Láy trong điệu Hát Khách thi và Hát Khách phú - Hát Bội Nam Bộ

27-09-2023, 09:05

Huỳnh Kim Phước

TÓM TẮT: Bài viết này trình bày về các kỹ thuật láy trong điệu Hát Khách thi và Khách phú của Hát Bội vùng Nam Bộ. Kỹ thuật này được thể hiện qua các kiểu láy mở đầu, láy giữa vế, láy kết, láy nối và láy chuyền. Đồng thời bài viết cũng giới thiệu về cấu trúc chung trong điệu Hát Khách thi và Khách phú, cũng như các lối kết trong hai điệu hát này.

TỪ KHÓA: Hát Bội Nam Bộ, Láy, Hát Khách thi, Hát Khách phú, Huỳnh Kim Phước

Hát Khách là một trong những lối hát chính của nghệ thuật Hát Bội (hát Tuồng - theo cách nói của miền Trung, Bắc). Hát Khách cũng là tên gọi của một hệ thống làn điệu, bao gồm nhiều điệu với những đặc điểm và lối hát khác nhau để thể hiện các tình huống sân khấu, các tính cách nhân vật khác nhau trong Hát Bội như: Khách thi, Khách phú, Khách hồn, Khách tử… [7, tr. 255]. Hệ thống các điệu Hát Khách thường được sử dụng trong nhiều tình huống cụ thể như trước khi đánh giặc, giúp nước, đền ơn, báo oán, giãi bày, trình tường hoặc cảm hứng của nhân vật trước một cảnh đẹp (tức cảnh sinh tình).

Hát trong nghệ thuật Hát Bội nói chung và Hát Khách nói riêng đều đòi hỏi sự sáng tạo, ngẫu hứng của diễn viên. Không có giai điệu cố định để hát Khách, người nghệ sĩ dựa trên hơi điệu, kỹ thuật phát âm, kỹ thuật láy đặc trưng của làn điệu… để thể hiện nội dung lời; thể hiện tâm thế, tình cảnh và tình cảm của nhân vật. Tính linh hoạt, sống động cũng như giá trị nghệ thuật của ca hát trong Hát Bội thể hiện ở kỹ thuật phát âm, vận dụng hơi/ giọng, kỹ thuật láy. Hơn nữa, nội dung và từng từ trong lời hát phải được thể hiện với đầy đủ tính chất tượng hình, tượng thanh, cách phân nhịp lời thơ cho rõ nghĩa và luôn đảm bảo những đặc trưng của làn điệu. Nghệ thuật hát trong Hát Bội là sáng tạo giai điệu của nghệ sĩ trên lời (thơ), góp phần hình thành hệ thống xướng, hát phong phú trong Hát Bội.

Người thưởng thức Hát Bội Nam Bộ thường nghe trong câu hát có những âm “ư… ứ…ự…”, trong nghề Hát Bội gọi đó là “láy”. Trong lối hát sáng tạo này, láy là một trong những yếu tố tạo nên đặc trưng cho các điệu hát và cũng thể hiện sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Láy xuất hiện trong hầu hết các câu Hát Bội. Láy vừa là một kỹ thuật đặc trưng của Hát Bội, vừa là nghệ thuật riêng của mỗi diễn viên. Người nghệ sĩ sẽ dựa trên hơi, điệu, những quy ước trong nghề và năng lực ngẫu hứng sáng tạo của cá nhân để thể hiện láy khác nhau ở mỗi câu hát trong mỗi lần trình diễn. Tìm hiểu kỹ thuật “láy” trong Hát Khách nói chung và Hát Khách thi, Khách phú nói riêng cũng là cách tiếp cận với giá trị nghệ thuật của Hát Bội Nam Bộ.

Trong nghệ thuật Hát Bội, có hai hệ thống diễn xướng chính là hệ thống “hát” (giai điệu có phân nhịp, trọng âm) và hệ thống “xướng” (hình thức hát nói, diễn xướng tự do). Hát Khách thuộc hệ thống “hát”, dựa trên thang âm - điệu Bắc, còn gọi là điệu Khách. Xét về lời ca và nội dung, Hát Khách có hai loại chính là Hát Khách thi và Hát Khách phú, cũng là hai lối hát được sử dụng thường xuyên nhất. “Thi” và “phú” trong hai lối hát trên là tên gọi của dạng “thơ” và “phú” trong văn chương cổ, được sử dụng làm lời cho lối hát. Ngoài ra, còn có nhiều lối hát khác mà nhạc giới dựa vào nội dung, tính chất âm nhạc để gọi tên như: “Khách Hồn”, “Khách Tử”, “Khách Tẩu mã”, hát “Khách - Nam liên xướng”… hoặc dựa vào tình huống sân khấu, nhân vật như:  Khách đi chơi, Hát Khách hành binh, Hát Khách Quan Công… [7, tr. 354-355].  

