Bảo tồn và phát huy giá trị vốn cổ
Với tư cách là một điệu múa hát dưới cây bông, được xuất hiện và tồn tại trong đời sống của người Thái từ lâu đời, vì vậy lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đã trở thành nét biểu trưng của cộng đồng. Tuy nhiên, trải qua thời gian chiến tranh kéo dài, các thế hệ thanh niên của làng Roộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh) lên đường tham gia kháng chiến. Ở hậu phương, đời sống kinh tế khó khăn, lại đứng trước cuộc bài phong quyết liệt trước đây, vì thế mà vốn cổ của người Thái đã không được nuôi dưỡng, bảo tồn, việc tổ chức lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy cũng không được người dân ở đây thực hiện. Bởi vậy, một số lời hát, điệu múa, nhạc cụ đã bị mai một. Ngôi đền Cấm – nơi diễn ra tục lệ hàng năm của cộng đồng cũng bị phá hủy, chỉ còn khu đất và các bệ thờ được nhân dân xây dựng trong khoảng 20 năm trở lại đây.
Trình diễn công đoạn dệt thổ cẩm của người Thái trong lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy.
Từ sau hòa bình lập lại, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta chú trọng quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, vì thế lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy mới từng bước được hồi sinh trở lại và trở thành một di sản cấp thiết phải bảo tồn và phát huy mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái ở làng Roộc Răm vinh dự được tham gia ngày hội văn hóa các dân tộc trong huyện Như Thanh và các huyện miền núi trong tỉnh. Từ năm 2007, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy được ngành văn hóa đầu tư để phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị. Từ các nghệ nhân làm cây bông, sưu tầm những bài hát, bổ sung các nhạc cụ, trang phục cho đến việc tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân đã góp phần làm cho lễ tục này có sức sống trường tồn qua thời gian. Và, hiện nay lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đang tiếp tục được cộng đồng người Thái ở đây thực hành một cách thường xuyên, trở thành một nhu cầu tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của họ.
Trong lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đã hình thành nên một đội ngũ những nghệ nhân dân gian có khả năng hát, múa, sử dụng các loại nhạc cụ và làm cây bông một cách thành thạo. Vì vậy, trước mắt cũng như lâu dài cần phải có phương án bảo vệ, khuyến khích những nghệ nhân dân gian, nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, bảo tồn lễ tục và truyền dạy cho các thế hệ trẻ di sản văn hóa quý giá của dân tộc mình, trong đó có những lời hát, bài cúng bằng tiếng Thái. Đền Cấm – nơi diễn ra lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy cần được phục hồi, tôn tạo để phục vụ sinh hoạt tâm linh và tiến hành lễ tục hàng năm.
Ông Lương Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc của người Thái từ lâu đời. Sau khi lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong đó có việc đầu tư kinh phí để bảo tồn một số trò diễn, sưu tầm những lời hát trong lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy và truyền dạy của nghệ nhân cho lớp trẻ, nhằm thúc đẩy làm cho di sản có sức sống lâu bền trong đời sống cộng đồng. UBND huyện cũng đang có hướng đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Anh Ngọc
Theao baothanhhoa.vn