Âm nhạc Phật giáo tại chùa Phước Quang, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định

04-09-2022, 18:41


NGUYỄN THỦY TIÊN
NGUYỄN VƯƠNG HOÀNG

Địa điểm sưu tầm:
Chùa Phước Quang, thôn Thanh Giang, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định
Thời gian sưu tầm:
Tháng 10 năm 2020

A. Đôi nét về chùa Phước Quang, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định
Chùa Phước Quang tọa lạc tại thôn Thanh Giang, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thuở ban đầu, chùa chỉ là một thảo am nhỏ bé. Vào năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) đời Nguyễn Quang Toản nhà Tây Sơn, có vị Tổ sư Hải Lý từ Trung Hoa sang Việt Nam hoằng hóa. Ngài đã chọn thảo am này để làm nơi tu tập và đặt tên thảo am là Phước Quang.
Chùa Phước Quang theo dòng Lâm Tế Chánh Tông1. Trải qua vài trăm năm, với bao sự thăng trầm biến cố, chùa Phước Quang vẫn tồn tại và phát triển. Đó chính là công lao to lớn của các chư vị Tổ đức kế tục, đảm nhiệm chủ trì.
Phổ hệ chùa Phước Quang từ đời Tổ khai sơn được nối truyền theo thứ tự như sau:
- Tổ khai sơn hiệu Hải Lý tự Linh Thông
- Đại sư họ Phan húy là Thanh
- Hòa thượng Nãi Chí húy Đức Thùy
- Hòa thượng Chủng Trí húy Như Tức
- Đại sư Huệ Tịnh húy Chơn Thật
- Hòa thượng họ Phan húy là Đường
- Hòa thượng Trí Quang húy Như Viên
- Hòa thượng Chánh Định húy Như Tịnh
- Bổn sư Giác Chánh húy Thị Thông
Trải qua nhiều năm tháng, chùa Phước Quang đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Đại sư Phan Thanh, được xem là người đầu tiên có công trùng tu từ thảo am Phước Quang thành một ngôi già lam và về sau là các lần trùng tu của chư vị Hòa thượng Trí Quang (1942), Hòa thượng Chánh Định (1960). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh, chùa bị đổ nát, hư hoại. Đến năm 2004 (Giáp Thân), tỳ kheo Thích Đồng Phước là vị trụ trì kế nhiệm, cùng các huynh đệ trong sơn môn: Thích Như Tín, Thích Đồng Huệ, Thích Đồng Hoa, Thích Vạn Đài phát tâm đại trùng tu chùa Phước Quang. Qua thời gian 4 năm, công trình trùng kiến đã thành tựu viên mãn và lễ Khánh tạ được tổ chức trang nghiêm vào ngày 19 tháng 9 năm Mậu Tý (17/10/2008 DL).
Chùa Phước Quang hiện nay là một trong những địa chỉ được nhiều Phật tử trong vùng đến tu tập. Hằng năm chùa tổ chức nhiều nghi lễ Phật giáo. Có thể kể ra một số nghi lễ được diễn ra trong năm, bao gồm:
- Tết Nguyên Đán: Cung nghinh Khánh Đản Đức Di Lặc
- Mùng 6 tháng Giêng: Đàn Dược sư cầu Quốc thái dân an
- Ngày 15 tháng Giêng: Rằm Thượng Nguyên
- Ngày 8 tháng 2: Phật Thích ca xuất gia
- Ngày 15 tháng 2: Lễ Phật Thích Ca nhập Niết Bàn
- Ngày 19 tháng 2: Vía Quan Âm đản sinh
- Ngày 15 tháng 4: Vía Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh
- Ngày 19 tháng 6: Vía Quan Âm xuất gia
- Ngày 15 tháng 7: Lễ Vu Lan
- Ngày 19 tháng 9: Ngày Bồ Tát Quan Thế Âm thành đạo
- Ngày 15 tháng 10: Hạ nguyên (rằm cuối của năm)
- Ngày 17 tháng 11: Vía Đức A Di Đà đản sinh
- Ngày 8 tháng 12: Ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo

Ngoài các nghi lễ kể trên, tại chùa Phước Quang còn tổ chức các nghi lễ không ấn định thời gian cụ thể như Trai đàn chẩn tế, Cầu an, Cầu siêu…
Hàng tháng, vào những ngày mùng 1, 14, 15 và 30 âm lịch, tại chùa đều tổ chức nghi thức sám hối đại chúng và giảng dạy kinh văn cho các Phật tử trong vùng.
B. Tìm hiểu về âm nhạc được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo tại chùa Phước Quang
Trong các nghi lễ Phật giáo, âm nhạc là một trong những phương tiện hỗ trợ tạo cho không khí của buổi lễ thêm phần trang nghiêm. Không chỉ vậy, âm nhạc cũng giúp cho tâm trí những người tới tham dự một cảm giác an lạc, hoan hỷ khi đến với Phật pháp. Âm nhạc Phật giáo Bình Định gồm các làn điệu âm nhạc (như Bạch, Tán, Tụng, Xướng…), hệ thống pháp khí và dàn nhạc đệm.
I. Một số làn điệu âm nhạc được sử dụng trong quá trình thực hiện các nghi lễ Phật giáo ở chùa Phước Quang
1. Bạch
Trước một khóa lễ luôn có bài Bạch. Đây là làn điệu âm nhạc thường được dùng để thưa trình lên chư Phật hay các vị thánh thần. Trước khi thầy “sám chủ” Bạch có trống báo, tiếp đến là kèn chiêu và sau đó trống đổ một hồi rồi ra tang trống để thầy vào Bạch. Khi thầy Bạch, đàn nhị điểm theo giọng của thầy. Điệu Bạch thường sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt, được kết cấu theo từng cặp hai câu thơ, bao gồm một câu trống và một câu mái. Khi Bạch, câu trống có trống điểm đỡ giọng (được gọi là trống “rước hơi”). Vào những lúc giọng Bạch lên cao quá bị đứt hơi, tiếng trống sẽ lấp “lỗi” đỡ hơi. Khi kết câu trống, trống đổ nửa hồi gọi là “đổ lỡ” để nối tiếp sang câu mái. Hai chữ cuối cùng của câu mái bao giờ cũng có thêm âm thanh của “đẩu” 2 vào cùng.

Ví dụ 1: Trích đoạn bài Bạch Dâng hương do Đại đức Thích Đồng Định thực hiện.

2. Thỉnh
Thỉnh có nghĩa là lời mời các chư Phật, chư Bồ Tát và những người đã khuất xuống chứng đàn lễ. Thỉnh là một lối nói có nhịp, dõng dạc. Có hai loại Thỉnh: Thỉnh thường và Thỉnh hơi Ai. Khi Thỉnh thường, dàn nhạc đệm nhịp một và chơi bài Lưu thủy. Nếu có chuyển sang Thỉnh hơi Ai, thì dàn nhạc sẽ chuyển sang điệu Ai. Thỉnh hơi Ai chỉ dùng cho bài Thập loại cô hồn (12 câu đều giọng Ai).

Ví dụ 2: Trích đoạn bài Thỉnh hơi Ai do các Đại đức tham gia nghi lễ ở chùa Phước Quang thực hiện.

3. Xướng
Xướng là đọc to, có âm điệu cao và nhịp tự do. Xướng thường do một thầy đảm trách. Người phụ trách Xướng có vai trò điều khiển, dẫn dắt toàn bộ tiến trình của buổi lễ. Các câu Xướng là cầu nối giữa các tiết lễ, các thể nhạc với nhau.
4. Nguyện
Nguyện là lối nói có âm điệu, mang tính cung kính, chí thành. Khi Nguyện không có nhạc đệm theo. Có ba cách Nguyện:
*Nguyện hương: giọng hơi nhỏ, trầm
*Phục nguyện: giọng to, ngân dài. Phục nguyện gồm có: nói theo giọng Xuân khi cầu an và nói theo giọng Ai khi cầu siêu.
*Duy nguyện: là nói hộ tâm nguyện của con cháu. Âm điệu của Duy nguyện theo lối Thỉnh.
5. Tụng3
Tụng nghĩa là đọc có nhịp điệu. Có 3 loại Tụng: Tụng kinh, Tụng chú và Tụng sám.
*Tụng kinh là đọc kinh những lời Phật dạy. Người Tụng vừa Tụng vừa gõ mõ, có thể có đàn nhị đi tòng theo giọng điệu của người Tụng. Tụng kinh không có quy định về chấm câu và nghỉ nhịp.