Lời của điệu Hát Khách được viết bằng thể “thơ” (thi) hoặc thể “phú”. Nếu lời là thơ sẽ gọi là Khách thi, nếu lời sử dụng thể “phú” trong văn chương cổ thì gọi là Khách phú. Theo Huỳnh Khắc Dụng: “Một câu Hát Khách thi gồm hai câu thi bảy chữ, đối nhau hoặc không đối, tùy ý người viết tuồng. Có khi gồm trọn một bài tứ tuyệt bảy chữ” [2, tr. 294]. Phú là thể văn chương cổ Việt Nam, có nghĩa là trình bày, tự sự, với lối văn biền ngẫu, các câu có vần điệu, số từ theo quy ước nhất định. Phú có những câu, vế với số từ trong câu lên đến 8 từ hoặc dài đến 16 từ. Cá biệt, có trường hợp 19 từ. Tuy nhiên, sử dụng thường xuyên là câu phú 11 từ. [6, tr. 62]

1. Đặc điểm chung của điệu Hát Khách

Ở góc độ âm nhạc, Hát Khách là lối hát lên lời thơ dựa trên thang âm điệu Khách, theo cách riêng của mỗi nghệ sĩ. Giai điệu của Hát Khách không đóng khung, cố định mà vận hành theo một cấu trúc mở. Tuy nhiên, cấu trúc này vận động theo quy luật cũng như một số quy ước nhất định: bắt buộc một số từ trong lời hát sẽ ở những vị trí cao độ cố định, còn những vị trí khác sẽ “biến hóa”, tùy theo số lượng từ và cách xử lý của diễn viên. Quy ước này còn bao gồm cách ngắt nhịp lời thơ, tính chất của điệu hát, luật hát trống mái, luật về nhịp (nội - ngoại) và đặc biệt là cách luyến - láy. Điểm ngắt nhịp lời thơ mà người nghệ sĩ thể hiện theo quy ước cũng chính là điểm xuất hiện các láy. Tuy nhiên, như đã nêu, mỗi nghệ sĩ sẽ thể hiện láy với sáng tạo riêng trên nền tảng của các quy ước. Ngoài ra, trước khi bắt đầu và kết thúc điệu Hát Khách đều có những báo hiệu của diễn viên cho dàn nhạc bằng các “láy”.

1.1. Lời hát và cách ngắt nhịp lời hát trong Hát Khách

Giai điệu của Hát Khách có thể dài hoặc ngắn tùy thuộc vào số từ có trong lời thơ, mỗi câu thơ tạm gọi là một “vế” hát. Một câu Hát Khách có hai vế (hai câu thơ), vế thứ nhất gọi là vế trống, vế thứ hai gọi là vế mái, số lượng từ trong hai vế bằng nhau. Cách ngắt nhịp của vế trống và vế mái không hoàn toàn giống nhau, nó lệ thuộc vào cấu trúc định sẵn và ngữ nghĩa của các cụm từ trong vế. Vế trống có thể có từ hai đến ba điểm ngắt nhịp, vế mái có ít nhất hai điểm ngắt nhịp.

Đối với Hát Khách trên lời thơ thất ngôn (một câu thơ có 7 từ). Thông thường, có 3 điểm ngắt nhịp ở vế trống: sau từ thứ hai, sau từ thứ tư hoặc thứ năm và ngắt nhịp ở cuối vế, cuối câu; có 2 điểm ngắt nhịp ở vế mái: điểm thứ nhất sau từ thứ ba hoặc thứ tư và điểm ngắt thứ hai là sau từ thứ bảy.

Ví dụ:

- Vế trống ngắt nhịp 2 - 2 - 3 và vế mái ngắt nhịp 3 - 4 (2-2) trên phần lời của nhân vật Bá Quan, trích trong vở San Hậu [2, tr. 359 - 360]

Diện trung/ hảo tửu/ chúc long nhan,/

Ngự thưởng xuân/ tiêu lễ/ hạ an/.

- Vế trống ngắt nhịp 2 - 2 - 3 và vế mái ngắt nhịp 4 - 3 trên phần lời của nhân vật Khương Linh Tá, trích trong vở San Hậu [2, tr. 424 - 425]

Giải khai/ chiến tướng/ khứ mang mang,

Cứu đắc hiền huynh/ thoát gian nan.

 Như vậy, cấu trúc ngắt nhịp cơ bản ở điệu Hát Khách của lời thơ thất ngôn như sau (dấu * là ký hiệu tượng trưng cho ngắt nhịp, các chữ số thể hiện số thứ tự của các từ ở trong vế. Dòng đầu tiên là vế trống, dòng thứ hai là vế mái):

       Dạng 1:   1   2     *     3     4     *     5     6     7     *

                       1   2     3     *      4     5     *      6     7     *

       Dạng 2:   1   2     *     3     4     *     5     6     7     *

                       1   2     *     3     4     *     5     6     7     *

Cấu trúc và các lối ngắt nhịp đối với các dạng thơ khác:

+ Hát Khách trên lời thơ có 8 từ

Nhân vật Lôi Nhược:            Nhập điều trận/ như luông tranh/ Giáp Ât,

                                                Khai xà đồ/ như hổ cứ/ Bính Đinh. [2, tr. 472]

Đối với câu Hát Khách trên, không thể ngắt nhịp một cách máy móc ở 2 vế là 4 - 4, mà phải dựa trên ngữ nghĩa nên câu trên được ngắt nhịp kiểu 3 - 5. Đó là cách ngắt theo nhịp thơ, nhưng khi hát có thể chia nhỏ ngắt nhịp ra như sau: 3 - 3 - 2.

Cấu trúc ngắt nhịp cơ bản ở điệu Hát Khách 8 từ là:

Dạng 1:        1     2     *     3     4     *     5     6     *     7     8  *

                     1     2     3     4     *     5     6     *     7     8     *

Dạng 2  :      1     2     3     *      4     5     6     *     7     8     *

                     1     2     3     *      4     5     6     *     7     8     *

+ Hát Khách trên lời thơ có 10 từ

Nhân vật Kim Lân:    Giao mã khu trì/ thế nhược/ ngũ đinh thần tướng

                                    Bá quan võ nghệ /bỉ tha/ ngọc thạch cụ phân. [2, tr. 472]

Ở dạng này sẽ ngắt theo kiểu tứ - lục, nghĩa là sau từ thứ tư sẽ ngưng một chút và sau đó tiếp diễn các từ còn lại. Nhưng khi hát có thể nhiều điểm ngắt hơn, vế trống: 4 (2-2) / 2 - 4 (2-2), vế mái : 4 / 2 - 4 (2-2).

