn thật nhiều người biết hát và yêu mến những làn điệu Then. Đó là sợi dây tình, dây nghĩa gắn bó mọi người lại với nhau để cùng sống yên vui, bình an”.
Bài, ảnh: Giang Lam
Theo Tuyenquang.com.vn