*Tụng chú là đọc (tụng) nhanh.
*Tụng sám là đọc (tụng) chậm những lời Chư Tổ dạy con người cách tu hành. Các bài Tụng sám thường sử dụng thơ 5 chữ hoặc 7 chữ. Từ cuối cùng của mỗi câu thơ (từ thứ 5 trong câu thơ 5 chữ hoặc từ thứ 7 trong câu thơ 7 chữ) có trường độ ngân dài hơn so với các từ còn lại trong câu thơ.
6. Tán
Tán có nghĩa là ca ngợi. Các bài Tán thường dùng thơ 4 chữ, 5 chữ hoặc 7 chữ; cũng có những bài Tán không phải là thơ mà là văn xuôi như bài Tán về công đức của Đức Phật. Khi Tán, sẽ có một thầy Tán chính dẫn dắt, những quý thầy còn lại sử dụng pháp khí và cùng nhau Tán đồng thanh. Có 3 dạng Tán chính:
a. Tán sắp: Thường được Tán theo hơi Thiền trên thơ 7 chữ. Trong nghi thức Khai kinh khoa “Chẩn tế cô hồn”, Tán sắp được Tán trên thể thơ 6 chữ. Nhịp điệu của Tán sắp có lúc vừa phải, có lúc dồn dập, tính chất âm nhạc trong sáng, trang nghiêm. Trong Tán sắp còn có tiểu loại Tán tứ cú. Một bài Tán tứ cú gồm 4 câu thơ; chia thành 2 cặp trống - mái. Hai chữ đầu của câu trống hát đi lên, chữ cuối thì đưa ngang. Hai chữ đầu của câu mái hát bình thường nhưng chữ cuối cùng được tiến hành đi xuống.
Ví dụ 3: Bài Tán tứ cú do các Đại đức tham gia nghi lễ ở chùa Phước Quang thực hiện

b. Tán rơi: Thường được Tán trên văn xuôi, văn biền ngẫu câu này đối với câu kia hoặc được Tán trên thơ 5 chữ, thơ 7 chữ…. Tán rơi thường được Tán theo hơi Thiền ở tốc độ chậm, giai điệu ngân nga. Tính chất âm nhạc trầm hùng, vừa tha thiết, vừa thể hiện một nội lực mạnh mẽ. Trong Tán rơi còn có một số tiểu loại như sau:
- Tán thường: Là những bài Tán dùng hơi Thiền ngắn để thực hiện các bài ca ngợi chư Phật, Pháp, Tăng.
- Tán dựng: Là loại Tán mà các từ ở cuối mỗi câu trong đó đều được tán cao dần lên. Nếu nội dung bài Tán là thơ thất ngôn tứ tuyệt thì có phân chia thành câu trống và câu mái.
- Tán trà: Nội dung các bài Tán trà thường được Tán trên thể thơ 5 chữ, tốc độ chậm hoặc chậm vừa phải. Tán trà mang màu sắc buồn, hơi ai oán cho dù được Tán theo hơi Thiền không phải hơi Ai.
- Tán dẫn: Là điệu Tán được dùng trên đường di chuyển giữa các ban thờ của các quý thầy khi cần làm lễ ở những không gian thờ khác nhau.
- Tán lễ hiệu: Là điệu Tán dùng khi đọc danh hiệu của Đức Phật hoặc các vị Bồ Tát.
c. Tán trạo: Được Tán ở hơi Thiền với tốc độ nhanh vừa, có tính chất buồn. Tán trạo thường dùng trong nghi thức “Chẩn tế cô hồn” hoặc nghi thức “Cúng Linh”.
- Tán Tự quy y: thuộc dạng Tán trạo, là một điệu Tán dành riêng cho phần quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng trước khi kết thúc một buổi lễ.
Nội dung những bài Tán có thể dùng điệu Tụng thay thế nhưng nội dung các bài Tụng thì không thể thay bằng điệu Tán được.