Mô hình cơ bản vị trí các điểm ngắt nhịp trên Khách phú 10 từ

         1     2     *     3     4     *     5     6     7     8     *     9     10   *

         1     2     3     4     *      5     6     7     8     *      9     10   *

+ Hát Khách trên lời thơ 11 từ        

Cách ngắt nhịp ở dạng này cũng giống như cách ngắt nhịp chung (cách phân tứ - lục), tuy nhiên cũng cần điều chỉnh ngắt nhịp sao cho phù hợp với ngữ nghĩa của cụm từ.

Kim Lân:      Bái ngã từ nhan/ (như con chừ)/ vị thiếu báo cù lao chi đức

Đỗng mẫu:  Quái tha nghịch tử,/ hà nhẫn vong quân phụ chi cừu? [2, tr.486].

Cách ngắt nhịp ở câu hát trên sẽ là: Vế trống 4 (2-2) / 2 - 3 - 2

                                                               Vế mái 4 - 2 - 2 - 3

Mô hình cơ bản vị trí các điểm ngắt nhịp trên Khách phú 11 từ

  Dạng 1  :      1     2     *      3     4     *     5     6     7     8     *      9     10   11 *

                        1     2     3     4     *      5     6     7     8     *     9     10   11   *

  Dạng 2:        1     2     *      3     4     *     5     6     7     *     8     9     10   11 *

                        1     2     3     4     *      5     6     7     *     8     9     10   11   *

  Dạng 3:        1     2     3     *     4     5     6     7     *     8     9     10   11   *

                        1     2     3     4     *      5     6     7     *     8     9     10   11   *

+ Hát Khách trên lời thơ có 12 từ

Đồng Hát Khách của các nhân vật Phàn Diệm, Kim Lân, Phàn Phụng Cơ, Nguyệt Kiểu trong vở San Hậu [2, tr.469]

                          Thệ diệt Thiên Lăng/ khử đại ác bội/ ngô chi chí khí,

                          Quyết trừ Tạ tặc/ khôi phục kỳ Tề/ địa chi giang sa. 

Cách ngắt nhịp ở ví dụ trên là 4 (2-2) - 4 - 4.

Sau đây là cấu trúc ngắt nhịp cơ bản ở điệu Hát Khách 12 từ là

  Dạng 1:        1     2     *      3     4     *     5     6     7     8     *      9     10   11   12  *

                        1     2     3     4     *      5     6     7     8     *     9     10   11   12   *

  Dạng 2:        1     2     3     *     4     5     *     6     7     8     *      9     10   11   12  *

                        1     2     3     4     *      5     6     7     8     9     *      10   11   12   *

+ Hát Khách 13 từ

Cách ngắt nhịp của Hát Khách 13 từ cũng tương tự như cách ngắt nhịp của Hát Khách 11 từ.

Phàn Lê Huê:
                          
Nể thị cường sang/ cư vương thổ/ sao nàng bất tuân/ quân mạng,

            Đem binh xâm lấn/ thọ tiên sanh/ sao nàng bất thọ/ thiên oai. [10, 46:37]

Cấu trúc ngắt nhịp cơ bản ở điệu Hát Khách 13 từ là

         1     2     *     3     4     *     5     6     7     *      8     9     10   11   *     12   13   *

         1     2     3     4     *      5     6     7     *     8     9     10   11   *     12   13   *

+ Hát Khách 16 từ

Đổng Mẫu       Ức tính phân huề// (để mẹ tính lại thử coi) khuất chỉ cửu thu cư//
                                      Cầm Phước/ cổ thôn/ cam ẩn đốn.

(ai ngờ là)       Sạ văn viễn tín,// (khi rứa chừ mẹ đang trông nhớ con lắm)
                                    thương tâm/ thiên lý ngoại,// (à mẹ cũng tưởng rằng)
                                    San thành/ chỉ nhụt/đắc đoàn viên.
[2, tr.484]

Cách ngắt nhịp ở ví dụ trên là là 4 (2-2) - 5 (3-2) - 4 (2-2) - 3.

Mô hình cơ bản vị trí các điểm ngắt nhịp trên Khách phú 16 từ

1   2  * 3     4     *    5     6      7     8    9     *      10  11   12   13    *    14   15   16  *

1   2     3     4     *     5     6     7     8     9     *     10   11   12   13   *     14   15   16   *

+ Hát Khách 19 từ

Đình, Nhược      Lão mẫu thị hà ngu,// mẫu hà tri,/ tử hà trung hà/
                                         bất cập cố nhơn/ chi chí khí.

Kim Lân            (trăm lạy mẹ từ từ lời, kẻo mà chết chừ mẹ ôi)

                           Mẫu thân hà bất lượng// (như con là)

                           Niết bât tri,/ ma bất lẫm/ (nhưng rứa mà)

                           Khổ bất thăng/ du mộ/ chi tư tình. [2, tr. 486]

Cách ngắt nhịp ở câu hát trên sẽ là vế trống  5 (3-2) - 3 - 4 - 4 - 3, vế mái 5 (2-3) - 3 - 3 - 3 - 2 - 3.

