Ngân vang tiếng chiêng trong lòng thành phố
Đối với người Mường, chiêng là linh hồn, là vật báu. Tiếng chiêng trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường. Là phường có gần 40% dân số là người dân tộc Mường, nên trong nhiều năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân phường Thái Bình luôn chú trọng, quan tâm công tác bảo tồn, lưu giữ chiêng Mường, văn hóa chiêng Mường.
Học sinh trường TH&THCS Thái Bình (TP Hòa Bình)
tham gia lớp truyền dạy chiêng Mường.
Em Đinh Thanh Thảo, học sinh lớp 9, trường TH&THCS Thái Bình là một trong 8 học viên tiêu biểu có đam mê, nỗ lực, chăm chỉ, tiếp thu nhanh các bài chiêng cổ được khen thưởng tại buổi lễ bế giảng lớp truyền dạy chiêng Mường được phường Thái Bình tổ chức vào tháng 8 vừa qua. Thảo phấn khởi, hào hứng chia sẻ: Hơn 10 ngày tham gia lớp học, em cùng với 60 học viên khác của lớp học đã có được những buổi học ý nghĩa, bổ ích. Ngoài việc nắm bắt, tiếp thu nội dung, ý nghĩa của bài chiêng Mường cơ bản trong các ngày lễ, ngày hội của dân tộc, em đã có thể trình diễn khá thuần thục 4 bài chiêng cổ và một số bài chiêng phát triển. Đặc biệt, chúng em được hiểu sâu hơn về văn hóa chiêng Mường Hòa Bình.
Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường - người tâm huyết với văn hóa dân tộc Mường, với chiêng Mường, người thầy nhiệt huyết truyền dạy miễn phí cho lớp học ngay tại bảo tàng của gia đình cho biết: Trước thực trạng một bộ phận giới trẻ không còn mặn mà, tha thiết với chiêng. Nhiều bạn trẻ không hiểu được giá trị của chiêng Mường; chiêng chỉ được trình tấu trong các dịp lễ, Tết, ngày hội. Chính vì vậy, phường Thái Bình tổ chức lớp truyền dạy chiêng Mường cho 60 học viên, trong đó lực lượng chính là các bạn trẻ, tôi rất phấn khởi đứng ra truyền dạy. Các bạn học viên tiếp thu nhanh, có đam mê và hào hứng với các bài chiêng. Đây là những tín hiệu tích cực để địa phương tiếp tục nhân rộng các nhân tố, các đội tâm huyết với chiêng Mường, với văn hóa chiêng Mường.
Đồng chí Trần Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND phường Thái Bình cho biết: Hiện nay, phường có 3 đội chiêng Mường. Ba đội chiêng thường xuyên tham gia biểu diễn trong các sự kiện, dịp lễ, hội của địa phương và của tỉnh. Với 60 học viên được truyền dạy chiêng Mường đợt này, ngoài mục đích trang bị cho học viên kỹ thuật đánh các chiêng truyền thống; giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa chiêng Mường, góp phần đẩy mạnh hơn nữa phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Lớp truyền dạy chiêng Mường còn có mục đích, ý nghĩa quan trọng là nhân rộng thêm các đội chiêng, phát huy tính lan tỏa, sự kế thừa. Do đó, Ban tổ chức đã tập hợp các học viên với đa dạng lứa tuổi, bao gồm cả học sinh từ 10-15 tuổi.
Đồng chí Trần Thị Cúc chia sẻ thêm: Chứng kiến sự tự tin của học sinh sau các bài trình tấu tại buổi bế giảng lớp truyền dạy chiêng Mường, các thành viên ban tổ chức lớp học đều rất vui mừng, tin tưởng các em sẽ trở thành những hạt nhân tạo nên sự lan tỏa tinh thần, tình yêu, giá trị của chiêng Mường đến các bạn cùng trang lứa. Và các hội viên phụ nữ, thanh niên cũng sẽ tự tin xây dựng, nhân rộng các hạt nhân, câu lạc bộ, mô hình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa chiêng Mường. Cũng từ đây, chính quyền địa phương quyết tâm hơn trong việc giữ gìn, nhân rộng phong trào luyện tập chiêng Mường; gắn chiêng Mường với các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của địa phương. Đặc biệt phát huy giá trị chiêng Mường trong các sự kiện chính trị, xã hội, ngày hội của địa phương, của thành phố, của tỉnh. Trong thời gian tới, phường sẽ lựa chọn, xây dựng đội chiêng và các nội dung đặc sắc đề tham dự các sự kiện của Tuần Văn hóa, du lịch tỉnh năm 2019 được tổ chức vào tháng 11 tại TP Hòa Bình.
Hồng Duyên
Theo bao hoabinh.com.vn