7. Vịnh:
Vịnh là một hình thức đọc các bài thơ có âm điệu ngân nga ở tốc độ chậm, thường dùng để ca tụng công đức của các chư Phật. Vịnh cũng phân chia thành câu trống và câu mái; dàn nhạc đệm tòng theo giai điệu của bài Vịnh. Làn điệu Vịnh có thể được diễn xướng theo hơi Thiền hoặc hơi Ai đối với những bài Vịnh dùng để cúng Tổ và cúng Linh.
8. Kệ:
Kệ là những lời thơ đúc kết ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa để nói về lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật. Mỗi bài Kệ phải có ít nhất 4 câu thơ, có những bài dài cả trăm câu. Không có quy định về thể thơ trong các bài Kệ, mỗi câu Kệ có thể có từ 3 đến 8 từ. Âm điệu khi Kệ dịu dàng, ngân nga. Với những bài Kệ có nội dung tán thán, ca ngợi chư Phật thường được diễn xướng ở hơi Thiền, còn những bài Kệ dùng trong khi cúng Linh được sử dụng ở hơi Ai.
9. Thán
Thán nghĩa là “than”, là làn điệu thường dùng trong nghi thức “Cúng Tổ” và “Cúng Linh”, cúng người đã khuất; như lời than về sự mất mát, thương nhớ. Nội dung bài Thán thường ở thể thơ 5 chữ. Các bài Thán chủ yếu sử dụng hơi Ai, diễn xướng ở tốc độ chậm, ngân nga, dàn nhạc đệm tòng theo giai điệu của bài Thán.
Ví dụ 5: Bài Thán trà do Đại đức Thích Đồng Định thực hiện tại chùa Phước Quang

10. Nói Cái văn:
Nói Cái văn là dạng nói không có nhịp, cách điệu hơn so với nói thường. Nói Cái văn thường sử dụng thể loại thơ biền ngẫu. Nói Cái văn chỉ thấy trong khoa “Cúng Tổ” và khoa “Chẩn tế cô hồn”. Nội dung của đoạn Nói Cái văn trong khoa “Cúng Tổ” kể về những chuyện vô thường và ca ngợi công hạnh của các vị sư Tổ - những người đã có công gìn giữ và truyền bá Phật giáo. Nói Cái văn thường được dàn nhạc đệm bằng bài Thượng.
11. Hô canh
Hô canh được hô vào ban đêm, khi hô có gõ bảo chúng (một loại chuông). Một đêm có 5 lần Hô canh.
- Sơ canh: báo đi ngủ.
- Nhị, tam, tứ canh được hô với mục đích nhắc nhở các vị tu hành luôn tinh tấn tu tập, kể cả trong khi ngủ cũng không được ngủ mê mà phải ngủ trong thiền thức.
- Ngũ canh: hô để thức giấc.
Tuy nhiên trường hợp hô liền năm canh rất ít khi dùng, chỉ có mở giới đàn mới hô năm canh. Cuối mỗi bài Hô canh, đại chúng đều đồng niệm Nam Mô A Di Đà Phật để đáp lời.
12. Đọc sớ
Đọc sớ là lối đọc văn bạch thoại - một lối nói trang trọng với bề trên, tâu lên bề trên và có chút ngân nga ở đôi ba từ ở cuối câu.
II. Hệ thống pháp khí được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo tại chùa Phước Quang
Pháp khí là những vật dụng, nhạc cụ do các nhà sư sử dụng trong khi thực hành các nghi lễ Phật giáo. Các pháp khí ở chùa Phước Quang gồm có chuông, trống đại cổ, mõ, đẩu, linh, thủ xích.
1. Chuông
a. Đại hồng chung
Là loại chuông to được đúc bằng đồng, nặng chừng 1 tấn, cao khoảng 170cm, đường kính miệng chuông khoảng 90cm. Chuông được treo trên giá đặt trong lầu chuông phía bên trái (từ trong nhìn ra) trước nhà Tam Bảo. Chuông được cử lên vào lúc khởi đầu và kết thúc nghi thức chuông trống “Bát nhã” trong các buổi đại lễ.


Đại hồng chung tại chùa Phước Quang


b. Chuông gia trì
Chuông gia trì là một trong những pháp khí quan trọng trong các nghi lễ Phật giáo. Chuông gia trì dùng để báo hiệu lệnh dứt câu, trước khi dứt bài và không được đánh vào trong nhịp trường canh.
Chuông gia trì là nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ, được làm bằng đồng, có hình dáng giống một chiếc âu. Chu vi vòng lớn nhất của chuông là 37,5cm, đường kính miệng vào khoảng 11cm và cao 7cm. Chuông gia trì được đặt trên một chiếc đệm vải nhồi bông có hình vòng tròn.


Chuông gia trì tại chùa Phước Quang

c. Chuông bảo chúng:
Là loại chuông có cấu tạo giống như đại hồng chung nhưng kích thước nhỏ hơn với chiều cao 43cm, đường kính miệng chuông 25cm. Đây là pháp khí dùng vào các thời hô chuông sáng hoặc tối và thông báo cho các vị tu hành vào những lúc như hô canh hoặc khi thọ trai, chấp tác…

Chuông bảo chúng tại chùa Phước Quang


2. Đại cổ
Đại cổ là loại trống to, hai mặt trống làm bằng da trâu có đường kính 70cm, tang trống làm bằng gỗ có chiều dài 150cm. Đại cổ được đặt trên giá gỗ ở lầu trống phía bên phải trước nhà Tam Bảo. Đại cổ thường được dùng trong nghi thức thỉnh chuông trống “Bát nhã”.