Mô hình cơ bản vị trí các điểm ngắt nhịp Hát Khách 19 từ

  Dạng 1:        1     2     *      3     4     *     5     6     7     8     9     *     10   11   12   13   *

                        14   15   16   17   *      18   19   *

                        1     2     3     *     4     5     6     *      7     8     9     *     10   11   12   13   *

                        14   15   16          17   *     18   19   *

 

  Dạng 2:        1     2     3     *     4     5     *     6     7     8     *      9     10   11   12   * 13

                        14   15   16   *     17   18   19   *

                        1     2     *      3     4     5     *     6     7     8     *      9     10   11   * 12       13

                        14   *     15   16   *      17   18   19   *

Tóm lại, trong câu Hát Khách có thể có từ hai đến ba điểm ngắt nhịp, thậm chí là bốn đến năm điểm ngắt nhịp, các điểm ngắt nhịp nhiều hay ít tùy thuộc vào số từ có trong vế. Khi thể hiện điệu Hát Khách vào lời thơ (hoặc phú), khoảng cách ngắt nhịp thông thường chỉ còn hai cho đến ba từ. Khi các điểm ngắt nhịp của điệu hát nếu trùng với ngắt nhịp của thơ (theo lối văn xuôi) sẽ được nghỉ dài hơn các điểm ngắt nhịp còn lại.

1.2. Láy trong Hát Khách

Theo Đoàn Nồng thuật ngữ “láy” được mô tả như sau:

“Trong một câu hát, một đôi tiếng phải kéo dài ra, thời phải thêm tiếng ư, a, i… tiếng thêm ấy để đưa giọng rồi nối thêm tiếng khác gọi là “láy”. Thí dụ: Thủ bất ….a…nhẫn…ư hừ … tru, tư… hứ mãnh lực…a” [8, tr.61]

Theo quyển “Tuồng Quảng Nam” do Hoàng Châu Ký chủ biên có nhắc đến kỹ thuật láy:

Về cơ bản, thanh nhạc dân tộc ta là thanh nhạc luyến láy, khác với thanh nhạc mới là thanh nhạc rung giọng. Thanh nhạc rung giọng có quan hệ với định âm, có cao độ tuyệt đối. Thanh nhạc luyến láy gắn bó với âm thanh nhấn nhá, không định âm. Láy cổ truyền hát nguyên âm không lời là lối vocalise mà nền thanh nhạc nào cũng có. Cái khác của ta là láy luôn song đôi với luyến. Hát trong Hát Tuồng gọi kiểu luyến láy ấy là láy âm dương. Luyến láy của thanh nhạc ta là hai mặt của một kỹ thuật thanh nhạc, không thể tách ra”… “Hệ thống này có tên gồm láy rức, láy rảy, láy nhún, láy càn xay, láy chuyền, láy viền, láy ngứt, láy hột, láy âm dương, láy bưng, láy đắp bờ…” [5, tr.214]

Như vậy kỹ thuật “Láy” trong Hát Bội bao gồm luyến láy. Các âm láy sử dụng nguyên âm “ư”. Hiện chưa thấy hoặc chưa tiếp cận được tài liệu nào nhắc đến kỹ thuật láy trong Hát Bội ở Nam Bộ, do vậy, dựa vào thực tế diễn xướng và quy ước - cách gọi của nghệ nhân, chúng tôi tạm quy ước như sau:

Láy ở các điểm cố định gọi là “láy lệ”, còn một số điểm láy khác được gọi là láy thường. Các kiểu láy này thể hiện bằng một hoặc nhiều âm “ư”, tùy theo vị trí xuất hiện trong vế hát mà các láy sẽ có tên gọi khác nhau. Láy vừa tạo nên những nét đặc trưng cho Hát Bội Nam Bộ, vừa là dấu hiệu thể hiện cấu trúc vế nhạc, câu nhạc; thể hiện điểm khởi đầu, điểm giữa hay kết của vế nhạc, câu nhạc…

Láy lệ xuất hiện khoảng từ 2 đến 3 lần trong câu hát, tùy theo vị trí xuất hiện trong vế nhạc (trống hoặc mái) mà chúng sẽ có những nét giai điệu khác nhau. Xuất hiện láy lệ trong vế hát cũng là dấu hiệu sự ngắt nhịp. Tuy nhiên, cách gọi tên của kỹ thuật này dễ gây nhầm lẫn về vị trí của chúng. Để tiện cho việc trình bày và nhận biết rõ vị trí của láy lệ, tùy theo vị trí xuất hiện của chúng, có thể gọi các tên khác nhau. Khi láy lệ xuất hiện ở phần mở đầu vế nhạc, sẽ gọi là láy (lệ) mở đầu; láy lệ xuất hiện ở giữa vế nhạc sẽ gọi là láy (lệ) giữa vế; láy lệ nằm ở vị trí kết thúc vế nhạc hoặc kết câu nhạc sẽ gọi là láy (lệ) kết vế hoặc láy (lệ) dứt câu.

Giữa các từ hát xuất hiện một cho đến ba âm “ư” gọi là láy nối, chẳng hạn như xuất hiện các âm “ư” ở giữa từ thứ nhất và từ thứ hai. Với các âm láy liên kết hai từ trong vế hát được thể hiện bằng nhiều âm “ư” sẽ được gọi là láy chuyền. Các láy này không có vị trí cố định, âm điệu của chúng cũng có nhiều dạng. Chính vì thế, chúng được dùng một các linh hoạt tùy theo cách hát, ngữ cảnh, cảm xúc của người diễn viên.

