Giữ mãi hồn Then
Người vùng cao có nét duyên ngầm, không dám nói trực tiếp mà gửi lời yêu thương vào trong gió, để gió gửi vào vách núi khiến tiếng thương, tiếng yêu được vang xa, xa mãi. Người Tày Cao Bằng cũng vậy, giao tiếp của người cổ xưa mộc mạc, dung dị, gửi mọi ân tình vào trong cây cỏ và … trong cả lời Then.
Biểu diễn hát Then tại Lễ hội chùa Đà Quận năm 2019. Ảnh: Thế Vĩnh
Được khai sinh từ trong dân gian, gắn với đời sống của người dân bản địa nên lời hát Then là sự phản ánh chân thực cuộc sống của người Tày. Lời Then như cuốn sách sử ghi lại mọi biến cố, từng nấc thang trong diễn biến tâm trạng của con người, đôi khi khắc họa lại cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, cá nhân sâu sắc. Nói đến Then, người ta nhắc đến như một sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật, tồn tại và phát triển theo tiến trình lịch sử.
Trong tiếng Hán cổ, Then có nghĩa là Thiên (tức Trời). Theo quan niệm của người Tày, thế giới tồn tại 3 cõi: nước - đất - trời. Hát Then được coi là công cụ để con người giao tiếp với 2 cõi còn lại.
Nghệ thuật hát Then được chia làm 2 loại: Then tín ngưỡng, Then cộng đồng. Được thể hiện theo 2 dòng: Tàng bốc (đi đường trên cạn), Tàng nặm (đi đường dưới nước).
Trong Then được chia thành các dòng then, đường then và khúc tính. Với người Tày Cao Bằng thì sự phân hóa dòng then được ghép với sự phân hóa vùng miền theo hướng Đông và Tây. Trong đó Then miền Tây có nhiều nữ tính và then miền Đông thường dành cho nam. Ông Lê Quang Tăng, xã Phong Châu (Trùng Khánh) - một nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển Then Tày cho biết: Khi xưa Then chỉ dành cho những thầy Tào, Bụt Then, những người có uy tín trong cộng đồng cất lời hát trong các dịp cúng, lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Khi Then được đưa vào hát xướng cho vua nhà Mạc do ông Tư thiên quản nhạc Bế Văn Phụng (Hòa An) - đại diện cho Then miền Tây, ông Nông Quỳnh Vân (Trùng Khánh) - đại diện cho Then miền Đông để giải khuây, giải hạn nhưng không ngờ giúp vua khỏi căn bệnh trầm cảm, u sầu, nhà vua quyết định đưa vào thành loại nhã nhạc cung đình, sau đó mới được lưu truyền nhiều trong dân gian và phổ biến thành loại hình dân ca như hiện nay.
Điều đó khẳng định Then tín ngưỡng đi vào đời sống của người dân sớm nhất, phản ánh đời sống tâm tư tình cảm, khát vọng, nguyện ước bình dị của người dân. Trong các lễ cấp sắc, kỳ yên, cầu mùa, chúc thọ…, tiếng Then tín ngưỡng hội tụ những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người Tày với các thể loại chuyện kể, truyền thuyết, các câu thành ngữ, tục ngữ được trau chuốt, gọt giũa. Qua đó làm sáng tỏ nhân sinh quan, quan niệm về đạo đức của người Tày. Ngoài những cuốn sách cổ được lưu lại bằng văn tự Hán thì Then tín ngưỡng chính là vật chứng ghi lại tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Sự tồn tại của Then tín ngưỡng cũng chính là dòng Then “nguyên thủy” của người Tày Cao Bằng. Tuy nhiên, sự phát triển và phổ biến của Then lại không đến từ dòng Then tín ngưỡng mà đến từ dòng Then dành cho cộng đồng, nơi tiếng hát trở thành lời tâm tình, sợi dây tơ hồng kết nối lứa đôi. Hiện tại, không khó để tìm thấy những tiết mục hát Then trong các chương trình hoạt động văn nghệ của tỉnh, từ những cuộc giao lưu đến những hoạt động, sự kiện văn hóa. Sự có mặt của các tốp Then tính đóng vai trò cốt lõi, tạo nên cái hồn đặc trưng của người Tày.