Đại cổ tại chùa Phước Quang


3. Mõ
Mõ là một trong những pháp khí quan trọng luôn có mặt trong các nghi lễ Phật giáo.
Mõ là nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, chi gõ, được đẽo gọt từ thân cây gỗ mít. Thân mõ phình to hình bầu và rỗng ruột, được khắc nhiều hoa văn, họa tiết trang trí. Mõ được đặt trên một chiếc đệm đỡ làm bằng vải nhồi bông và được cố định bằng một chiếc dây đeo buộc vào phần tai mõ trên thân mõ. Hai bên trái, phải của thân mõ người ta khoét 2 lỗ tròn đối xứng có đường kính khoảng 2cm. Người ta khoét một khe hẹp rộng khoảng 0,2cm vòng trên thân mõ, nối 2 lỗ với nhau tạo thành khe thoát âm cho mõ kêu vang hơn. Mõ được gõ bằng dùi gỗ. Tiếng mõ có âm lượng lớn nhưng ít ngân vang. Với các bài Tụng và Tán, mõ thường được gõ theo nhịp trường canh.

Mõ tại chùa Phước Quang


4. Đẩu
Đẩu là một loại nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ, làm bằng đồng, có hình tròn. Viền đẩu cao khoảng 2,3 - 2,5cm, mặt để gõ có đường kính khoảng 9 cm. Đẩu thường được sử dụng theo cặp, trong đó một chiếc có âm cao hơn chiếc còn lại khoảng một quãng 3. Một cặp đẩu do hai quý thầy sử dụng, mỗi thầy dùng một chiếc. Đẩu được gõ bằng roi giống như chiếc đũa, làm từ tre nứa.


Một cặp đẩu và roi tại chùa Phước Quang


Âm thanh của đẩu cao, hơi chói và có độ vang. Theo cư sĩ Thiện Ngộ (sinh năm 1950) - một người am hiểu về nhạc Phật giáo tại chùa Phước Quang - loại pháp khí này có những cách đánh như sau:
* Cách thứ nhất: Đánh đẩu sáu, đánh đều đặn 6 tiếng theo một nhịp độ nhất định, gọi là một cuộn đẩu.

* Cách thứ hai: Đánh đẩu đôi lơi, tức là trong sáu tiếng của một cuộn đẩu; các tiếng thứ 1, 2, 4 và 6 sẽ bỏ không đánh; chỉ đánh vào tiếng thứ 3 và 5. Bên cạnh đó, trong cách đánh này hai roi đẩu đánh cùng một lúc tạo nên âm thanh nghe như chỉ có một tiếng vang lên.

* Cách thứ ba: Đánh đẩu đôi kép nghĩa là trong sáu tiếng của một cuộn đẩu; các tiếng thứ 3, 4 bỏ không đánh và hai roi đẩu cũng được đánh cùng một lúc vào các tiếng 1,2,5,6.

* Cách thứ tư: Đánh đẩu năm. Theo diễn tả của nghệ nhân thì cách đánh này giống như đánh đẩu đôi nhưng nghe nhanh hơn do có sự xuất hiện của các roi phụ được đánh ngay trước và sau các roi chính.


5. Linh
Linh thuộc loại nhạc cụ tự thân vang, chi lắc, có hình dáng như chiếc chuông, làm bằng đồng. Chu vi nhỏ nhất và lớn nhất của thân linh lần lượt là 18,5cm và 27,5cm. Phía đầu nhỏ của linh có gắn một cán cầm khoảng 7cm. Trong lòng linh có treo một thanh kim loại để tạo âm thanh khi lắc va đập vào miệng linh). Trên thân linh, có khắc họa tiết trang trí tỉ mỉ, có tính thẩm mỹ cao.