Sau khi hát vài từ đầu ở vế trống (hai hoặc ba từ), người hát thực hiện “ư ừ ư” (liu cồng liu, trong thang âm Hò - U - Xang - Xê - Công, tương đương Đô - Rê - Pha - Xon - La1), các âm “ư” này gọi là láy mở đầu. Điều này không có ở vế mái. Láy giữa vế là các láy có nhiều nốt, thường nằm sau từ thứ 4 hoặc từ thứ 5. Sau các láy giữa vế sẽ có thời gian nghỉ khoảng 5 phách (2,5 ô nhịp). Láy kết vế là láy nằm ở cuối vế nhạc, sau láy kết sẽ có thời gian nghỉ khoảng 6 ô nhịp. Tóm lại, láy giữa vế là một dạng của láy lệ, không có vị trí nhất định mà tùy thuộc vào theo số chữ, ngữ nghĩa các cụm từ có trong vế.

Câu hát Khách thi 7 từ được ký âm theo 5 dòng kẻ phương Tây do cô Dương Ngọc Bày hát, gồm có hai vế: vế 1 từ ô nhịp 1 đến ô nhịp 17, vế 2 từ ô nhịp 19 đến ô nhịp 34. Trong vế 1 gồm 3 tiết nhạc (5 ô nhịp - 6 ô nhịp - 6 ô nhịp), vế 2 gồm 3 tiết nhạc (3 ô nhịp - 5 ô nhịp - 8 ô nhịp). Ở tiết nhạc 1 có hai từ, giữa hai từ có láy:

Hát Khách Thi 7 từ2 [11, 02:10]

Vế trống

Vế mái

 

Câu Hát Khách Phú 11 từ [11, 42:47], gồm có hai vế: vế 1 gồm 18 ô nhịp, từ ô nhịp 1 đến ô nhịp 18, vế 2 gồm 20 ô nhịp, từ ô nhịp 19 đến ô nhịp 38. Trong vế 1 gồm 3 tiết nhạc (5 ô nhịp - 6 ô nhịp - 7 ô nhịp), vế 2 gồm 3 tiết nhạc (6 ô nhịp - 6 ô nhịp - 8 ô nhịp):

Vế trống

Vế mái

 

Qua 2 bài Hát Khách Thi và Khách Phú trên, nhận thấy:

- Các láy nằm giữa hai từ mang tính chất kết nối về ngữ nghĩa, gọi là láy nối, láy chuyền.

- Láy nằm ở một số vị trí cố định gọi là láy lệ như: láy sau từ thứ hai hoặc thứ ba ở vế trống, láy trước hoặc sau từ thứ bảy của vế trống và vế mái. Như vậy, láy mở đầu nằm cuối tiết nhạc 1 (ô nhịp thứ 3).

Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn vận hành theo cấu trúc đó mà có những trường hợp ngoại lệ như: ở vế trống, diễn viên có thể không láy mở đầu “ư ừ ư” hoặc “ư” mà tiếp tục hát từ kế tiếp: nhân vật Vương Tá do nghệ sĩ Xuân Quan trình bày, được trích từ vở Cánh tay Vương Tá [16, 01:20:50].

 Theo nguyên tắc chung của Hát Khách, sau từ thứ 2 và thứ 3 sẽ có láy mở đầu, nhưng ở câu hát trên, sau từ “tướng” không thực hiện láy mở đầu mà tiếp tục hát tiếp sang từ “lương” kế tiếp. Dấu (*) được ký hiệu trên dòng nhạc lưu ý điểm thực hiện láy mở đầu.

Láy kết nằm ở cuối tiết nhạc 3 của vế trống lẫn vế mái. Ở Hát Khách Thi, vị trí láy kết nằm ở ô nhịp 16 - 17 của vế trống và ô nhịp 33 - 34 ở vế mái. Ở Hát Khách Phú, vị trí láy kết nằm ở ô nhịp 17- 18 của vế trống và ô nhịp 37 - 38 ở vế mái. (Xem thí dụ ở trang 7 và 8).

Trong Hát Khách Thi, láy giữa vế thường nằm ở cuối tiết nhạc 2 của cả hai vế. Vị trí của láy giữa vế nằm ở ô nhịp thứ 10 của vế trống và ô nhịp thứ 7 của vế mái. Trong Hát Khách Phú, láy giữa vế có thể có hoặc không có trong vế nhạc. Láy giữa vế có thể nằm ở cuối tiết nhạc 2 (ô nhịp 10) của vế trống và có thể nằm ở cuối tiết nhạc 1 (ô nhịp 23) và tiết nhạc 2 của vế mái (ô nhịp 28). (Xem thí dụ ở trang 7 và 8).

2. Sự đa dạng âm điệu của láy trong Hát Khách Thi và Hát Khách Phú

Tiếng Việt có dấu thanh nên việc thể hiện các láy sẽ vận hành theo dấu thanh, phù hợp với nội dung lời thơ và vận dụng hệ thống thang âm - điệu thức. Mặt khác, sự đa dạng của láy còn do cách thể hiện của nghệ sĩ khi diễn tả nhân vật, tâm lý, hoàn cảnh và tính chất của nội dung vở diễn.

2.1. Âm điệu láy lệ trong Hát Khách Thi và Khách Phú

Vế trống trong điệu Hát Khách có thể chia làm 3 phần: phần mở đầu, phần giữa - phần triển khai, và phần kết. Phần mở đầu trong Hát Khách Thi và Khách Phú thường có từ 2 đến 3 từ, giữa các từ có hoặc không có láy thường (láy chuyền). Sau 2 đến 3 từ mở đầu sẽ là vị trí của láy mở đầu “ư ừ ư” và cao độ của láy này là “Liu Cồng Liu”.