Trong loại hình Then cộng đồng, ca từ chủ yếu khắc họa đời sống sinh hoạt của người dân bản địa, ẩn chứa lời tâm tình của tuổi trẻ, là khát vọng yêu đương cũng như nỗi buồn trắc trở của duyên tình đứt đoạn. Nếu như Then tín ngưỡng, ca từ đóng vai trò trung tâm, được đúc kết lại thành một dạng mặc định với câu chữ được chắt lọc tinh tế không thể sửa đổi thì Then cộng đồng, vai trò trung tâm được chuyển qua làn điệu, giai điệu, còn ca từ tùy vùng và tùy cá nhân có thể tự đặt lời cho phù hợp với hoàn cảnh. Chính yếu tố phá cách trong đặt lời Then đã tạo nên sự phổ biến hiếm có của loại hình nghệ thuật dân gian đương đại.
Có thể nói không nơi nào mức độ phổ biến về hát Then mạnh như Cao Bằng, tuy nhiên xét theo góc nhìn khoa học thì hát Then đang đứng trong "dòng nước lũ" của nguy cơ thất truyền. Khi dòng Then tín ngưỡng luôn kén chọn người học, khó đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đông đảo người dân thì dòng Then cộng đồng có được sự “hậu thuẫn” của người dân cả về nhu cầu giải trí lẫn sản phẩm văn hóa nhưng lại thiếu sự quản lý, bảo tồn một cách khoa học. Dòng Then tín ngưỡng không thể bù đắp lại số lượng bài then cổ đã mất đi trong khi Then cộng đồng chưa có văn bản nào ghi chép lại tỉ mỉ từng làn điệu, người dân hiểu về Then cộng đồng như một sản phẩm văn hóa truyền miệng, tam sao thất bản.
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tuế, nguyên Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh khẳng định: Then Cao Bằng là loại hình nghệ thuật đặc sắc được mọi người ưa chuộng, vừa có thể biểu diễn đơn, vừa xướng đôi hoặc hợp ca, đồng thời âm thanh có thể kết hợp với dàn nhạc hiện đại. Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh ra đời cũng nhằm mục đích bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình dân ca của tỉnh, đặc biệt là bảo tồn văn hóa Then Tày”. Chúng tôi từng đến thăm lớp Nhạc của Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể thao tỉnh, hành trang của lớp học vẫn chỉ đơn giản với cây đàn tính và những cuốn sổ chép tay. Tất cả những gì học sinh lĩnh hội được đều được truyền từ kinh nghiệm của chính giảng viên.
Trong lịch sử hình thành và phát triển, các làn điệu dân ca đóng vai trò quan trọng ghi lại từng sự kiện, khắc họa tâm tư, nguyện vọng của người dân qua từng thời kỳ. MiềnNam có cải lương, miền Bắc có hát chèo, Phú Thọ có hát xoan, Cao Bằng có hát Then… Tùy cuộc sống từng vùng miền mà ảnh hưởng đến các loại hình nghệ thuật. Với Cao Bằng, nơi khởi nguồn của hát Then, người dân sống cùng Then, yêu thích và luôn sử dụng hát Then trong mọi hoạt động xã hội. Nhưng cũng tại nơi đây, tầm ảnh hưởng của loại hình nghệ thuật mạnh mẽ đến thế mà suối nguồn của Then lại đang cạn dần…
Đến thăm buổi sinh hoạt của Hội Bảo tồn dân ca của huyện Hòa An, những người làm công tác văn hóa vừa vui vừa buồn. Vui vì khi mới thành lập hội chỉ có 12 hội viên mà chỉ sau 1 tháng con số này đã tăng lên gấp 6 lần. Tuy nhiên tất cả đều là những hội viên đã cao tuổi, trong đó có cụ bước vào tuổi 80. Nếu không có sự phối hợp, bảo tồn văn hóa một cách khoa học thì ngày sau hát Then sẽ dần mai một.
Những người yêu mến bộ môn nghệ thuật Then tính và những người đang làm nghề… tất cả đều đang mong về tương lai của Then Tày Cao Bằng - nơi khai sinh ra lời Then Việt đầu tiên có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân, đặc biệt là trong tiếng hát của thế hệ mai sau.
Hàn Thanh Duy
Theo baocaobang.vn