Một cặp linh được sử dụng trong các nghi lễ tại chùa Phước Quang


Trong nghi lễ Phật giáo tại chùa Phước Quang, linh cũng được sử dụng theo cặp với hai cao độ cao - thấp khác nhau. Âm lượng của linh lớn và vang xa. Cách sử dụng linh là cầm phía tay cầm/cán linh và lắc đều theo nhịp trường canh.
6. Thủ xích (thước tay)
Thủ xích là một pháp khí được các quý thầy sử dụng trong khi hành lễ. Thông thường, thủ xích là một khối gỗ cứng hình chữ nhật, vừa độ cầm của tay. Trên mặt của thủ xích có khắc 3 chữ tiếng Phạn được phiên âm là: Án, Dạ, Hồng. Thủ xích cũng được dùng để vỗ xuống báo hiệu bắt đầu hoặc dứt câu Tán, Tụng… và cũng không được vỗ vào trong nhịp trường canh.


Thủ xích tại chùa Phước Quang


III. Dàn nhạc của Ban Kinh Cổ phụng sự các nghi lễ tại chùa Phước Quang
Các nhạc cụ tham gia phục vụ các nghi lễ Phật giáo thuở xưa gồm: trống, 1 đàn nhị, 1 đàn gáo, 1 đàn nguyệt, 1 kèn, 1 sáo, có thể có thêm 1 đàn bầu (nhưng ít khi dùng bởi ít người sử dụng). Ngày nay, dàn nhạc chỉ có nhị, nguyệt, kèn, trống, thanh la, tiêu hoặc sáo. Dàn nhạc có chức năng hỗ trợ cho các nghi thức/hành động lễ và đệm cho phần diễn xướng các làn điệu.
1. Trống
Trống là nhạc cụ đóng vai trò nhạc trưởng dẫn dắt, kết nối các quý thầy cúng và dàn nhạc. Người chơi trống là người phải nắm chắc toàn bộ tiến trình nghi lễ để báo hiệu mở đầu, kết thúc và chuyển các làn điệu/bài. Người cúng và các nhạc cụ khác nghe trống báo để bắt vào hoặc kết thúc làn điệu/bài. Ngoài ra, trống còn có vai trò dẫn nhịp và chơi lưu không phối hợp hỗ trợ quý thầy trong khi cúng nghỉ lấy hơi. Dàn nhạc Ban Kinh Cổ tại chùa Phước Quang có 2 loại trống: trống chiến và trống bản.
* Trống chiến: Trống chiến là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ, có hai mặt bịt da (da trâu/bò…). Đường kính mặt trống khoảng 42cm. Thân trống làm bằng gỗ, hình trụ tròn cao khoảng 26,5cm. Khi sử dụng, trống được đặt hơi nghiêng 450 về phía người đánh trên 1 chiếc giá cao 9cm và được gõ bằng hai dùi gỗ.


Trống chiến

* Trống bản: Trống bản cũng là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ nhưng chỉ có một mặt bịt da với đường kính khoảng 14,5cm. Thân trống làm bằng gỗ, hình trụ tròn cao khoảng 10cm. Trống được gõ bằng 1 hoặc 2 dùi gỗ và được đặt trên giá cao 6,5cm, xếp sát bên phải trống chiến. Mặt trống cũng hơi nghiêng 450 về phía người đánh.


Trống bản

2. Thanh la
Đi kèm với trống chiến và trống bản là thanh la. Thanh la là loại nhạc cụ họ tự thân vang, chi gõ được làm bằng đồng, có hình dáng giống một chiếc chiêng nhỏ. Đường kính bề mặt của thanh la khoảng 21 cm, chiều cao viền khoảng 3 cm. Thanh la được treo trên giá khi diễn tấu và cũng được gõ bằng dùi gỗ.


Thanh la


3. Kèn bóp (Kèn bầu)
Kèn bóp là nhạc cụ họ hơi, chi dăm kép. Phần búp kèn dài khoảng 6,5cm gồm lá dăm và một đoạn ống đồng như ghép các đồng tiền xu úp ngược vào nhau. Phần thân kèn dài 20,5cm, khoét 7 lỗ bấm với đường kính khoảng 0,3cm/lỗ. Các lỗ bấm xếp thành một hàng dọc cách nhau lần lượt là 1,3cm, 1,5cm, 1,5cm, 1,8cm, 2cm và 2,5cm (tính từ lỗ đầu tiên ở phía gần đầu thổi). Loa kèn làm bằng đồng dài khoảng 6cm, miệng loa có đường kính 9cm.