Ví dụ: câu hát của nhân vật Hồng Linh do nghệ sĩ Thanh Trang trình bày được trích trong vở Dị Nhân Hầu soán đế [12,01:09:05].

 Thông thường, sau từ thứ tư ở vế trống và vế mái đều sẽ có láy giữa vế. Láy giữa vế có hai dạng, dạng thứ nhất: âm cuối của láy giữa vế có cao độ là “Xê” (tương đương nốt Xon); dạng thứ hai, âm cuối của láy giữa vế có cao độ là “Hò” (Đô). Láy giữa vế ở vế trống luôn ở dạng thứ nhất, còn láy giữa vế ở vế mái có thể là một trong hai dạng. Khi từ thứ tư ở vế mái dùng dấu hỏi thì láy giữa vế sẽ về dạng thứ hai. Vẫn có trường hợp đặc biệt không có láy giữa vế, cả vế trống lẫn vế mái. Sau đây là hai dạng âm điệu của láy giữa vế được ký âm trên 5 dòng kẻ:

 

Xét về giai điệu âm nhạc, láy kết chính là láy chuyền, nhưng láy chuyền này thường nằm cố định ở kết vế hát nên được gọi là láy kết. Là những láy nằm ở cuối hoặc trước từ cuối của cả hai vế. Âm điệu láy kết của vế trống và vế mái tương tự nhau, đều kết về “Hò”:

Nếu từ cuối của vế trống thuộc vần trắc (dấu sắc, dấu hỏi, dấu nặng, dấu ngã) thì láy kết sẽ nằm sau từ cuối của vế hát. Nếu từ cuối của vế hát thuộc vần bằng (dấu huyền, không dấu) thì từ cuối của vế hát nằm sau láy kết:

Ví dụ: câu hát ở trường hợp thứ nhất là của nhân vật Thần Nữ trong vở Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ [11, 43:40]; trường hợp thứ hai được trích trong video hướng dẫn điệu Hát Khách Thi [11, 01:14]:

Láy kết nằm sau từ cuối của vế hát

Láy kết vế mái

Láy kết ở vế mái trong ví dụ trên chỉ là dấu hiệu báo hết câu nhạc, sẽ hát tiếp sang câu sau. Nếu dừng hẳn, thì láy kết ở vế mái sẽ có âm điệu khác và âm cuối luôn rơi vào nhịp nội, đồng thời, trước khi vào láy kết để dứt hẳn, người hát sẽ có dấu hiệu cho dàn nhạc biết.

Ví dụ: âm điệu láy dứt - láy để dừng điệu Hát Khách:

2.2. Âm điệu láy thường trong Hát Khách Thi và Khách Phú

“Láy thường” là các láy nằm giữa các từ trong vế hát, các láy này có thể gồm một hoặc nhiều âm “ư” và được các diễn viên sử dụng một cách linh hoạt mà không phải bó buộc vào một vị trí nhất định nào. Nếu láy thường gồm từ một cho đến ba âm “ư” được gọi là láy nối. Láy nối một âm “ư” ít khi được sử dụng, nếu có, nó thường nằm giữa từ thứ nhất và từ thứ hai ở vế trống.

Ví dụ: láy nối qua phần trình bày của nghệ sĩ Kiều Nga vai Nhũ Nương, được trích trong vở Trần trá hôn [13, 11:37].

 

Nếu láy thường được liên kết bởi bốn cho đến năm âm “ư”, được gọi là “láy chuyền”. Láy chuyền xuất hiện rất nhiều trong cả vế trống và vế mái, láy chuyền có nhiệm vụ kết nối từ đứng trước nó và sau nó trở thành một motif âm nhạc hoàn chỉnh của điệu Hát Khách.

Một số kiểu láy chuyền thường gặp:

3. Một số cách láy mở đầu và láy kết trong Hát Khách Thi và Khách Phú

3.1. Một số cách láy mở đầu

Thông thường khi mở đầu vào hai từ ở vế trống sẽ là điểm ngắt và “láy lệ”, láy lệ tại vị trí này gọi là láy (lệ) mở đầu. Tuy nhiên, láy (lệ) mở đầu không được thực hiện đủ “ư ừ ư” mà  chỉ thực hiện một âm “ư”:

Ví dụ: nghệ sĩ Linh Hiền trình bày ở nhân vật Ngô Quyền, trích trong vở Đại La Thành.[14, 15:28].

 

Các âm láy này đôi khi bị đổi thành âm “a” thay thế cho âm ư: nhân vật Ứng Luông do nghệ sĩ Linh Hiền trình bày, trích trong vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ [15, 24:40]:

 

Tuy láy (lệ) mở đầu này buộc phải ở nhịp ngoại (phần yếu của phách), nhưng đôi khi cũng được thực hiện vào nhịp nội (trọng âm). Nghệ sĩ Hữu Danh trình bày qua nhân vật Ngột Truật được trích trong vở tuồng Cánh tay Vương Tá [16, 30:22]:

Ngoài hai cách trên, láy mở đầu được thể hiện hai âm “a” nhưng cả hai âm này đều ở vị trí nhịp ngoại: Linh Hiền trình bày qua nhân vật Thừa Chính được trích trong vở tuồng Trần trá hôn. [13, 39:25]

 

Một kiểu láy (lệ) mở đầu khác được các diễn viên vận dụng để thể hiện ngữ khí, đó là cách mượn cao độ của từ thứ hai để thể hiện âm láy mà không về lại cao độ “Hò” như các kiểu láy trên: nghệ sĩ Xuân Quan trình bày với nhân vật Dị Nhân Hầu được trích trong vở Dị Nhân Hầu soán đế. [12,11:56]:

 