Kèn bóp


Theo các nghệ nhân, kèn bóp thường chỉ sử dụng cùng với bộ gõ (trống, thanh la) chơi bài Khai trường để mở đầu và bài Chiến khi kết thúc một khóa lễ. Riêng trong khoa “Chẩn tế cô hồn”, kèn bóp và bộ gõ chơi bài Bát cấu để kết thúc khoa cúng. Kèn không được sử dụng để đệm cho phần hát cúng.
4. Đàn nhị
Đàn nhị là nhạc cụ họ dây, chi vĩ kéo. Cần đàn làm bằng gỗ, dài 80cm. Một đầu cần lắp 2 khóa đàn và một đầu cắm xuyên qua bầu cộng hưởng. Hộp đàn được làm bằng gỗ, có hình trụ dài khoảng 12cm khoét rỗng ruột. Một mặt được bịt bằng da trăn có đường kính khoảng 7.5cm, mặt còn lại rỗng có đường kính 8cm. Vĩ kéo của đàn làm từ tre, dài 73cm. Dây vĩ làm từ lông đuôi ngựa. Đàn có hai dây bằng nilon.


Đàn nhị

Đàn nhị cũng là một nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc Ban Kinh cổ. Đây là nhạc cụ đi giai điệu chính để đệm hoặc tòng theo giai điệu cúng cũng như lấy giọng, đỡ hơi cho các quý thầy.
5. Đàn gáo
Đàn gáo cũng là nhạc cụ họ dây, chi vĩ kéo. Cần đàn bằng gỗ dài 91,5 cm cắm xuyên qua bầu đàn được làm từ nửa quả bầu khô (bổ dọc). Mặt cắt của bầu đàn được bịt bằng một tấm gỗ mỏng và đặt một ngựa đàn cao 1,5cm.


Đàn gáo


Âm thanh của đàn gáo trầm hơn đàn nhị và không được sử dụng thường xuyên như đàn nhị. Đàn gáo có thể được thay thế bằng tiêu và ngược lại.
6. Đàn bầu
Đàn bầu là nhạc cụ họ dây, chi gảy, chỉ có một dây bằng kim loại. Đàn có hình hộp dài 110 cm. Mặt đàn hình thang, phía đầu đàn nhỏ có kích thước rộng 6cm, cao 6,5cm phía đầu to có kích thước rộng và cao 9,5cm. Cần đàn là một que tre dài 36cm có một đầu uốn cong, một đầu cắm xuyên qua quả bầu làm bằng gỗ, miệng bầu có đường kính 6,5cm. Đàn bầu được gảy bằng một đoạn tre nhỏ có độ mềm dẻo.


Đàn bầu

Đàn bầu hiện nay có âm lượng được hỗ trợ bằng bộ khuếch đại âm thanh qua máy tăng âm và phát ra bằng loa. Tuy nhiên, theo các nghệ nhân đây cũng là một nhạc cụ ít được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo tại chùa Phước Quang.
7. Đàn nguyệt
Đàn nguyệt là nhạc cụ họ dây, chi gảy. Thùng đàn làm bằng gỗ có hình hộp tròn, dẹt, đường kính mặt đàn khoảng 36cm. Trên mặt đàn có gắn ngựa đàn để mắc dây. Cần đàn làm bằng gỗ cứng, dài 66cm, trên có gắn 8 phím đàn. Phía đầu cần đàn có một bộ phận hình lá đề gọi là đầu đàn. Trên đầu đàn có khoét lỗ cắm hai khóa đàn để mắc và lên dây đàn. Đàn có 2 dây nilon được lên cách nhau một quãng 5.


Đàn nguyệt tại chùa Phước Quang


Âm lượng của đàn nguyệt không lớn. Cùng với đàn nhị, đàn nguyệt có vai trò đệm và đi tòng theo giai điệu phần cúng của các quý thầy.
8. Tiêu
Tiêu là nhạc cụ họ hơi, chi hơi lùa. Tiêu được làm từ một ống tre dài khoảng 42cm. Đầu thổi được bịt một mẩu gỗ chỉ để lại một khe hở hình bán nguyệt có bề rộng khoảng 0,2cm. Phía dưới dọc theo thân tiêu, gần sát với đầu thổi người ta khoét một khe hình chữ nhật dài 1,5cm, rộng 0,9cm để thoát hơi. Phía mặt trên thân tiêu người ta khoét 6 lỗ bấm được xếp thành một hàng cách nhau khoảng 1,5cm, bắt đầu từ vị trí cách đầu thổi 15cm. Ngoài ra, tiêu còn có 4 lỗ được khoét ở gần phía đầu thổi nhưng không dùng để bấm: 2 lỗ nằm thẳng hàng với các lỗ bấm, 2 lỗ còn lại nằm đối xứng ở mặt kia của tiêu.


Tiêu tại chùa Phước Quang



Tiêu là một loại sáo thổi dọc có âm lượng khá lớn so với các nhạc cụ khác, cũng được sử dụng để đi tòng theo giai điệu cúng của các quý thầy nhưng ở âm khu cao.
Thay lời kết
Có thể nói, về phương diện âm nhạc trong các nghi lễ Phật giáo mà chúng tôi sưu tầm tại chùa Phước Quang có những nét đặc trưng riêng, mang sắc thái âm nhạc dân gian và truyền thống của vùng đất Bình Định. Âm nhạc Phật giáo Bình Định đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng từ những loại hình âm nhạc truyền thống nào ở Bình Định? Vấn đề này chúng tôi mong muốn có thời gian nghiên cứu sâu hơn và sẽ trình bày trong một bài viết khác.
Trong những năm gần đây, không chỉ ở Bình Định mà ở khắp mọi nơi trong cả nước, các nghi lễ Phật giáo được thực hiện nhiều với những quy mô lớn nhỏ khác nhau. Tưởng chừng đây sẽ là điều kiện thuận lợi để âm nhạc Phật giáo có môi trường lưu giữ và phát triển tốt. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, những người thực sự muốn học về nhạc Phật giáo rất ít. Để thể hiện được đúng điệu và phong cách trong các lễ nghi, người nhạc công phải có đủ trải nghiệm, tốn nhiều công sức và thời gian học hỏi, luyện tập. Do nhu cầu về nghi lễ tăng cao, số lượng nhạc công tham gia phục vụ nghi lễ không đủ, nên nhiều nhạc công dù chưa chắc tay nghề nhưng vẫn tham gia phục vụ nghi lễ với quan niệm chỉ cần có tiếng kèn, tiếng trống, tiếng đàn là được. Những người rành về âm nhạc Phật giáo ở Bình Định, những người giỏi nghề vẫn còn nhưng không truyền dạy được, vì người học cho rằng học theo lối của các thầy tốn quá nhiều thời gian. Âm nhạc Phật giáo chuẩn mực ở Bình Định vì thế hiện đang mai một dần. Cư sĩ Thiện Ngộ - một người đã từng truyền dạy nhiều lớp về âm nhạc Phật giáo phát biểu: “Riêng bản thân tôi vẫn muốn truyền lại, cố tìm người để truyền “roi trống” nhưng 40 năm qua mới tìm được có một người!”. Lời nói của ông cho thấy âm nhạc Phật giáo ở Bình Định đang ở tình trạng báo động!
Hy vọng rằng, trong tương lai, âm nhạc Phật giáo tại chùa Phước Quang nói riêng, ở Bình Định cũng như cả nước nói chung sẽ được quan tâm đúng mức, số lượng người theo học một cách bài bản nhiều hơn nữa để việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển vốn “di sản quý báu” này thật sự có hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Hồng Lĩnh (2009), Góp phần tìm hiểu lễ nhạc Phật giáo Huế (luận văn Thạc sĩ), Viện Nghiên cứu Văn hóa.
2. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) (2008), Nhạc lễ Phật giáo xứ Huế, Nhà xuất bản Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Tư liệu điền dã, phỏng vấn thầy Thích Vạn Đài, cư sĩ Thiện Ngộ do Nguyễn Thủy Tiên thực hiện lưu trữ tại Viện Âm nhạc.

Chú thích:
1. Lâm Tế là một trong những trường phái Thiền nổi tiếng của Trung Quốc do Thiền sư Lâm Tế sáng lập. Nguyên Thiều là vị Thiền sư người Trung Quốc thuộc tông Lâm Tế, đời pháp thứ 33. Năm 1677, Ngài theo thuyền đi từ Trung Quốc đến phủ Quý Ninh (Quy Nhơn ngày nay) lập chùa Thập Tháp Di Đà để giáo hóa Phật pháp. Ngài được coi là người đầu tiên truyền tông phong Lâm Tế sang miền Trung Việt Nam.
2. Một loại pháp khí do các quý thầy sử dụng.
3. Tụng khác Niệm ở chỗ: Tụng có tiếng phát ra ngoài. Còn Niệm là đọc thầm, không phát tiếng ra ngoài.

Thêm một trao đổi