Thông thường, từ thứ hai của Hát Khách luôn ở vần trắc, điều đó tiện cho việc thể hiện âm điệu của Hát Khách. Tuy nhiên cũng có những trường hợp từ thứ hai là thanh không dấu, có cao độ bằng với cao độ của âm láy cho nên có thể dùng từ thứ hai làm âm láy. Sau đây là ví dụ về cách hát trên do cô Dương Ngọc Bày hát [11, 00:42]:

 

Cũng có kiểu vào Hát Khách không sử dụng láy lệ ở vế trống và không dùng láy giữa vế. Câu Hát Khách này của Ngọc Kỳ Lân trách Tử Hoàng vì lòng dạ đổi thay, do nghệ sĩ Thanh Trang sắm vai [17, 34:49, clip2]:

 

3.2. Một âm điệu láy nối

Như đã trình bày ở mục 2.2, láy nối thường nằm giữa từ thứ nhất và từ thứ hai của vế hát. Các láy nối có thể có từ một đến ba âm “ư”. Một kiểu láy nối có hai âm “ư”, được thể hiện khi các tướng giặc chuẩn bị đánh với Ngọc Kỳ Lân, trong đó nghệ sĩ Minh Khương sắm vai tướng thủ lĩnh trong 5 vị tướng đó và dẫn dắt hát chính, được trích trong vở Ngọc Kỳ Lân [18, 00:05].

Nếu từ thứ hai trong vế trống mang dấu nặng thì âm “ư” thứ hai trong láy nối có cao độ là “Xê” (Xon), âm “ư” thứ nhất có cao độ là “Liu” (Đô). Nếu từ thứ hai của vế trống là dấu sắc thì cả hai âm ư đều có cao độ như nhau, là “Liu”, cô Dương Ngọc Bày trình bày [11, 02:10].

 

Vế trống có từ mở đầu là thanh không dấu và từ thứ hai là dấu huyền, từ thứ hai không thể hát cấn lên cao vì sẽ làm thay đổi nghĩa của từ. Láy nối có âm thứ nhất có cao độ “U” (Rê), âm còn lại có cao độ “Liu” (Đô): cô Dương Ngọc Bày thực hiện [11, 05:00].

 

Đối với láy nối có một âm “ư”, cao độ của âm “ư” này vẫn là Liu bất kể từ thứ hai của vế nhạc là dấu sắc hay dấu nặng. Ví dụ câu hát mở đầu có láy nối do nghệ sĩ Thanh Trang sắm vai Thần Nữ trình bày [15, 01:30:20] và vai Phàn Lê Huê do nghệ sĩ Kim Thanh sắm vai trình bày [15, 01:32:35] trích trong vở Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ.

               Thần Nữ                                                                                                        Phàn Lê Hu             

    

3.3. Âm điệu láy kết

Cả trong điệu Hát Khách Thi hay Hát Khách Phú, nếu chỉ hát một câu thì khi hát ở vế mái, diễn viên phải báo hiệu dừng Hát Khách với dàn nhạc trước khi hát hai từ cuối. Để ra dấu hiệu trên, diễn viên sẽ hát 3 từ trong đó hai từ đầu là âm “ư” và từ thứ ba tùy thuộc vào lời hát. Ba từ này có cao độ tương ứng với chữ nhạc là “Công - Líu - Xang” (La - Đô - Pha). Sau khi ra hiệu báo để kết, tiếp theo là láy kết thúc câu hát. Láy kết thúc câu hát có cao độ tương ứng với các chữ nhạc “U, U Liu Phàn Liu Ú Xáng ”[3] (Rê, Rê Đô Đô Rê Phá). Thông thường từ kế cuối được viết ở không dấu, dấu sắc hoặc dấu nặng và từ cuối của câu hát được viết ở vần bằng (thường là các từ không dấu, đôi khi là các từ có dấu huyền), láy dừng Hát Khách có thể xem như là một láy chuyền gồm nhiều âm kết nối để dẫn về âm kết (Hò):

Đôi khi láy kết câu cũng được lược giản còn bốn âm “ư” chuyền sang từ cuối của lời hát. Cao độ của láy kết thúc tương ứng với “Xang xừ Hò Xự Xang Hò”.

Một lối láy kết được các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện: láy kết được thực hiện giống như cách láy kết lược giản; tuy nhiên sau láy kết không phải là từ cuối của câu hát và phải đọc dồn bốn từ cuối của vế mái. Âm điệu láy kết này có cao độ là “Xang xừ /Xang Xự ”. Sau đây là ví dụ láy kết cho lối hát dứt trên:

 

Kiểu láy kết khác cũng được các nghệ sĩ ở Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng: láy kết câu do nghệ sĩ Thanh Trang trình bày qua nhân vật Phương Châu được trích trong vở Trần trá hôn [13, 38:25].

  

Cũng là kiểu kết như trên nhưng âm điệu láy sẽ khác đôi chút trước khi về kết ở chữ “Hò”: nghệ sĩ Linh Hiền trong vai Ngô Quyền được trích trong vở Đại La Thành [14, 15:51].

Ngoài ra, còn có một lối láy khác: từ cuối ở câu hát kết thúc về “chữ Xự” không phải ở “chữ Hò”. Âm điệu láy kết cũng hoàn toàn khác với các kiểu láy ở trên: câu hát của nghệ sĩ Xuân Quan trong vai Tri phủ trích vở Hồn Trương Ba - da Đồ Nhục [18, 01:08:19].

  

Tạm kết

Kỹ thuật láy được sử dụng trong Hát Khách Thi và Hát Khách Phú hết sức phong phú. Tuy là giai điệu hát có phân nhịp, nhấn trọng âm rõ ràng nhưng bản thân nó lại là một cấu trúc động, điều này đã mang lại một lợi thế cho người diễn viên trong thể hiện: một mặt giảm bớt sự cứng nhắc giai điệu trong thể điệu, mặt khác tạo điều kiện một cách thoải mái nhất cho người diễn viên sáng tạo. Qua những thể hiện kỹ thuật láy trong Hát Khách Thi và Hát Khách Phú của các nghệ sĩ trong Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy sự vận dụng linh hoạt trong từng vế hát, câu hát. Trên thực tế, chắc chắn sẽ có những sáng tạo hơn nữa. Tuy nhiên, dù mở rộng hay thêm từ, những thay đổi đó không thể vượt ra ngoài những quy ước giữa người ca diễn với dàn nhạc, giữa nội dung với cách thể hiện, giữa sự chỉnh chu nhưng sống động của ca diễn với quy ước về láy trong nghệ thuật Hát Bội.

Mô tả, nhận diện cách thức, vị trí, cao độ… cho đến cách ngắt nhịp từng loại láy phần nào đã hệ thống được cách vận hành, quy luật của kỹ thuật trong Hát Khách Thi và Hát Khách Phú. Điều này không chỉ cho thấy sự tinh tế, giá trị nghệ thuật của Hát Bội Nam Bộ mà còn giúp cho chúng ta hiểu được nghệ thuật cũng như sức sáng tạo của nghệ sĩ. Khám phá, hiểu biết để thưởng thức, giới thiệu, quảng bá cũng là cách trân trọng nghệ thuật vậy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Văn Chiêu (2007), Nghệ thuật sân khấu Hát Bội, Nxb Trẻ
2. Tuần lý Huỳnh Khắc Dụng (1970), Hát Bội théâtre traditionel Viet Nam, Nxb Nam Thư Tùng Chi.
3. Phạm Duy (1972), Đặc khảo về Dân nhạc ở Việt Nam, Nxb Sài Gòn.
4. Trần Văn Khải (1970), Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, Nxb Sài Gòn.
5. Nhiều tác giả, Hoàng Châu Ký chủ biên (2001), Tuồng Quảng Nam, Sở Văn hóa - Thông tin Tỉnh Quảng Nam.
6. Nguyễn Lai (2003), Những nguyên tắc biểu diễn của nghệ thuật sân khấu Tuồng Hát Bội Việt Nam. In trong bộ sách “Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc        Việt Nam thế kỷ XX”, quyển 4, Viện Âm nhạc xuất bản.
7. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2014), Giáo trình Âm nhạc truyền thống Việt Nam dành cho sinh viên đại học chuyên ngành Âm nhạc, Nxb Âm nhạc.
8. Đoàn Nồng (1943), Sự tích và Nghệ thuật Hát Bộ, Nxb Mai Lĩnh.
9. Đinh Bằng Phi (2005), Nhìn về Hát Bội Nam Bộ (tái bản có bổ sung), Nxb Văn hóa - Văn nghệ.
10. Huỳnh Ngọc Trảng (1995), Sổ tay thưởng thức Hát Bội, Nxb Trẻ.

  

Các link video sử dụng trong bài viết

11. Tư liệu video hướng dẫn Hát Bội số 5 do cô Dương Ngọc Bày trình bày, được đăng trên Youtube, (truy cập ngày 16-3-2023)

https://www.youtube.com/watch?v=vfA7huLWQ1c&t=44s.

12. Dị nhân hầu soán đế, (truy cập ngày 16-3-2023)

https://www.youtube.com/watch?v=IZE7T8Ofk4g&list=PLqWkiPRA6HuyMQ9vOKlnTFVZxwuDMnGeB&index=27

13. Trần trá hôn, (truy cập ngày 16-3-2023)

https://www.youtube.com/watch?v=TNpjF8hhwIU

14. Đại La thành (truy cập ngày 16-3-2023)

https://www.youtube.com/watch?v=A7CTShbMwOs&list=PLqWkiPRA6HuyMQ9vOKlnTFVZxwuDMnGeB&index=3

15. Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ (truy cập ngày 16-3-2023)

https://www.youtube.com/watch?v=Dwz-glcDGRg

16. Cánh tay Vương Tá (truy cập ngày 16-3-2023)

https://www.youtube.com/watch?v=EhxGIwyUtVk

17. Ngọc Kỳ Lân, (truy cập ngày 16-3-2023)

https://www.youtube.com/watch?v=X4diEP__hCg

18. Hồn Trương Ba - Da Đồ Nhục, (truy cập ngày 16-3-2023)

https://www.youtube.com/watch?v=LLv-VI2OJgY&list=PLqWkiPRA6HuyMQ9vOKlnTFVZxwuDMnGeB

 

Chú thích:

1. Một số chữ nhạc trong âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ có tên gọi khác khi được chuyển lên một quãng tám để tránh không cưỡng âm trong quá trình xướng âm. Ví dụ “Liu” là “Hò” ở quãng tám trên; “U” là “Xự” ở quãng tám trên.

2. Các bậc âm của âm nhạc truyền thống nói chung, Hát Bội nói riêng không phải là những âm thuộc thang âm bình quân phương Tây, nhưng để dễ hình dung về cao độ cũng như trường độ và quan hệ giữa chúng với lời thơ (một cách tương đối) của các làn điệu âm nhạc, trong giới thiệu, phân tích, các ví dụ sẽ ghi trên 5 dòng kẻ của hệ thống âm nhạc phương Tây.

 

Thêm một trao đổi